Để em kiếm ít thông tin về cái chỗ tắm tiên này nhá
Đoạn này em lấy ở đây
http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/xahoi/202786/
Tắm “tiên”... bãi giữa sông HồngThứ sáu, 23/5/2008, 12:05 GMT+7 Là bãi cát nằm phía thượng lưu bãi giữa sông Hồng, tại đây nó toát lên sự hồn nhiên của cộng đồng người ưa tắm trên đất phù sa vào những buổi chiều và chạng vạng tối. Họ không phải là “tiên” mà toàn là đực rựa, giữa trời và đất, mặc cho dòng sông cứ mải miết chảy, họ đến chỉ để... tắm.
>> Làm Chử Đồng Tử ở sông Hồng
Bãi giữa sông Hồng do phường Phú Thuỵ, quận Long Biên quản lý. Bãi rộng mênh mông, nhưng do phụ thuộc vào dòng chảy nên gần như bãi bị bỏ hoang. Vào mùa lũ bãi giữa ngập nước, đi trên cầu chỉ nhận ra những ngọn cây chuối chới với giữa dòng sông cuồn cuộn phù sa. Dân thuyền chài cũng tìm bến bờ khác neo đậu, chờ mùa nước lũ qua lại về bãi giữa sống nghề chài lưới.
Đường đến với… “tiên”
Bãi tắm chỉ cách cầu Long Biên khoảng 300 mét, về phía thượng lưu. Tại đây, cát và đất phù sa phẳng mịn, phía trong lúp xúp những lùm cây đành đạch tốt um tùm che chắn tầm mắt những người trồng ngô, trồng lạc.
Về với thiên nhiên
Có lẽ người đầu tiên tìm ra bãi tắm này đã có cuộc khảo sát tầm nhìn từ các phía. Đến đây chẳng anh nào quy định anh nào, đã đến là phải cởi bỏ hết áo quần và tắm. Ban đầu chỉ có ít người đến tắm, nhưng mấy năm nay, tiếng đồn lan xa và người đến đây tắm khá đông. Những ngày trời nắng nóng đầu mùa, bãi tắm phải có đến hàng trăm người. Đến đây, ai cũng tự tin và... “tồng ngồng”. Trên là trời, đưới là nước và ở giữa là các đấng mày râu đá bóng không màu cờ, chẳng sắc áo. Đá chán lại nhảy ùm xuống sông và tắm.
Ngoài đá bóng, người đến đây tắm thường ngồi ung dung trên bãi bằng “khoả thân” và nghịch cát như là đi tắm ở các bãi biển. Quần áo có thể gửi trên bè cá nuôi và cũng có thể tập kết thành đống của nhóm mình tắm, để ngay trên cỏ. Đi một mình cũng không sao, không bắt buộc phải đi “hội đồng”. Ca dao xưa có câu: “Hơn nhau tấm áo, tấm quần/ Cởi ra bóc trần ai cũng như ai” là thế.
Người đi tắm mang theo điện thoại di động, xà bông, khăn lau, thuốc lá... Những người ra đây tắm không phải là tình cờ mà thành thói quen, họ đi như là chuyện không thể thiếu được trong những ngày nóng nực, chiều tàn. Ra bãi giữa được thả hồn người với thiên nhiên.
Trừ những ngày quá lạnh giá, và những ngày nước dângc ao lút bãi bờ. Tất cả các ngày trong năm, ngày nào cũng có người tắm. Thời tiết càng nóng, số người đến bãi tắm càng đông, còn có cả anh Peter người Thuỵ Điển ra đây bì bõm.
Không tắm cũng phí!
Anh Hoàng, một công chức làm trong thành phố cho biết: “Thời gian đi công tác xa Hà Nội hoặc những ngày bận việc nhà, bận việc cơ qua thì chúng tôi không ra được. Còn ai rủ đi uống bia, hay hẹn hò cũng đành khép lại. Chúng tôi ra với thiên nhiên. Tắm ở đây có cảm giác thư thái, tắm xong thấy người nhẹ nhàng và khoẻ hẳn”.
Anh ví von, người ta còn vào tận Nha Trang hay vào các dịch vụ xông hơi mát sa để tắm bùn. Đến đây, bùn cũng có mà cát cũng mịn, nước sông thiên nhiên rộng mênh mông, không mất một đồng dịch vụ nào, không tắm thì rõ là phí”.
Tắm ở đây cũng là cách… nhìn nhận lại mình! Người nhiều tuổi ra đây nhìn những thanh niên và nhớ lại một thời, cái thuở đã qua đi và để biết mình đang ở đâu, chứ không thể “hênh hoang” rằng mình trẻ mãi. Tuổi tác khiến cho cơ thể kém độ căng mịn, ra đây để hoà đồng thiên nhiên, để tắm và được sống lại như thuở ấu thơ của cuộc đời.
Cái thuở mà mình mang là “cu tí, cu ấm, thằng bờm, thằng chạc”…, đó là cái tên dân dã gọi cho dễ nuôi của những cậu trai.
Anh Thịnh người ở quận Hoàng Mai - một quận khá xa bãi tắm này cho biết, ngày trước nhà anh ở quận Ba Đình và anh thường cùng đám bạn bè ra sân đá bóng ở bãi gần chợ Long Biên. Đá bóng xong cả bọn rủ nhau xuống sông tắm cho mát.
Nhưng sau này lấy vợ và phải ở rể nhà vợ dưới quận Hoàng Mai, nhưng rảnh là anh lại qua đây tắm để nhớ lại thời thanh niên của mình. Anh thấy tắm ở đây thật là thú vị và có sức khoẻ hơn. Da dẻ và cơ thể mình được tắm nước sông gần gũi với thiên nhiên đẹp hơn, mang lại nhiều cảm xúc.
Thú vui được nhiều người trên “bãi tắm tiên” hưởng ứng đó là đá bóng. Không như các cầu thủ phải mặc quần áo số, đi giầy đi tất... Rách việc! Các cầu thủ ở đây chẳng cần mặc gì, sân đá bóng cũng không cần phải vạch vôi hay kẻ ô vuông. Chỉ cần vài cái quần áo bỏ đống làm khung thành, mỗi bên mấy người và đá. Khán giả là những fan cuồng nhiệt, quần áo cũng phải “mặc” như các cầu thủ.
Đá bóng mệt lại xuống dòng nước ngâm mình như… trâu. Cuộc sống trên bãi tắm cứ tung tăng như thời nguyên thuỷ, chẳng ai chê trách ai, chẳng ai phải dạy bảo ai, đến đây thì cứ nhìn nhau… thôi.
Hai ba: dzo!
Anh Bình ở thành phố Hà Đông. Ngày còn nhỏ anh cũng hay lên cầu Long Biên đi dạo một vòng rồi lại lên xe buýt đi về Hà Đông. Nhưng từ ngày biết có bãi “tiên” này. Anh cũng ra xem cho biết... Thế rồi hứng chí anh cũng xuống tắm cho vui, lần đầu hoà nhập cùng nhóm người đi tắm, anh cũng có cảm giác “ngại ngại”, nhưng rồi cũng quen.
Anh Đằng sống ở khu chung cư khá sạch sẽ, yên tĩnh. Ở đây nhà ai biết nhà đó, cầu thang máy đi vút lên từng nhà nên không có hàng xóm láng giềng. Anh kể, giờ làm việc thì ở cơ quan suốt ngày, về nhà chỉ biết vợ con nên đôi lúc thấy tẻ nhạt. Biết có bãi tắm này, anh liền ra đây vui và quen được mấy người bạn rồi từ đó kết thân nhau. Ngày nghỉ họ rủ nhau đi tắm, rồi vào quán nhậu.
Lúc đầu đến đây anh cũng sợ nước sông Hồng ô nhiễm, da sẽ lở loét, nhưng qua lần tắm đầu tiên về nhà mấy ngày sau vẫn không thấy có hiện tượng gì. Mà ở đây được nói chuyện khá thoải mái, anh nhún vai “nhất cử lưỡng thiện”, vừa tắm vừa chuyện phiếm, vui. Anh kể một lần sang Ấn Độ công tác, tại đây người ta còn tắm ở sông Hằng vào những ngày lạnh giá. Họ quan niệm tắm sông là gặp được những điều may mắn…
Quả thật, ở Hà Nội, thật khó tìm được nơi nào tĩnh mịch và vui như nơi này.
Trong truyện ngắn “Con gái thuỷ thần” của Nhà văn nguyễn Huy Thiệp có nhắc đến nơi này, phải chăng nơi đây - những người đàn ông đã tìm lại được mình bên dòng sông mẹ Cả. Cuộc sống cứ diễn ra và như dòng sông trôi đi không hề băn khoăn. Hỏi mấy người làm ruộng ở bãi giữa về tình hình những người đàn ông tắm “tiên”, họ chỉ cười và nói rằng “ngô vẫn trổ bắp và lạc thì vẫn ra hoa; cuộc sống phải hồn nhiên như vậy mới vui chứ”.
Đoạn này thì em lấy tiếp ở đây:
http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/05/3BA02B14/
Bãi tắm 'tiên’ ven sông Hồng
Xế chiều, vài chục người đàn ông to khỏe hào hứng len qua những luống ngô bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) tìm đến một bãi cát thoai thoải, nhảy xuống dòng nước mát lạnh.
>
Giới trẻ bên sông Hồng mùa nước cạn
5h chiều, cầu Long Biên nhộn nhịp bởi sự có mặt của những người đàn ông mình trần đầy vẻ phấn khích. Điểm dừng chân của họ không phải quán bia, trà đá ven đường. Tất cả đều hối hả chen xuống lối đi bộ giữa cầu.
Ngoắt ngéo qua con đường mòn, hai bên là những luống ngô khoai, anh Thành, nhân viên một công ty ôtô cho biết, hai tháng qua, chiều nào anh cũng có mặt ở bãi tắm. “Một lần đi qua cầu Chương Dương nhìn thấy xa xa có một bãi tắm. Hôm sau vì tò mò tôi ra xem thấy hay vậy là tham gia luôn", anh Thành nói.
Anh Thành cho biết, ban đầu khi mới ra thấy mọi người cứ "trần như nhộng" cũng hơi ngại nhưng anh nghĩ ở nơi hẻo lánh thế này lại xế chiều nên chắc không ai đi qua. "Bây giờ cứ cuối giờ chiều tôi lại ra tắm. Hôm nào không đi được là cảm thấy thiếu thiếu", anh Thành nói.
16h chiều, bãi tắm ven sông Hồng lại tấp nập người đến tắm.
Ảnh: Hà Anh.
Ngồi bên dải cát trắng xoá bay mù mịt mỗi khi có đợt gió thổi qua, bác Thảo, 65 tuổi vẫn nghiền mắt say sưa ngồi tập yoga. Ở cái tuổi nhiều người đã có thể gọi bằng chức "lão", nhưng cơ thể bác Thảo vẫn hồng hào, săn chắc.
Bác kể, 10 năm trước bác đã có mặt ở bãi tắm này. Tuy nhiên, hồi đó, lượng người đến còn thưa thớt. Một số ngượng phải mặc quần đùi nhưng lâu ngày "nuy" thành quen. "Hồi đầu cũng có người ác khẩu bảo nhóm chúng tôi là những người "có vấn đề" nhưng lâu rồi khi bãi đông lên không còn nghe thấy ai xì xào nữa. Tới bây giờ, số người đến tắm ngày càng đông", bác Thảo cười hiền lành.
Không kiên trì ngồi tập yoga như những người đàn ông khác, bác Thế nhà ở quận Hai Bà Trưng, sau một vòng bơi liền lên bờ. Nằm trên những dải cát xếp nhiều tầng, lộ rõ nước da bánh mật, người đàn ông gần 50 tuổi hào hứng cho hay, chiều nào cũng có mặt ở đây. “Đồng hồ chỉ 16h30 là tôi lại đánh xe ba gác về. Lúc đó, khách có trả công hậu hĩnh tôi cũng từ chối. Hôm nào mà bỏ tắm lại khó ngủ”.
Là thương binh hạng 4/4, nhưng nhìn bên ngoài bác Thế vẫn nhanh và khoẻ mạnh. “Dòng sông này cho sức khoẻ đấy. Nhiều năm nay, tôi đâu có mất tiền mua viên thuốc nào”.
Theo bác Thế, những người đến đây tắm không phân biệt hè hay đông. Nhiều hôm thời tiết lạnh cóng,đi trên đường run lập cập nhưng vẫn có hàng chục người đến đây bơi. Chiều 30 Tết, mọi người tụ tập nhau lại. Người bánh chưng, người giò chả và cả những chai rượu ngồi bên bãi cát nhâm nhi.
Mới đến, chẳng ai biết nhau, nhưng nay họ đã thành lập hẳn một câu lạc bộ mang tên Sông Hồng, thành viên từ sinh viên, công chức đến những cán bộ hưu trí. Sau khi thỏa sức vui đùa với dòng nước mát lạnh, họ thường nán lại lại tán gẫu Một không khí vui tươi tách biệt hẳn với những gì đang diễn ra trong lòng thành phố náo nhiệt.
Khác bãi tắm nằm giữa cầu Long Biên và Chương Dương (chủ yếu cán bộ về hưu và giới công chức) bãi tắm ngự phía đầu cầu Long Biên lại thu hút giới trẻ.
Mặc dù, lối vào bãi tắm này không phải dễ tìm nhưng lượng người đổ về đây khám phá ngày càng đông. Từ học sinh, sinh viên đến khách nước ngoài hay tin cũng mò xuống đây bơi, chụp ảnh.
Tỏ ra thích thú khi chụp được những tấm hình nude 100% của giới mày râu khi đang đá bóng, anh Phera, một khách du lịch người Ý nhận xét. “Bãi tắm này khá độc đáo. Con người được trở về với thiên nhiên, hưởng không khí trong lành. Tuy nhiên, rất nguy hiểm nếu gặp sóng dữ và sa xuống những hố cát...”
Ở bãi tắm này không chỉ có những người tập yoga, mà còn có những cuộc thi bật tôm, thả ngửa mình theo dòng sông, trồng cây chuối...
“Tắm ở đây rất thích, ai cũng giống ai thì có gì phải ngượng. Nước sông sạch, về nhà không tắm lại cũng chẳng sao", Hoàng, sinh viên trường ĐH Bách Khoa kể.
Cách bãi tắm không xa, một quầy dịch vụ dành cho các quý ông cũng nhanh chóng được dựng lên. Trông giữ xe đạp xe máy, bán vài chai nước ngọt và ít hoa quả mang lại nguồn nhập chính của chị Hồng (chủ quán) từ nhiều năm nay.
“Những ngày đầu mới mở quán, tôi cũng ngượng. Họ cứ nghễu nghện ra vào quán mà trên thân chỉ mặc mỗi quần "bé", nhưng lâu ngày thành quen...”, chị Hồng nói.
Trời chập choạng tối, bãi tắm tiên thưa dần. Người đàn bà trong quán nhỏ lại lui cui khơi lại ngọn đèn dầu.