Cây Sở còn gọi là trà mai, trà mai hoa, cây dầu chè.
Tên khoa học camellia sasanqua thunb. (Thea sasanqua (thunb.) Nois.).
Thuộc họ chè thaceae.
Cây Sở cho ta những sản phẩm sau đây:
Dầu sở còn gọi là dầu chè dùng làm thực phẩm hay trong kỹ nghệ xà phòng.
Khô sở dùng làm phân bón, nguyên liệu chiết saponozit, làm thuốc trừ sâu, duốc cá.
A. Mô tả cây
Cây sở là một cây nhỏ, cao chừng 5-7m, lá không rụng, hầu như không cuống, hình mác thuôn hay hình trứng thuôn dài, đầu nhọn, phía cuống hơi hẹp lại, phiến lá dài, nhẵn, mép có răng cưa, dài 3-6cm, rộng 1,5-3cm. Hoa mọc ở nách hay ở ngọn, tụ từng 1 đến 4 cái, màu trắng, đường kính 3,5cm. Quả nang, đường kính 2,5-3 cm, hơi có lông, đỉnh tròn hay hơi nhọn, thành dày, có 3 ngăn, mở dọc theo ngăn, mỗi ngăn có 1 đến 3 hạt có vỏ ngoài cứng, lá mầm dày, chứa nhiều dầu.
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây dầu sở được trồng nhiều nhất ở tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ rồi đến các tỉnh khác có ít hơn như Hòa Bình, Hà Tây, vùng huyện Nho Quan thuộc Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng. Tại miền Trung ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đến cả những tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên cũng có mọc. Có một số nơi có cây sở mọc hoang.
Sở còn mọc và được trồng ở các nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Miến Điện.
Muốn trồng sở cần chọn những đất nham thạch (schisteux), cát và đất thó, có độ dốc, hình như cây rất sợ nước đọng, do đó những ven hồ ao, những bãi ẩm cây không mọc được. Nó còn đòi hỏi độ ẩm cần thiết của không khí và tránh những nơi có gió hanh. Thường trồng xen kẽ với cây chè và cây sơn. Cuối tháng 2 vào mùa mưa phùn, mgười ta vùi hạt sâu chừng-4cm, cần chọn những hạt vừa thu hái trong mùa vừa qua. Thường trồng theo những hàng cách nhau 6m và mỗi cây trên mỗi hàng lại cách nhau chừng 4,5 đến 5m, nếu trồng xen kẽ với sơn thì mỗi hàng cách nhau 4 cây sơn, trên mỗi hàng mỗi cây lại cách nhau 3 cây sơn. Sau 4 năm cây đã cao 1,8-2m, sau 6 năm bắt đầu thu hoạch được quả thì cây cao chừng 3m. Cây 8 tuổi cao chừng 4,5-5m và cho chừng 8 đến 10kg quả, vào năm thứ 15 là năm cho thu hoạch cao nhất, cây sở cho chừng 40kg quả. Cây lúc này có dáng rất đặc biệt, đứng xa cũng nhận được dàng hoi hình cầu của tán cây. Mùa hoa tháng 11-12, quả chỉ chín và thu hái vào tháng 9-10 năm sau. Thường cây sở cho 2 năm thu hoạch cao thì 1 năm lại thu hoạch thấp. Nếu đong bằng lít thì 2 năm thu hoạch cao chừng 90 lít quả thì năm thấp chỉ được 20 lít. Việc chăm sóc hầu như rất ít, chỉ mấy năm đầu cần làm cỏ, nhưng thường chăm sóc cho chè và sơn là chủ yếu, còn cây sở ít đòi hỏi hơn. Thường 100kg hạt cho chừng 50kg nhân hạt và 100kg hạt cho chừng 15-16 lít dầu vàa chừng 80-85kg khô sở.
C. Thành phần hoá học
Trong lá có chứa 0,4-1% tinh dầu. Tỷ trọng ở 210 là 1,061, thành phần chủ yếu của tinh dầu là eugenol C10H12O2 tỷ lệ đạt tới 95-96%.
Trong hạt có chứa chừng 58 đến 60% chất dầu lỏng, màu nâu vàng nhạt hay vàng rơm, mùi nhẹ dễ chịu; tỷ trọng ở 150C là 0,900, không tan trong cồn 950, độ axit biểu thị bằng axit oliec là 2,876g trong 1 kg dầu.
Từ khô sở, F.Guichard và Bùi Đình Sang đã chiết được 8% saponozit có phản ứng trung tính của những sapotoxin. Sapotoxin nay màu vàng nhạt, tan trong nước, trong cồn 900,trong cồn metylic, khôngtan trong cồn tuyệt đối và cồn amylic nguội nhưng tan trong cồn nóng. Thủy phân cho fructorza và một sapogenin chảy ở 238-245oC.
D. Tác dụng và liều dùng
Dầu sở được dùng làm thực phẩm, nấu xà phòng, thắp đèn, chữa ghẻ lở.
Khô dầu sở dùng làm phân bón, thuốc trừ sâu, trừ giun đất, không thể dùng cho xúc vật ăn được vì có độc. Khô dầu sở còn có thể dùng làm nguyên liệu chiết saponozit dùng trong những kỷ nghệ khác.
Bó gãy xương: lá sở 50g, lá náng 50g, hai thứ giã nhỏ. Đắp và bó.
Lá sở ở ta chưa thấy khai thác. Tại Liên Xô cũ người ta coi đây là một nguồn tinh dầu chứa eugelnol quan trọng. Ta nên chú ý nghiên cứu để tận dụng.