Nhà có hai chị em gái. Cô chị bướng bỉnh nhưng biết nhường nhịn. Cô em bướng bỉnh hơn và không biết nhường nhịn là gì. Cha mẹ yêu quý hai chị em như nhau nhưng chiều cô em hơn một chút. Đơn giản vì cô em là út.
Năm cô em biết phụ mẹ dọn nhà, dọn mâm bát thì cô chị đã được coi là chuyên gia nấu ăn, sau mẹ, nhất là về khoản làm nem rán. Năm cô em bắt đầu tập đi chợ, nấu ăn thì cô chị đã được coi là người lớn, biết lo toan san sẻ với mẹ mọi việc trong gia đình. Cô chị hơn cô em 6 tuổi.
Thế nhưng khi cô em bắt đầu yêu thì cô chị vẫn chưa có mảnh tình vắt vai. Tim chưa vương vấn, lòng chưa xao xuyến, cô chị vui tươi sống trong gia đình. Lần nào về nhà, cô em cũng giục chị: Yêu đi thôi, cái tuổi đẹp nhất sắp qua rồi đấy. Cô chị vẫn chẳng thèm nao núng. Cha mẹ im lặng nhìn các chàng trai nối nhau đến chinh phục và cuối cùng thất bại ra đi.
Cha mẹ tôn trọng tình cảm của cô chị. Nhưng cha mẹ cũng lo lắng cho cái duyên số của cô. Biết đến lúc nào cô chị mới chịu quan tâm đến việc gây dựng gia đình nhỏ xinh cho riêng mình. Biết đến lúc nào cô chị mới đem chàng rể về để nhà thêm người, thêm vui. Biết đến lúc nào cô chị mới cho ông bà bế cháu.
Cha mẹ cũng tôn trọng tình cảm của cô em. Nhưng cha mẹ cũng không thôi lo lắng. Biết tình yêu của cô em có đi đến cùng để đạt được ngày hạnh phúc? Biết đó có phải là+ cậu con trai xứng đáng, đủ ý thức chăm lo cho cô em suốt cuộc đời? Biết cậu trai ấy có thể trở thành chàng rể ngoan, thành đứa con thực sự gắn bó với gia đình?
Nhà chỉ có hai chị em gái.
Năm năm sau. Cô chị lấy chồng. Ngày cô chị mặc váy cưới, đi bên chàng rể, mẹ khóc. Mẹ nhớ cô chị. Mẹ thương cô chị bắt đầu làm dâu, bắt đầu cuộc sống mới và nhất là chính thức xa mẹ. Nhà vắng. Nhà yên ắng. Mẹ nhớ chị.
Giao thừa năm ấy, như thông lệ, cha đi lễ chùa xin lộc cho cả nhà. Mẹ lặng lẽ lên tầng chuẩn bị lễ cúng đón năm mới. Cô em ngồi cạnh cái điện thoại, mắt ngắm cây đào cây quất, lòng bình yên nhưng hơi buồn. Cô em không biết tại sao.
Quá 12h đêm, cha về, mùi nhang, mùi sương, mùi mưa xuân trong lành. Cha mẹ và cô em ngồi bên chén trà, gói mứt, vừa nói chuyện vừa cười. Mà vẫn thiếu. Gần 1h sáng, cô chị và anh rể sang nhà. Mừng tuổi cha này, mừng tuổi mẹ này, mừng tuổi cô em này. Cô em cười. Cha cười. Mẹ cười tươi, khuôn mặt lấp lánh. Bây giờ nhà chẳng thiếu gì cả.
Hai năm sau. Cô em đi lấy chồng. Buổi tối khi cô em đã trở thành nàng dâu mới, mẹ nói chuyện với cha suốt đêm. Và mẹ khóc suốt đêm. Nhà trống trải. Chỉ có cha và mẹ, không có hai chị em chí choé cãi cọ, ríu rít nô đùa, thủ thỉ nói chuyện như xưa. Hai chị em đi lấy chồng. Cha mẹ có thêm hai đứa con trai. Nhưng nhà vẫn chỉ có cha và mẹ.
Con gái là con người ta. Ngày lễ tết, ngày hội hè, ngày giỗ chạp, nhà người ta thêm người thêm tiếng cười tiếng nói, thêm đôi đũa bát cơm, nhà người ta thêm hạnh phúc. Còn nhà cha mẹ bớt tiếng nói, bớt dáng hình, bớt nụ cười, chỉ có thêm nỗi nhớ. Mẹ có buồn không? Mẹ có khóc không?
Con gái là con người ta. Khi xưa mẹ sinh hai chị em gái, mẹ yêu hai chị em gái và hai chị em gái cũng yêu mẹ, yêu mái nhà mình hơn tất thảy mọi thứ trên đời. Khi xưa mẹ mong cô chị yên bề gia thất, mẹ mong cô em có được người chồng tốt, mẹ mong có thêm những đứa con trai ngoan. Khi xưa mẹ đã biết là mẹ sẽ nhớ hai chị em, mẹ sẽ thương hai chị em, mẹ sẽ buồn và buồn nhiều lắm.
Lại như ngày xưa. Khi cô em làm dâu năm đầu tiên, cô chị đã là đứa con ngoan của nhà anh rể được hai năm rồi. Khi cô em tập chăm lo cho một gia đình và chỉn chu với các trách nhiệm mới, cô chị đã là nàng dâu trưởng đảm đang thạo việc.
Nhưng sẽ khác xưa. Khi cô em xa nhà đêm giao thừa, cô chị đến bên cha mẹ, mừng tuổi cha này, mừng tuổi mẹ này, còn cô em thì vài hôm nữa nhé. Khi cô em ở xa ngóng về nhà, thương mẹ nhớ cha, cô chị đang ở bên cha mẹ, ríu rít nói cười, tay cầm kẹo tay cầm mứt, vừa ăn vừa kể chuyện. Khi cô em làm mẹ nhớ thương, cô chị lại làm mẹ dịu lòng vì lúc ấy, mẹ có cô con gái lớn, cậu con trai lớn và đứa cháu ngoại xinh ngoan bên cạnh
Con gái là con người ta. Nhưng ở nhà mình, con gái trước hết và nhất là con gái của cha mẹ, mẹ nhỉ!
Trích của Blogger: LamKieu