Ốc bưu vàng
I. NGUỒN GỐC PHÂN BỐ VÀ TÁC HẠI CỦA ỐC BƯƠU VÀNG
1. Trên thế giới
Ốc bươu vàng (OBV) có nguồn gốc ở lưu vực sông Amazon Nam Mỹ (Edra.1989). Từ Achentina và Brazin (OBV) lan đến Florida rồi nhanh chóng xâm nhập vào các bang khác của Mỹ. Sau đó OBV lan sang châu Âu và châu Á.
Từ Achentina, OBV vào Trung Quốc và Đài Loan 1980, vào Nhật Bản 1981. Ở Đài Loan, sau 2 năm 1980-1982, OBV đã lan ra hại 17.000 ha lúa; sau 4 năm 1982-1946 đã lan ra diện tích gấp hơn 10 lần: 171.524 ha, trong đó có 103.350 ha bị hại nặng, chính phủ đã phải chi 30,9 triệu USD để phòng trừ. Ở Nhật, năm 1986, OBV hủy diệt 174 ha lúa, phải chi 64.285 USD để thanh toán OBV trên diện tích đó. Từ Florida, OBV được đưa vào Philippin năm 1980 để cơ quan nghiên cứu sinh học Petshop Inc. lai tạo ra giống ốc sinh trưởng nhanh.
Tiếp đó 1982-1984, OBV đưa từ Đài Loan vào Philippin để nuôi. Đến 1986, ở Philippin OBV đã lan ra 30.000 ha lúa, trong đó có 80.000 ha lúa bị hủy diệt. Đến năm 1989 thì diện tích lúa bị nhiễm OBV đã lên tới 400.000 - 500.000 ha. Năm 1991, Bộ nông nghiệp Philippin và FAO đã thực hiện "Chiến lược phòng chống OBV ở Philippin" có kết quả tốt. Diện tích lúa được tưới tiêu còn bị OBV hại là 255.000 ha (15% diện tích), trong đó có 100.000 ha bị hại nặng. Ở Indonesia đã cấm nuôi và bán OBV. Ở Lào, OBV cũng mới xâm nhập, cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1994 đã phá hại hàng chục ha lúa mùa non ở các huyện ngoại thành Viên Chăn, cũng là một vấn đề thời sự, đã cuốn hút bà con nông dân vào "chiến dịch diệt ốc cứu lúa" do thành phố phát động nhằm chặn đứng không để ốc lan tràn. (Theo số liệu của Cục bảo vệ thực vật).
2. Ở Việt Nam
OBV được đưa vào Việt Nam bằng nhiều đường không chính thức, thông qua kiểm dịch từ Mỹ, Pháp, Philippin, ẤN Độ, Đài Loan... lúc đầu do một vài người mang từ nước ngoài về 2-3 đôi, nhiều lắm là vài chục đôi, cũng để thử nuôi trong bể xi măng, ao hồ nhỏ rồi chuyển cho người khác nuôi nhân cá thể. Từ khi được một số người khuyến cáo về lợi ích của OBV thì xuất hiện thêm những hộ nuôi OBV giống để kinh doanh.
Trước năm 1992, ở một số tỉnh, mới chỉ nuôi ở dạng phân tán cá thể. Từ năm 1992 có thương nhân Đài Loan đầu tư liên kết với cơ sở Kiên Hùng (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) và cơ sở ở huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) để nuôi công nghiệp và chế biến OBV tại Việt Nam. Tại Kiên Hùng và Củ Chi, phong trào nuôi OBV đã lan nhanh chóng ra các vùng phụ cận nhờ đặc điểm dễ nuôi, đẻ nhiều, nhanh thu hồi vốn.
Những thương nhân Đài Loan còn có ý định mở rộng quy mô sản xuất OBV hơn nữa và định triển khai thêm một cơ sở ở An Giang. Nhưng rất may là Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở nông nghiệp An Giang đã kiên quyết không chấp thuận việc này.
Tính đến 20.6.1995, hầu hết các tỉnh trong cả nước đều có mặt của OBV ở mức độ khác nhau. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay đã có 309 huyện thị đã nhiễm OBV trên tổng số 534 huyện thị cả nước. Có 31.000 ha lúa nhiễm OBV, trong đó nhiều nơi đã gây hại nặng cho sản xuất nông nghiệp như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi, thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, Kiên Giang...
Nhiều diện tích lúa gieo phải sạ đi sạ lại 2-3 lần, nhiều diện tích rau muống bị mất 50-60% năng suất. Nhà nước đã phải chi đột xuất hàng tỷ đồng để diệt OBV.
3. Ở tỉnh Lâm Đồng
Theo số liệu điều tra của chúng tôi, tại một số nơi nuôi OBV có quy mô lớn (5-6 bể xây xi măng) như nhà dòng Châu Sơn (Đơn Dương) và một vài gia đình ở thị trấn Liên Nghĩa thì OBV được đưa vào tỉnh Lâm Đồng năm 1992 từ thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh như Hà Bắc, Kiên Giang... Lúc đầu cũng chỉ vài ba kg mua hoặc xin về cho nuôi thử, sau đó do tốc độ sinh sản nhanh, đem lại lợi ích kinh tế và tiện cho việc cải thiện bữa ăn nên số ao hồ của các gia đình lân cận và một số huyện bạn đã nhanh chóng đem về nuôi ở quy mô khác nhau. Tính đến 20.6.1995, tại tỉnh Lâm Đồng đã có 6 huyện có OBV trên tổng số 11 huyện thị của toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 54,6%. Cụ thể các huyện có OBV là:
1. Huyện Đức Trọng
2. Huyện Đơn Dương
3. Huyện Lâm Hà
4. Huyện Bảo Lâm
5. Huyện Đạ Huoai
6. Huyện Cát Tiên
Trong đó 2 huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương được coi là vùng trọng điểm OBV của tỉnh với tổng số diện tích lúa nhiễm OBV là 190 ha/ 191,5 ha nhiễm OBV của toàn tỉnh và 61 hồ có OBV/65 hồ có OBV toàn tỉnh; có 12 km kênh mương sông suối nhiễm OBV/tổng số 12,5 km kênh mương sông suối nhiễm OBV của toàn tỉnh.
Về tác hại của OBV đối với sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng, qua kết quả điều tra 191,5 ha lúa bị nhiễm OBV ở mật độ 2-3 con ốc/m2 và 0-1 ổ trứng/1m2, chúng tôi chưa thấy chân ruộng nào bị gây thiệt hại, giảm năng suất do OBV gây ra, kể cả vùng rau muống, xà lách xoong hay ruộng củ năng ở 2 huyện trọng điểm Đức Trọng và Đơn Dương, đó là điều đáng mừng. Nhưng điều lo lắng nhất là làm thế nào để diệt trừ được tận gốc OBV trong thời gian ngắn nhất để tránh hậu họa sau này.
II. ĐẶC TÍNH SINH VẬT CỦA OBV
OBV có tên khoa học Pomacea caniculata. OBC có đặc điểm tương tự giống ốc bươu ta, nhưng đặc điểm khác biệt nhất là màu vỏ và ruột đều vàng hơn ốc ta, vỏ mỏng, ổ trứng mầu hồng tươi, ốc sinh sản nhiều và phát triển nhanh. Trứng được đẻ thành từng ổ ở trên bẹ lá lúa trên mực nước từ 0,3-0,5 m hoặc trên các cọc tre, thân cây dọc theo bờ ruộng, mương nước hay các vật cứng, bờ cột xi măng... Điều đó cho ta thấy giá thể để cho ốc đẻ rất phong phú.
OBV cái có đặc điểm là vành miệng rộng và sâu hơn ốc đực.
OBV cái có thể đẻ 1.000 trứng trong 1 tháng. Một ổ trứng OBV có thể có từ 25-500 trứng. Tỷ lệ trứng nở trong tự nhiên rất cao (trên 80%). Sau khi đẻ 7-14 ngày, trứng bắt đầu nở ra OBV con. Chỉ sau 2 ngày nở, OBV có vỏ cứng lại và nhanh chóng di chuyển bằng nhiều cách như trôi nổi theo dòng nước hoặc bò để tự kiếm thức ăn. OBV ăn rất tạp, hầu hết những cây trồng trong nước, cỏ nước đều là thức ăn cho OBV. Tuy vậy, OBV vẫn thích nhất là những mầm non của cây trồng hoặc cỏ cây như mạ non mới gieo, lúa cấy tuổi non hoặc rau muống. Ở Lâm Đồng còn có cây củ năng lúc mới trồng là những thức ăn rất thích hợp cho OBV.
OBV ăn cả ngày lẫn đêm. Vì vậy, chỉ sau khoảng thời gian rất ngắn từ 41-85 ngày là OBV đã lại tiếp tục giao phối và đẻ trứng. Người ta ước tính với mức độ tăng theo cấp số nhân, từ 1 cặp ốc bố mẹ sau 1 năm sẽ cho ra đời 40 triệu con OBV.
OBV có thể sống tới 3 năm. Nó thích sống trong nước nhưng nếu gặp điều kiện khô hạn thì nó chui sâu xuống bùn khô và sống ở đó trong 6 tháng. Như vậy, ở những ruộng sau khi cày ải phơi đất và đưa nước vào để gieo trồng vụ sau, người ta lại thấy OBV giống như tự nhiên được sinh ra. OBV thích nhiệt độ ấm, trời mát, tuy nhiên nếu nhiệt độ xuống thật thấp (dưới 15oC và trên 38oC), OBV vẫn sinh sản và sống được.
Những đặc điểm của OBV là: ăn tạp, ăn nhiều suốt ngày đêm, chóng lớn, đẻ khỏe, sống lâu và chịu được những điều kiện khí hậu môi trường bất thuận. Cũng nhờ những đặc điểm này mà những nhà kinh doanh OBV đã cố gắng khai thác triệt để nhằm thu lại lợi nhuận cao. Đồng thời, cũng vì những đặc điểm này, OBV đã trở thành đối tượng kiểm dịch của nước CHXHCN Việt Nam và một số nước khác. OBV đã làm thiệt hại rất lớn cho nền sản xuất nông nghiệp là mối lo lắng cần giải quyết của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là dân trồng lúa, trồng rau muống.
Nguồn tin:KS. TRẦN THỊ VÂN
Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng
Nguồn: Thông tin khoa học, công nghệ, số 4.1995 |