Gorbachev đưa thế giới CS tới chỗ sụp đổ, nhưng mầm mống của tình huống này đã được Khrushchev gieo rắc cách đây 66 năm trước, đó là “diễn văn mật” được đọc vào ngày cuối cùng tại Đại hội ÐCS Liên Xô lần thứ 20 (đêm 24 rạng 25-2-1956).
Riêng về “diễn văn mật”, vì khá dài, khoảng 20 ngàn chữ, độc giả có thể đọc toàn văn bản dịch tiếng Việt, hay tiếng Anh trên internet. Đại cương, từ đầu đến cuối, là những lời tố cáo Stalin về những tội cực kỳ dã man. Thử tưởng tượng, một l.ãnh tụ đối với Liên Xô và thế giới CS, được tôn thờ, vậy mà bỗng nhiên bị TBT thư Đảng tố cáo về những tội ghê tởm.
Có thể nói, chấn động tâm lý của vụ này cũng mạnh ngang với trái bom nguyên tử đầu tiên ném xuống Hiroshima nếu diễn ra công khai. Nhưng vì diễn ra trong vòng bí mật, nên qua những tiết lộ khó kiểm chứng tức thì, chỉ gây ngạc nhiên và bàn tán tại phương Tây vào thời đó. Trong thế giới CS, ngoài thành phần lãnh đạo và các đảng viên cao cấp, dân chúng đã bị bưng bít, không biết nhiều tới diễn văn mật.
Khrushchev là một người thực tế, nhưng chưa thực tế đủ để nhìn rõ vấn đề sờ sờ trước mắt. Đó là, chủ nghĩa CS giống như một cái áo sặc sỡ, người nghèo khó trông rất ham, nhưng không mặc vừa cho một cơ thể xã hội cần lớn mạnh. Khrushchev thấy áo bị dơ vì vấy máu, tưởng chỉ cần giặt sạch là có thể mặc lại. Nhưng vì áo có kích thước không vừa, giặt cũng vô ích.
Ba mươi năm sau, Gorbachev biết áo không vừa nên không giặt, đem ra sửa lại. Nhưng vải đã mục, vì sửa nên rách bươm, đành bỏ đi.
Trong khi ấy, Bắc Triều Tiên và Cuba, không giặt cũng không sửa, cứ để vậy mặc, bị áo gò bó, sáu bẩy mươi tuổi vẫn không lớn được. Sau khi Mao chết, Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc cởi áo ra, vắt trên bàn thờ, rồi mọi người ở trần, hì hục đua nhau làm giàu.