Huyền thoại LangBiang
Một huyền thoại về cao nguyên Lang Biang lại được kể một cách lãng mạn như sau bởi NGỌC GIAO:
“Đã từ lâu, ở vùng La Ngư Thượng có hai bộ tộc mạnh vào hồi đó là Lát và Sre. Bộ tộc Lát có người tù trưởng trẻ tên là Lang. Lang đẹp như thân cây rừng, sừng sững mọc trên đỉnh núi, oai phong dũng cảm trước phong ba, nhân hậu cả với loài thảo mộc. Còn bộ tộc Sre lại có con gái của tù trưởng Jrenh tên là Biang. Nàng xinh đẹp và dịu dàng, thông minh mà khiêm tốn. Đôi mắt lóng lánh như vì sao với hàng mi cong vút. Thân hình tròn trịa với bộ ngực nở nang rắn chắc. Những ngày Biang vào rừng hái hoa, lượm quả, cỏ cây như cũng cùng thắm thiết và vui tươi hơn khi nàng bước qua.
Sau lần dũng sĩ Lang giết con rắn hổ tinh để cứu nàng Biang bên bờ suối Datania, đôi trai gái bắt đầu thấy thương mến nhau. Họ hẹn hò, gặp gỡ nhau trong những đêm trăng thơ mộng bên rừng suối. Họ dắt tay nhau đi dọc dài qua núi đồi vùng La Ngư Thượng. Khi tình yêu đã cháy bỏng, nàng Biang quyết định “bắt” Lang làm chồng. Cỏ cây và muông thú nghe tin vui đã chuẩn bị lễ cưới cho cặp trai tài gái sắc đó.
Nhưng đám cưới không thành bởi tù trưởng Jrenh không cho họ được phép vượt qua những tập tục và oán cừu truyền kiếp giữa hai bộ tộc. Họ vượt qua bao nỗi khổ đau, vượt qua bao trở ngại với nhiều nước mắt đau thương, họ quyết tâm tìm đến cái chết bên nhau cho vẹn mối tình đầu của họ.
Lang và nàng Biang ngồi bên nhau lặng yên trên đỉnh núi từ ngày này qua ngày khác. Họ ngồi sát bên nhau từ lúc trăng lên như lưỡi liềm tới lúc trăng tròn dần khuất sau chân núi. Thế rồi trong một đêm mưa rừng tầm tã, bão tố nổi lên rung chuyển cả vùng cao nguyên thì cũng là lúc hai kẻ yêu nhau đã trút hơi thở cuối cùng. Sương trắng mờ phủ lấp cả vùng đồi núi và khuất luôn hình bóng của cặp tình nhân. Cả cao nguyên như khoác trùm một bộ áo tang ảm đạm. Muông thú, đất trời và con người của nhiều bộ tộc cùng tới tiễn đưa linh hồn của họ. Những tiếng cồng buồn bã, những điệu khèn ai oán vang vang khắp vùng đồi núi chập chùng. Đau thương đã xóa đi thù hận truyền kiếp.
Những bộ tộc cùng ngồi tụ bên nhau, cùng làm lễ mai táng hai kẻ yêu nhau và chôn xác họ bên ngọn núi K'Bùng. Ngôi mộ ấy cứ mỗi ngày mỗi lớn và cao hẳn lên.
Câu chuyện tình đau thương đó đã bay bổng vào bầu trời cô tịch và cũng đã là câu chuyện kể chung cho các bộ tộc người vùng cao nguyên mỗi lúc rừng khuya họ ngồi bên bếp lửa. Ngôi mộ đó đã hóa thành nỗi niềm xúc động của trẻ già trong mọi bộ tộc. Vì vậy Lang Biang đã trở thành tên ngọn núi và kết tinh những tinh túy của người thượng cao nguyên như bộ tộc K'Ho, M'Nông, Mạ, Chill ngàn đời bất khuất, và cũng là đỉnh núi của một thời gian ghi lại nhiều mối tình nước mắt của Lang Biang.
Trên đỉnh núi, không biết có phải do nàng Biang xa xưa gieo hạt hay không, nay ta sẽ thấy một rừng hoa Đỗ Quyên với màu sắc hồng, trắng, tím mà người Lát đã đặt tên là hoa Lang Biang. Bên cạnh hoa Đỗ Quyên là có muôn loài thảo mộc, trong đó chúng ta sẽ gặp rất nhiều loại “phong lan”, nữ chúa của các loài hoa ở đây.
Rừng Lang Biang rất phong phú về chủng loại, trong đó rừng lá rộng, rừng thông, và các loại tre thân nhỏ và những bụi trúc xum xuê. Đặc biệt, trong không gian ấy ta lại được nghe những âm thanh của các loài chim rừng hót vang triền đồi núi. Theo tài liệu sưu khảo người ta ước đoán có trên một trăm loài chim, trong đó có một số loài chim rừng tên gọi được lấy từ tên đỉnh núi Lang Biang, núi của huyền thoại, núi của tình yêu bao đời nay vẫn tồn tại như một giá trị truyền thống của quê hương. Lang Biang còn là biểu tượng ngàn đời của vùng cao La Ngư Thượng.” ( st)