Qua trải nghiệm bản thân em cũng có ít kinh nghiệm chia sẻ với các cụ:
I. Phòng tránh:
1. Cụ phải đảm bảo nhà cửa kín không có hốc hay lỗ nào chuột chui vào được. Chỗ nào đi đường ống hay dây điện...thì phải làm cái lưới sắt bịt lại.
2. Nhà cửa phải sạch sẽ. Thức ăn thừa phải cất đi, rác ngày nào vứt ngay ngày đó. Không để lại bất cứ thứ gì làm thức ăn cho chuột.
II. Tiêu diệt:
1. Sử dụng thiên địch của chuột:
- Mèo: Các cụ phải biết chọn, không phải con mèo nào cũng hay chuột. Mèo bắt chuột được hay không thì phải do mèo mẹ nó dạy, cụ xem nhà nào có con mèo bắt chuột giỏi, mua con của nó thì khả năng cao sẽ bắt được chuột. Ngoài ra lúc chọn mèo con các cụ cầm gáy nó nhấc lên, nếu nó co cả 2 chân sau lên thì nó khả năng sẽ bắt chuột tốt hơn.
- Chó: Cũng tương tự như mèo là học từ con mẹ hay con khác cùng đàn, nhưng khác hơn là về sau nó có khả năng tự học tốt hơn. Có 1 số điểm các cụ cần lưu ý:
+ Chọn giống chó: Thường những giống chó ta (Bắc Hà, Phú Quốc) thậm chí cả chó cỏ nhưng bố mẹ nó phải biết bắt chuột, các cụ tìm ở quê hay những chỗ kho bãi nhiều lắm. Hoặc các cụ có thể mua con Dachshund (mình hay gọi là chó lạp xưởng, xúc xích) con này mà nó bắt chuột thì bố tướng vì vốn nó được lai tạo ra để săn bắt những loài gặm nhấm từ thân hình đặc biệt của nó các cụ cũng đã thấy điêu này. Tất nhiên cụ cũng phải huấn luyện sơ qua cho nó, nhưng bản năng săn chuột của con này cực kì mạnh.
+ Kinh nghiệm dân gian: Khi các cụ bắt chó con về, đốt 1 nhúm ngải cứu gí vào mũi nó cho nó ngửi. Về sau nó sẽ bắt chuột tốt hơn.
-
Chuột bạch: Cái này em cũng đã thử và có hiệu quả nhưng em thấy cái được chả bù cái mất vì bọn trắng này nó mà quen rồi nó phá còn hơn bọn đen kia. Em không khuyến khích phương án này.
-
Các loại khác (trăn, rắn....): Những loại này em chưa thử, nhưng nghĩ đến thôi đã kinh rồi. Khéo mình nghẻo trước chuột.
2. Sử dụng các loại bẫy:
Tất cả các loại bẫy đều hiệu quả nhưng các cụ phải chú ý vài điểm sau đây:
- Phải xác định được cỡ của chuột để có loại bẫy phù hợp, chuột to quá mà bẫy nhỏ thì không ổn, chuột bé mà bẫy to thì lãng phí.
- Phải hiểu được tập tính của chuột: giờ giấc hoạt động, đường đi lối lại (nó thường vào 1 đường, ra 1 đường), tập tính của từng con...thì mới bẫy được nó.
- Đối với những con thành tinh các cụ phải làm nó mất cảnh giác, đặt mồi trên lối đi lại của nó vài lần cho nó quen. Sau đó mới đặt mồi vào trong bẫy thì mới có khả năng tóm được nó.
- Vệ sinh bẫy sau khi bắt được chuột: Chuột là loài có tính cảnh giác rất cao nên nếu có mùi lạ là nó không vào. Sau khi bẫy được chuột các cụ rửa bẫy sạch sẽ, để ngoài trời vài hôm cho nó mất hết mùi là có thể dùng lại.
Đôi điều em chém gió với các cụ để tiêu diệt loại đáng ghét này. Kính các cụ tham khảo!