Với lỵ, chỉ có hình ảnh không thì phí bao bữa ngồi Xanh, nên em học cụ Mèo, cụ Ích, Cụ SV_Già cùng bao khẩu công khác, em cũng nổ tý:
Note:
- Mỗi hôm em chép 1 đoạn, cụ nào không đọc thì chỉ cần (b) thế này thôi ạ
- Trong bài có sử dụng tư liệu của một số ... "đồng nghiệp" :69: (em chả thích dùng chữ quay cóp, vì ngày xưa quay cóp nhiều quá rồi) :6:
Phở nào chẳng có phóoc môn
Sau đây câu chuyên ác ôn bắt đầu.
Tột cùng cực Bắc Hà Giang
Tôi đã bỏ thuốc lá hơn một tháng. Tôi cũng không uống rượu hơn một tháng nhờ lời khuyên can của bác sỹ. Tôi đã làm việc đủ 10 tiếng một ngày, và về muộn với con mỗi buổi chiều tối. Luôn ăn mặc chỉn chu, một nụ cười chỉn chu và dùng một ít nước hoa mỗi sáng thứ bẩy. Đều đặn, vừa vặn, và mẫu mực.
Cho đến sáng 21 tháng 12, “Hà Giang quay quắt khát” với hình ảnh một người phụ nữ Hmong ngồi mót nước trên đỉnh Mã Pí Lèng, dưới kia là dòng Nho Quế đã cạn trơ lòng xuất hiện trên mặt báo …thì tôi...
6 giờ sáng, 12oC, chiếc Mercedes Sprinter chất đầy cứng quần áo cũ mới, nước đóng chai, sách vở học sinh, thịt hộp, bánh kẹo, thuốc lá, mười chai Vodka Hanoi cùng năm thằng đàn ông lên đường.
Chạy một mạch lên Hà Giang, dừng chân bên quán xe tải ven đường đánh bữa trưa những gà đồi và cá suối. Đường Hà Giang đẹp lắm. Những đoạn đuờng uốn lượn quanh vách đá dựng đứng chỉ dành cho giới quý tộc với các siêu xe ở Tây, nhưng thoảng lại chen vào một vài đoạn hoang vắng cô quạnh như sa mạc Tân Cuơng hay thảo nguyên Mông Cổ - những đoạn này phải là cưỡi lạc đà mới thú!
Đêm, cái lạnh 5oC bám chặt quánh lấy cái thị xã này. Trùm cái áo rét to sụ, chúng tôi đi tìm cháo đắng ấu tẩu. Ngồi trong quán lụp xụp, ấm ánh bếp hồng, bà cụ múc cho mỗi đứa bát cháo. Đi hơn 300 cây số lên đây, bát cháo này khác hẳn bát cháo anh em xì xụp mỗi khi về muộn sau lưng ga Trần Quý Cáp. Đủ các cung bậc mùi vị trong một bát cháo nhỏ: thơm lôi cuốn của gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm dịu được trồng trên nương nấu nhuyễn, vị bùi của củ ấu được ninh kỹ và nước hầm chân giò béo ngậy, mùi lá thơm, lá gia vị. Bát cháo ấu tẩu nhìn rất hấp dẫn bởi sự kết hợp hài hòa giữa gạo, thịt băm, nước xương, rau thơm...
Trong tâm thế của người khách lạ, chúng tôi tiếp tục lên đường. Mua một thùng cam mọng nước, tươi rói, vàng óng ả vừa được những cô gái Tày, Nùng, Dao hái từ trên đồi xuống, đổ thành từng ụ cao, chúng tôi có cái cớ đẹp dừng chân trên đỉnh Cổng Trời. Ở cái xứ lạnh hoang vu này, vi vút những gió rét, đá núi, chợt đón chúng tôi bởi hai nụ cười ấm và hiền. Tiến và Hường, hai cái tên tôi mãi không bao giờ quên. Hai khuôn mặt đẹp, hiếu khách đến kinh ngạc. Chưa gia đình, ngự trên đỉnh Cổng Trời đã hơn sáu tháng, em trẻ măng tự nhiên kể cho chúng tôi nghe những thường ngày em trải qua mà chúng tôi chưa bao giờ nếm trải. Cái lạnh núi quấn lấy em cả mùa đông, tấm chăn mỏng không đủ che hai cơ thể trinh nguyên sôi sục. Như ngoài kia, đỉnh Cô Tiên là hai trái đào tiên tạo hóa khéo ban tặng lồ lộ, căng tròn đang chờ đón ý trung nhân. Nhất định, chúng tôi sẽ quay lại đây sau vài ngày, ăn tối với em và muốn nghe em hát nữa.
Lên đường vội vã một cách miễn cưỡng cho kịp đến Mã Pí Lèng lúc hai giờ chiều. Cho kịp nắng, cho kịp sự tham lam chụp ảnh, cho kịp thỏa ước mong đến con đường Hạnh Phúc, cho kịp nhìn thấy sự khô cạn, cho kịp sự phũ phàng dứt bỏ các em ...
Con đường đến với Nho Quế trở nên cộc cằn với những nắm đá hộc to nằm ngổn ngang và những khe núi sạt đất có lẽ cả năm trời nay vẫn vậy. Chiếc xe lao lên, gầm đập vào phiến đá trơn lỳ, tay lái loạng choạng lao từ vách núi ra vách vực rồi lại quặt trở lại… Rất lâu và rất dài, gặp ai đi chợ về tôi cũng hỏi, Nho Quế ở đâu, Mã Pí Lèng còn xa không? Người bảo, dài lắm, đi hết một ngày, đường xấu lắm, người lại bảo, dòng sông đang ở rất gần đó thôi…
(Còn tiếp)