Thị Màu
ANH NGỌC
Người mấy trăm năm làm rung chuyển những sân đình
Làm điên đảo những phông màn khép mở
Người táo bạo
Người không hề biết sợ
Người chưa từng lùi bước trước tình yêu
Người phá tung khuôn khổ những điệu chèo
Để cuộc sống ùa lên đầu cửa miệng
Người trung thực đến không cần giấu giếm
Cặp môi hồng con mắt ướt đong đưa
Người cả gan sàm sỡ cả cửa chùa
Chọn sắc áo cà sa mà chọc ghẹo
Thừa sinh lực nên người luôn túng thiếu
Nên hương trầm tiếng mõ khéo trêu ngươi
Người đi qua nghiêng ngả những trận cười
Chấp tất cả lời ong ve mai mỉa
Người chịu hết mọi thói đời độc địa
Chiếc quạt màu khép mở vẫn ung dung
Trên môi người câu hát cứ trẻ trung
Từng sợi tóc cũng rung theo nhịp phách
Mùi táo chín, mùi hương, mùi da thịt
Người đi qua sân khấu tới đời thường
Người sống trong hơi thở của nhân dân
Mấy trăm năm ai để thương để giận
Câu sa lệch cũng hò reo nổi loạn
Nhịp trống gầm lên những khát vọng không lời
Những khát vọng nằm sâu trong mỗi trái tim người
Được sống đúng với lòng mình thực chất
Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức
Mấy trăm năm không khóa nổi Thị Màu
Những cánh màn đã khép lại đằng sau
Táo vẫn rụng sân đình không ai nhặt
Bao Thị Màu đã trở về đời thực
Vị táo còn chua mãi ở đầu môi .
---------------------------
Nhớ
HỒNG NGUYÊN
Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi "một hai"
Súng bắn chưa quen
Quân sư mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến.
Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh
Ba năm rồi gửi lại quê hương
Mái lều gianh
Tiếng mõ đêm trường
Luống cày đất đỏ
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya
Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn mép ba lô
Tháng năm bạn cùng thôn xóm
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng
Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa
- Đằng nớ vợ chưa?
- Đằng nớ?
- Tớ còn chờ độc lập!
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu...
Chúng tôi đi mang cuộc đời lưu động
Qua nhiều nơi không nhớ hết tên làng
Đã nghỉ lại rất nhiều nhà dân chúng
Tôi nhớ bờ tre gió lộng
Làng xuôi xóm ngược, mái rạ như nhau
Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau
Có tiếng gà gáy xóm
Có "khai hội, yêu cầu, chất vấn"
Có mẹ già bắt rận cho những đứa con xa
Trăng lên tập hợp hát om nhà...
Tôi nhớ
Giường kê cánh cửa
Bếp lửa khoai vùi
Đồng chí nứ vui vui
Đồng chí nứ dạy tôi dăm tối chữ
Đồng chí mô nhớ nữa
Kể chuyện Bình Trị Thiên
Cho bầy tôi nghe ví
Bếp lửa rung rung đôi vai đồng chí
- Thưa trong nớ hiện chừ vô cùng gian khổ
Đồng bào ta phải kháng chiến ra ri!
Đêm đó chúng tôi đi
Nòng súng nghiêng nghiêng
Đường mòn thấp thoáng...
Trong Điếm nhỏ mươi người trai tráng
Sờ chuôi lựu đạn
Ngồi thổi nùn rơm
Thức vừa rạng sáng
Nhìn trời sương nhẩm bước chúng tôi đi...
Chúng tôi đi nhớ nhất câu ri
Dân chúng cầm tay lắc lắc:
"Độc lập nhớ rẽ viền chơi với chắc"!
1948
Lời bình của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn
Ngay từ khi mới xuất hiện, Nhớ của Hồng Nguyên đã trở thành một hiện tượng, một sự kiện, được lan truyền rộng rãi và bám vào trí nhớ của nhiều người, nhiều lớp người dọc theo năm tháng.
Vì sao bài thơ lại có sức ám ảnh và vang động như vậy trong lòng người đọc? Lý giải điều đó tưởng không dễ dàng, song không phải là không làm được, nhất là sau hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày bài thơ ra đời. (1948?)
Bài thơ có tất cả 62 dòng thơ, dòng dài nhất có 10 chữ (Có mẹ già bắt rận cho những đứa con xa), dòng ít nhất có hai chữ (- Đằng nớ? ) và được chia làm ba khổ thơ mạch lạc, khúc triết, có mở có khép và có phát triển ở khoảng giữa thân bài. Cả bài thơ giống như "kịch bản phân cảnh" của một bộ phim tài liệu, nói về một cuộc hành quân chiến đấu của những người lính Vệ quốc đoàn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Vậy trong đoàn quân ấy có bao nhiêu người, họ là những ai? Vào đầu bài thơ, nhà thơ không ngần ngại, giới thiệu luôn:
Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi "một, hai"
Súng bắn chưa quen
Quân sư mươi bài
Rồi nhà thơ hồn nhiên hạ ngay một lời bình về tinh thần đoàn quân ấy:
Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Thế đấy, chúng tôi tự giới thiệu về chúng tôi như thế đấy! Số lượng của chúng tôi không được công bố cụ thể (có lẽ vì bí mật quân sự), nhưng chúng tôi khá đông đảo (lũ, bọn) và trình độ văn hóa còn thấp (chưa biết chữ), trình độ quân sự cũng chưa cao (súng bắn chưa quen), song chúng tôi có nhiệt tình cách mạng, có ý chí chiến đấu và rất lạc quan (lòng vẫn cười vui kháng chiến).
Bằng giọng tự trào đầy hóm hỉnh, nhà thơ đã tự giới thiệu về đồng đội của mình vừa chuẩn xác, vừa chân thành và đáng yêu biết bao. Những con người ấy vừa từ luống cày bước ra, từ sau lũy tre làng bước tới cũng hệt như những người chiến sĩ trong thơ Chính Hữu, từ nước mặn đồng chua, từ đất đồi cày lên sỏi đá, tụ tập về đây theo một tiếng gọi thiêng liêng và trở thành đồng đội. Ngoài tinh thần lạc quan và ý chí chiến đấu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, họ hầu như chả có trang bị, vũ khí gì đáng kể:
Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh...
Tôi không có cứ liệu trong tay để chứng minh bài thơ được viết vào năm 1948, nhưng tôi có câu thơ của Hồng Nguyên nói rõ điều đó:
Ba năm rồi gửi lại quê hương
Nếu tính từ mùa Thu Tháng Tám 1945, ba năm rồi gửi lại quê hương , ắt phải là năm 1948, mà cũng mùa thu nữa kia. Sao vậy? Bởi vì đến những ngày kỷ niệm cách mạng, các nhà thơ mới hay làm thơ! Thơ để in báo, thơ để tuyên truyền, cần phải trúng dịp, chứ sao!
Trong cuộc hành quân liên miên của đoàn quân ấy, thỉnh thoảng trong tâm trí mỗi người, hình ảnh quê là cũng hiện lên trong nỗi nhớ:
Mái lều gianh
Tiếng mõ đêm trường
Luống cày đất đỏ
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya
Nói theo ngôn ngữ điện ảnh, đây là một cảnh phim "phục hiện" có sức khái quát và ám ảnh rất cao. Cú máy đặc tả gót chân người vợ trẻ:
Mòn chân bên cối gạo canh khuya
Cái tình thương nhớ thiết tha đau đáu chỉ diễn tả bằng hình, một khuôn hình đặc tả, tài vậy thay! Và đây là phim câm, phim không lời!
Cuộc hành quân vẫn tiếp tục, với những gian khổ, nhọc nhằn, nhưng cũng đầy lạc quan phấn khởi, có khi còn thơ mộng nữa, nếu như được nhìn thấy "mấy o thôn nữ cuối nương dâu", nếu như, vào lúc nghỉ ở lưng đèo, những người lính trẻ nói chuyện bù khú về vợ con và cười sảng khoái, cười đến vang ruộng bắp:
Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn mép ba lô
Tháng năm bạn cùng thôn xóm
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng
Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng
Quờ chán tìm hơi ấm đêm mưa
- Đằng nớ vợ chưa?
- Đằng nớ?
- Tớ còn chờ độc lập
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu...
Sang đoạn thơ thứ hai, bài thơ mở ra với những câu thơ dài rộng, thể hiện sự tiếp xúc và lớn vượt của đoàn quân với nhân dân và đất nước. Tầm mắt mở rộng hơn, tâm hồn mở rộng hơn và nhờ thế lòng lạc quan, yêu đời cũng càng thêm phơi phới. Bao nhiêu gặp gỡ, tiếp xúc, bao nhiêu cảnh sắc, nếp sinh hoạt ở từng miền quê lũ lượt ùa vào thơ như những cánh phim toàn rộng. Lời thơ thanh thoát, thảnh thơi, hơi thở điệp trùng, cuồn cuộn:
Chúng tôi đi mang cuộc đời lưu động
Qua nhiều nơi không nhớ hết tên làng
... Tôi nhớ bờ tre gió lộng
Làng xuôi xóm ngược mái rạ như nhau
Tình quân dân cá nước giản dị mà vô cùng thắm thiết, gần gũi:
... Có tiếng gà gáy sớm
Có "khai hội, yêu cầu, chất vấn"
Có mẹ già bắt rận cho những đứa con xa...
Trăng lên tập họp hát om nhà.
Bao nhiêu kỷ niệm về những làng quê, về những con người và những tấm lòng thơm thảo của những miền đất lạ đã in đậm trong tâm hồn người chiến sĩ. Những kỷ niệm ấy sẽ vĩnh viễn không phai mờ theo năm tháng, bởi vì nó cụ thể, nó hiển hiện trước mắt ta như sờ thấy được:
Tôi nhớ
Giường kê cánh cửa
Bếp lửa khoai vùi
Đồng chí nứ vui vui
Đồng chí nứ dạy tôi dăm tối chữ...
Tuy nhiên, đường hành quân còn dài, sau những phút giây nghỉ ngơi, đoàn quân lại lên đường, lặng lẽ vào một đêm trăng lu, "nòng súng nghiêng nghiêng, đường mòn thấp thoáng". Các anh ra đi vì nhiệm vụ nặng nề mà đất nước giao cho, nhưng tấm lòng còn ở lại:
Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni
Dân chúng cầm tay lắc lắc:
"Độc lập, nhớ rẽ viền chơi ví chắc!"
Câu thơ ấy chợt gợi nhớ đến câu thơ rất hay, rất đồng vọng của Hoàng Trung Thông:
Các anh đi đến khi nào trở lại
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong...
(Bộ đội về làng)
Và một cộng hưởng của thơ Hữu Loan:
Một làng xa nho nhỏ
Đẹp như nơi hẹn hò
Có đôi lòng gắn bó
Những lời chưa nói ra...
(Những làng đi qua)
Cái mô típ: Những người lính hành quân - Những xóm làng đi qua - Những kỷ niêm thôn làng - Hẹn ngày trở lại , ta gặp rất nhiều trong thơ kháng chiến chống Pháp thời kỳ đầu.
Tuy nhiên, cùng mô típ ấy, ở mỗi nhà thơ thể hiện mỗi khác và có những thành công khác nhau. Với Nhớ của Hồng Nguyên, bằng việc mạnh dạn đưa ồ ạt tiếng địa phương và khẩu ngữ vào thơ, bằng việc chuyển hẳn thơ từ giọng ngâm sang giọng nói , ông đã góp phần làm cho thơ Việt chuyển hẳn sang một nội hàm và thi pháp mới.
Chính vì vậy, bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên mãi mãi là viên ngọc sáng trong nền thi ca Việt Nam hiện đại. Điều thú vị nhất là, chỉ cần đem phân
-------------------------------
Trời và Đất
PHAN THỊ THANH NHÀN
Chiều nay chắc giận em ghê lắm
Anh bực mình triết lý lung tung
Hai đứa ta như trời với đất
Tính tình sao xung khắc vô cùng
Vâng, trời đất chẳng hề thân thiết
Và tính tình có giống nhau đâu
Trời vui buồn ồn ào lộ liễu
Đất trầm tư suy nghĩ trước sau
Anh ơi! Nếu ví được cao xa như thế
Em cũng chẳng là trời đất gì đâu
Nhưng anh có biết không? trời đất
Sẽ chẳng là gì nếu thiếu nhau
Nhưng trời đất dẫu cao xa ***g lộng
Tính vẫn thường bồng bột đổi thay
Khi giận dữ bão nghiêng đất lở
Bão tan rồi trời xanh ngây thơ
Đất khiêm nhường màu xanh lay động
Và thẳm sâu lặng lẽ sinh sôi
Trên mặt đất chính là cuộc sống
Có cần chi biện bạch nhiều lời.
-------------------------
Người đàn bà ngồi đan
Ý NHI
Giữa chiều lạnh
một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã
vội vã như thể đó là lần sau chót
Không thở dài
không mỉm cười
chị đang giữ kín đau thương
hay là hạnh phúc
lòng chị tràn đầy niềm vui
hay là ngờ vực
Không một lần chị ngẩng nhìn lên
chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt
hay sau buổi chia ly
Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo
trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng
Giữa chiều lạnh
một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
dưới chân chị
cuộn len như quả cầu xanh
đang lăn những vòng chậm rãi
1984
----------------------
Nhớ máu
TRẦN MAI NINH
Ơ cái gió Tuy Hoà…
Cái gió chuyên cần
Và phóng túng.
Gió đi ngang, đi dọc,
Gió trẻ lại - lưng chừng
Gió nghỉ,
Gió cười,
Gió reo lên ***g lộng.
Tôi đã thấy lòng tôi dậy
Rồi đây
Còn mấy bước tới Nha Trang
- A, gần lắm!
Ta gần máu,
Ta gần người,
Ta gần quyết liệt.
Ơi hỡi Nha Trang!
Cái đô thành vĩ đại
Biết bao người niệm đọc tên mi.
Và Khánh Hoà vĩ đại!
Mắt ta căng lên
Cả mặt
Cả người,
Cả hồn ta sát tới
Nhìn mi!
Ta có nhớ
Những con người
Đã bước vào bất tử!
Ơ, những người!
Đen như mực, đặc thành keo
Tròn một củ
Hay những người gầy sắt lại
Mặt rẹt một đường gươm
Lạnh gáy,,,
Lòng bàn tay
Khắc ấn chuỗi dao găm.
Chân bọc sắt,
Mắt khoét thủng đêm dày
Túi chứa cả Nha Trang… họ bước
Vương Gia Ngại… Cung Giũ Nguyên
Chút chít Hoàng Bá San… còn nữa!
Cả một đàn chó ghẻ
Sủa lau nhau
Và lần lượt theo nhau
Chết không ngáp!
Dao găm để gáy,
Súng màng tang
Ồng ộc xối đầy đường máu chó.
Chúng nó rú.
Cả trại giặc kinh hoàng
---------------------
Mẹ
Nguyễn Ngọc Oánh
Cành bàng thả lá heo may
Mẹ gầy, cái dáng khô gầy cành tre
Gót chai nứt nẻ đông hè
Ruộng sâu bấm mãi đã tòe ngón chân
Mẹ ngồi vá áo trước sân
Vá bao mong ước, tay sần mũi kim
Bát canh đắng lá chân chim
Lẫn vài con tép Mẹ tìm dành con
Co ro một mảnh chăn mòn
Tàn đêm giấc ngủ hãy còn ngoài chăn
Mẹ gom giẻ rách, giấy manh
Mặc đôi quang thủng giữ lành tiếng rao
Áo nâu phơi vẹo bờ rào
Cái phận đã bạc còn cào phải gai
Quả cà cõng mấy củ khoai
Con thút thít, Mẹ nghẹn hai ba lần
Tối về đến lớp bình dân
I tờ nhặt được đôi vần lại rơi
Cha con trời gọi về trời
Chái nhà mưa dột, ướt lời ru thương
Tiễn con ra chốn chiến trường
Gạt thầm nước mắt mong đường con khô
Hai tay hết sẻ lại cho
Còn phần Mẹ-một thân cò qua sông…
-----------------------
Mây và bông
NGÔ VĂN PHÚ
Trên trời mây trắng như bông,
Ở dưới cánh đồng, bông trắng như mây
Những cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng.
------------------------
Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương
VIỆT PHƯƠNG
I
Trời đổ mưa, đi viếng Bác, đồng bào chờ, bị ướt
Bác thương đồng bào, con biết Bác không vui
Ngừng đập trái tim tột bậc con người
Cây cỏ đất trời không thật nữa
Mặt ta nhìn sắc màu cũng giả
Ôi ước gì không thật cả nỗi đau mồ côi
Con đóng cửa buồng, ở mình con với Bác
Chưa muốn cùng ai chia bớt nỗi đau này
Quanh người con và trong con tất cả đều bỗng khác
Bác qua đời rồi sao con vẫn ngồi đây
Con không thể nghĩ rằng Bác Hồ đã mất
Mà nắng vẫn chuyền như sóc giữa lùm cây.
Con chim đuôi dài được Bác chở che vẫn bay về trước cổng
Cây vú sữa đầu nhà đang xòe rộng tán sum suê
Bầy cá rô phi nhớ giờ Bác cho ăn lại ngoi lên đớp sóng
Con ra đường quen đứng ngóng Bác quay về
Hôm nay trên vườn ta trời uy nghi ***g lộng
Hàng bụt mọc trầm tư vút thẳng bên bờ ao
Gió heo may trong cành đa lao xao tìm gọi nắng
Lê-Nin trên bàn đang chờ đón Bác đi vào
Bác ơi lúa mùa này đồng thấp đồng cao lên đẹp lắm
Cơn bão vào đất liền đi chậm lại rồi tan
Mua bia đã bớt xếp hàng và anh em còn cố gắng
Đêm qua 140 bốt đồn thù bị ta đánh trong Nam
Con trữ các loại tin đứng chờ đây mong từ Bác một lời ánh sáng
Như từ lâu nay con thường vẫn hay làm
Bác lại về đi Bác ơi sau mấy ngày đi vắng
Khỏe mạnh hồng hào trong nắng óng vườn cam
II
Đêm nay nghìn vạn chúng con xếp thành hàng đi viếng Bác
Ôi làm sao nguôi được nhớ thương này
Chúng con đi cho cả người vắng mặt
Người chưa sinh người đã khuất cũng về đây
Việt Nam đau cả lòng người dạ đất
Sao mùa thu như nước mắt trời mây
Chúng con đi theo tiếng người phía trước
Đường Hùng Vương dân tộc đi từ dựng nước đến ngày nay
Hãy về đây lũ làng Tây Nguyên đánh tiếng cồng thương xót
Những con nước Cửu Long bát ngát đợt Cha về
Đội áo tím sông Hương diệt Mỹ xong bỗng bồi hồi kinh ngạc
Khi biết tiếng súng mình tai Bác vẫn hằng nghe
Về đây những tấm lòng trung kiên trong chuồng cọp
Vết tím bầm thân ghi tạc những câu thề
Về đây bà mẹ nghèo ở miền cao Hát Lót
Đã nhiều đêm gặp Bác giữa cơn mê
Hãy về đây những thợ xúc và lái xe khu mỏ
Vùng than ơi Người nhắc nhở bao lần
Những o gái Vĩnh Linh đầu tuyết lửa
Mơ Bác Hồ thương gian khổ vào thăm
Ông ké già nhà bên chân Pác Bó
Còn bàng hoàng hôm gặp gỡ đầu xuân
Những chiến sĩ trẻ măng trên Cồn Cỏ
Đài Bác cho đưa đất mẹ thêm gần
Muôn dòng sông chảy về lòng biển cả
Bác nằm đây nhớ rõ mỗi người thân
III
Bác thường để lại đĩa thịt gà mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ
Tránh nói chữ to và đi nhẹ cả trong vườn
Tim đau hết nỗi đau người ở chân trời góc bể
Đến bên Người ta thở dễ dàng hơn
Khi đã quyết rất kiên cường mạnh mẽ
Đốt cháy Trường Sơn đánh Mỹ cũng không sờn
Lòng trời biển dịu hiền khi gặp trẻ
Sấm sét im cho nắng ấm chối non
Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là "đánh đẹp"
Con xóa chữ "đẹp" đi như xóa sự cạn hẹp trong lòng con
Thêm hiểu lòng Người đối với quân thù như sắt thép
Mà tình thương mênh mong ôm hết mọi linh hồn
Ngoài bảy nhăm, Bác vẫn thường ném bóng
Cái gạt tàn thuốc lá đã hàng năm thôi không nóng trên bàn
Mỗi ban mai Bác luyện chân như ngày xưa tập trèo sườn núi vắng
Con biết lòng Người quyết sống cho miền Nam
Con biết lòng Người quyết sống cho Việt Nam và thế giới
Đầu bạc phơ trăm mối nước non nhà
Căn nhà nhỏ những canh khuya vời vợi
Vẫn lo toan tháo cởi những bất hòa
Trái tim lớn đêm ngày quên mệt mỏi
Dệt dải hồng chắp nối bạn gần xa
IV
Ôi lòng Bác bao la trong di chúc
Vẫn hạt lúa củ khoai chân chất bình thường
Cả dân tộc khóc Người thương mình nhất
Người được thương trên tất cả người thương
Người suốt đời quên mình cho Tổ quốc
Khi ra đi chỉ dép lốp chiến trường
Nguồn ánh sáng đến muôn đời chẳng tắt
Vượt cao hơn sự chết, vẫn soi đường
Ba Đình nức nở và ròng ròng nước mắt
Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương
Ôi ta khóc tìm giọt lệ hóa câu nguyền
Ta chẳng giấu trước bạn bè quốc tế
Nỗi đau này cao cả thiêng liêng
Ta khóc cho mọi nơi còn xích xiềng áp bức
Cho đời ta và lớp lớp đời sau
Cho Trường Sơn, cho Tháp Mười, cho miền Nam ân hận
chưa được chào đón Bác
Ta khóc những lỗi lầm làm tim Bác thêm đau
Ta tự biết sức ta trong những dòng nước mắt
Cho ta khóc hôm nay để từ mai ta lao lên đánh giặc ở tuyến đầu
Sao bao năm đồng chí với Người, con gọi Người Đồng chí
Là khi con vĩnh biệt Người, Đồng chí, Bác Hồ ơi
Con nguyện làm một mảnh của Người, đến trọn đời tận tụy
Hồ Chí Minh, người cộng sản rất mực Việt Nam và vô cùng
chung thủy con người
Ta gạt nước mắt ngẩng đầu lên, vẫn nắng Ba Đình trong veo
Người đem về năm trước
Ta thề mang ánh nắng này đến nhà mẹ già ở tận chót Cà Mau
Những biên đội không quân như hình ảnh dân tộc ta lượn quanh
Người, lớn vượt
Cất cánh bay cao theo tay Bác vẫy trên đầu.
--------------------------
Đợi
VŨ QUẦN PHƯƠNG
Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy
Nước chảy bên lòng, anh đợi em
Anh đứng trên cầu nắng hạ
Nắng soi bên ấy lại bên này
Đợi em. Em đến? Em không đến?
Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây!
Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời đất quen thành lạ
Nước chảy... kìa em, anh đợi em.
-------------------
Tên làng
Y PHƯƠNG
Con là con trai của mẹ
Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ
Ba mươi tuổi từ mặt trận về
Vội vàng cưới vợ
Ba mốt tuổi tập tành nhà cửa
Rào miếng vườn trồng cây rau
Hạnh phúc xinh xinh nho nhỏ ban đầu
Như mặt trời mới nhô ra khỏi núi
Con là con trai của mẹ
Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ
Mang trong người cơn sốt cao nguyên
Mang trên mình vết thương
Ơn cây cỏ quê nhà
Chữa cho con lành lặn
Con là con trai của mẹ
Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ
Lần đầu tiên ôm tiếng khóc lên ba
Lần đầu tiên sông núi gọi ông bà
Lần đầu tiên nhóm lửa trên mặt nước
Lần đầu tiên sứ sành rạn nứt
Lần đầu tiên ý nghĩ khôn lên
Ý nghĩ khôn lên nỗi buồn thấm tháp
Bàn chân từng đạp bằng đá sắc
Trở về làng bập bẹ tiếng đầu tiên
Ơi cái làng của mẹ sinh con
Có ngôi nhà xây bằng đá hộc
Có con đường trâu bò vàng đen đi kìn kịt
Có niềm vui lúa chín tràn trề
Có tình yêu tan thành tiếng thác
Vang lên trời
Vọng xuống đất
Cái tên làng Hiếu Lễ của con