Vnexpess vừa đăng lúc trưa nay
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trong tháng 7 trình Chính phủ dự thảo Nghị định về giảm phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Tại công điện ngày 21/7, Thủ tướng *************** yêu cầu các bộ ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III.
Trong đó, Bộ Tài chính được yêu cầu thực hiện sớm các chính sách đã ban hành như gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất hay giảm 2% thuế VAT.
Bộ này cũng cần sớm hoàn thiện, trình Chính phủ chính sách giảm phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7. Thực tế, nhiệm vụ này từng được Thủ tướng giao Bộ hoàn thành từ tháng 5, nhưng ở phương án đưa ra khi đó cơ quan quản lý tài chính đề nghị Chính phủ cân nhắc không thực hiện chính sách. Lý do là thời gian qua Việt Nam nhận được nhiều yêu cầu giải thích khi chính sách có sự phân biệt áp dụng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu.
Tại hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định hôm 11/7, Bộ Tài chính vẫn hoàn thiện chính sách giảm 50% phí trước bạ với xe trong nước theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương rà soát, đưa ra phương án để ứng phó trong trường hợp Việt Nam có thể bị khởi kiện. Ước tính, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 5.200 tỷ đồng khi tiếp tục chính sách này.
Thực tế, giảm phí trước bạ không giúp giảm giá xe nhưng sẽ giảm các chi phí để xe lăn bánh. Việc giảm loại phí này cũng nhằm kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh thị trường xe trong nước nửa đầu năm kém nhiệt.
Ngoài các giải pháp về thuế, phí, tại công điện Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan khác phải gỡ khó cho sản xuất kinh doanh về cơ chế, chính sách, mặt bằng, hạ tầng, nhân lực. Việc này nhằm thu hút đầu tư, giải phóng nguồn lực xã hội, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bộ Công Thương đảm bảo cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Cơ quan này cần đưa ra chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước, phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, kiểm soát rủi ro nợ xấu, tăng chất lượng tín dụng. Ngành ngân hàng tiếp tục giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin để hạ lãi suất cho vay, cũng như tăng giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng và 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nông, lâm, thủy sản.