KẾ NHIỆM PARK HANG SEO, BẠN CHỜ ĐỢI GÌ Ở PHILIPPE TROUSSIER?
Nếu không có bất ngờ thì Philippe Troussier sẽ là người kế nhiệm HLV Park Hang Seo. Hơn 2 thập kỷ trước, tôi biết đến người đàn ông này khi giúp khai sáng bóng đá Nhật Bản ở đấu trường World Cup. Vậy chiến lược gia người Pháp có gì để người hâm mộ Việt Nam chờ đợi?
Philippe Troussier không phải là HLV ngoại quốc đầu tiên của đội tuyển Nhật Bản, bởi đầu thập niên 90 ý thức tiếp cận thứ bóng đá đẳng cấp được JFA thực hiện thông qua việc nhập tịch, chiêu mộ anh hào cho J – League cho đến HLV từ các nền bóng đá mạnh. Nhưng thành quả khiêm tốn ở France 98 (thua 3 trận, ghi 1 bàn thắng) khiến người Nhật nhận ra họ vẫn chưa gặp được mẫu HLV thích hợp để khai phá tiềm năng các cầu thủ. Tuy nhiên, cơ duyên dự World Cup tại Pháp chính là dịp để họ gặp Philippe Troussier, HLV đưa tuyển Nam Phi đến tranh tài ở giải đấu năm ấy. Đó là thời điểm mà tiếng thơm của Arsene Wenger để lại với J – League là khá lớn sau thành công với Nagoya Grampus Eight. Ở Troussier, họ bắt gặp ý tưởng bóng đá khá giống Wenger từ việc nhấn mạnh khâu trẻ hóa đến quan điểm chiến thuật hiện đại, JFA nhanh chóng phó thác cho HLV người Pháp cả 3 cấp độ quan trọng của bóng đá Nhật Bản, U – 20, U – 23 và ĐTQG.
Liệu JFA có liều lĩnh hay không khi giao trứng vào một rổ cho Philippe Troussier? Không hề, bởi HLV người Pháp sẽ được đánh giá năng lực qua từng cấp độ mà bóng đá Nhật tham dự và nếu chẳng may có bất ổn nào đó thì sự thay đổi sẽ đến nhanh chóng. Bắt đầu từ giải U-20 TG tại Nigeria 1999, Olympic Sydney 2000, Asian Cup 2000, FIFA Confed Cup 2001 và đỉnh cao là World Cup 2002, đích đến lớn nhất của dự án này. Ở mọi sân chơi mà JFA muốn kiểm chứng năng lực của Philippe Troussier, các đội tuyển của ông đều thể hiện xuất sắc khi vào chung kết giải U-20 TG, tứ kết Sydney 2000, vô địch Asian Cup, chung kết Confed Cup và vòng 1/8 World Cup 2002. Vậy tại sao người Nhật lại thành công?
Khi Nhật dự World Cup 2002, họ chỉ còn 4, 5 cầu thủ từng đến France 98. Bóng đá Nhật thế hệ đó được xem là già cỗi và thiếu tính cọ xát đỉnh cao ở đấu trường thế giới. Vì thế, JFA quyết định đập đi xây lại với thế hệ trẻ trung mà trọng tâm là lứa U – 20 vào năm 1999. Thế hệ với các tài năng mà người Nhật gọi là “kỷ nguyên Troussier” như Shinji Ono, Junichi Inamoto, Atsuhi Yanagisawa, Naohiro Takahara và nhất là Shunsuke Nakamura, biểu tượng cho người Nhật giai đoạn này. Chính việc được hấp thu quan điểm bóng đá hiện đại xuyên suốt từ cấp độ U – 20, U – 23 và ĐTQG thật sự giúp Nhật lột xác khi bước vào Confed Cup và World Cup 2002. Kinh nghiệm làm việc ở nhiều nền bóng đá như Nigeria, Burkina Faso, Nam Phi giúp ích cho Troussier thay đổi tư duy “nhược tiểu” trên sân của các cầu thủ Nhật. Bởi nên nhớ, thời điểm ông dẫn dắt các đội tuyển xứ mặt trời mọc, thì chỉ có Hidetoshi Nakata là thường xuyên chơi bóng ở Châu Âu hàng tuần, vấn đề trải nghiệm đỉnh cao chính là rào cản với người Nhật khi ấy. Trong đó, văn hóa chiến thắng là thứ Troussier khai sáng với người Nhật.
Như ông từng bảo, sân cỏ J – League quá lặng lẽ khi đến 80% diễn biến trên sân là những pha phối hợp đồng đội trong khi ý chí cá nhân bị lu mờ trong tập thể. Đấy là rào cản văn hóa khi ai cũng hiểu người Nhật đề cao vai trò tập thể ở bất cứ lĩnh vực nào. Song song đó, cầu thủ Nhật cũng chỉ được dạy việc chơi bóng thuần túy, thay vì làm sao để gây khó dễ cho đối thủ. Họ cũng hiếm khi dùng tiểu xảo, tranh cãi gây sức ép với trọng tài…để chiếm lợi thế trên sân. Với góc nhìn từ 1 HLV Châu Âu, Troussier có bảo thẳng với JFA, nếu họ không thay đổi ít nhiều thì chuyện tiến xa ở đấu trường World Cup là không thể. Dĩ nhiên, ông không đề cao chuyện đá xấu nhưng văn hóa chiến thắng là thứ Troussier khai sáng với các tuyển thủ vốn chỉ quanh quẩn ở sân cỏ J – League.
Tôi có đọc lại thật kỹ bài phỏng vấn của ông với tạp chi J – Soccer, thì cụm từ bóng đá trẻ là trọng tâm trong góc nhìn của Philippe Troussier về 1 nền bóng đá, với ông đó là thứ tài sản quý giá để định hình bất cứ kế hoạch dù lớn hay bé. Như ông có bảo, người Trung Quốc sẽ không thể nào ngóc đầu dạy với bóng đá cho đến khi vùng nông thôn có những sân bóng tử tế cho đám trẻ con vui chơi. Với VFF, con đường đi của họ na ná với cách JFA từng làm khi lựa chọn 1 HLV từng gắn bó với bóng đá trẻ Việt Nam, am hiểu về nền tảng, cơ sở của các trung tâm, giải đấu trẻ. Bởi sau chu kỳ dài thành công cùng Park Hang Seo, bóng đá VN đang có dấu hiệu bị cũ kỹ về đường hướng và nguy cơ dậm chân tại chỗ đang lớn hơn bao giờ hết. Lựa chọn mang tên Philippe Troussier có thể xem là hợp lý vì lẽ đó!