Lại ưu tư rồi.
Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất tính giá bán lẻ điện cho trạm sạc xe điện chia theo cấp điện áp (giờ bình thường, thấp điểm và cao điểm), chia thành 3 phương án.
Phương án 1, áp dụng theo giá điện kinh doanh. Song theo nhà điều hành, phương án này có thể tác động không tích cực tới chính sách phát triển xe điện do làm tăng chi phí sạc điện, chưa phản ánh đúng chi phí của khách hàng trạm, trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện.
Phương án 2, áp dụng giá điện kinh doanh cho nhóm khách hàng trạm, trụ sạc xe điện theo cơ cấu giá bán lẻ điện mới. Tức là, cơ quan quản lý sẽ xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện. Theo tính toán của Bộ Công Thương, cơ cấu biểu giá điện cho nhóm khách hàng này sẽ thấp hơn mức áp dụng cho kinh doanh nhưng cao hơn sản xuất.
Phương án 3, áp dụng theo giá sản xuất. Phương án này có thể tác động tích cực tới chính sách phát triển xe điện do làm giảm chi phí sạc điện. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, sẽ tác động tới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Bởi, giá bán lẻ điện cho sản xuất thấp hơn sẽ dẫn tới việc tăng giá điện cho các nhóm khách hàng khác để cân đối lại doanh thu.
Bộ Công Thương tính toán nếu áp dụng phương án 3, khách hàng trạm, trụ sạc xe điện phải trả ít hơn chi phí thực tế gây ra cho hệ thống điện bình quân 552-699 đồng một kWh. Còn nếu áp theo giá kinh doanh khiến khách hàng trạm, trụ sạc xe điện phải trả nhiều hơn chi phí thực tế khoảng 467-587 đồng một kWh.
Do vậy, Bộ Công Thương kiến nghị xem xét lựa chọn phương án xây dựng biểu giá bán điện mới dành cho nhóm khách hàng này. Đây cũng là cách tính được một số nước áp dụng như Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan. Dự kiến, cơ cấu biểu giá điện theo cấp điện áp, thấp nhất bằng 71%, cao nhất bằng 195% giá bán lẻ điện hiện hành.