Bác sĩ bỏ việc
-----
Một làn sóng nghỉ việc, hoặc bỏ công sang tư, đang cuốn phăng ngành y tế.
Năm 2021, toàn ngành y tế Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc, 82 người xin chuyển công tác và từ tháng 1-2022 đến 30-4-2022, đã có 226 người nghỉ việc, 17 người xin chuyển công tác.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm, 400 nhân viên y tế tại TP HCM xin nghỉ việc với lý do môi trường không phù hợp hoặc thu nhập thấp.
Câu chuyện tương tự đang diễn ra ở khắp các địa phương.
Theo Sở Y tế Gia Lai, trong năm 2021, toàn ngành có 110 trường hợp là bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc. Trong đó riêng bác sĩ là 70 trường hợp. Cụ thể có 38 bác sĩ thôi việc, 12 bác sĩ nghỉ hưu, 10 bác sĩ bị kỷ luật buộc thôi việc và 1 trường hợp thuộc diện tinh giản biên chế. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tiếp tục có 23 trường hợp nghỉ việc. Trong đó có 6 bác sĩ với những lý do tương tự.
Sở Y tế Đồng Nai thống kê, từ tháng 11-2021 đến nay có 79 bác sĩ và 151 điều dưỡng nghỉ việc.
"Ở trạm y tế, bác sĩ, điều dưỡng chỉ nhận lương theo ngạch, bậc và không có bất kỳ khoản đãi ngộ nào khác vì ở đây chỉ khám chữa bệnh, tiêm chủng theo quy định chứ không làm dịch vụ nên không có nguồn thu để hỗ trợ thêm cho nhân viên y tế. Vì vậy nhiều người gặp áp lực về tinh thần lẫn vật chất nên xin nghỉ việc chuyển đến phòng khám, bệnh viện tư hoặc đi làm công việc khác để ổn định cuộc sống", một lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho biết.
Trước Quốc hội, ngày 13/6 vừa qua, ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ báo động: Tiến trình xã hội hoá trong lĩnh vực y tế hiện nay đang đặt ở "nút tạm dừng", các hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn ngành gần như đóng băng, không dám triển khai.
Một số bác sĩ thuộc chuyên ngành mắt ở BV công Hà Nội cho biết, nếu dồi dào vật tư y tế như trước đây, có ngày họ phẫu thuật khoảng 50 ca. Giờ không có vật tư, một ngày làm 1 ca còn khó.
Giám đốc một bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương ở Hà Nội tiết lộ, để theo dõi và điều trị cho hàng nghìn người bệnh sau ghép tạng, việc duy trì thuốc chống thải ghép thường xuyên rất quan trọng nhưng hiện nay gần như không thể mua được.
Nhiều bệnh nhân vì thiếu vật tư y tế chi trả theo BHYT đã không chờ đợi được họ phải chấp nhận mua ngoài, hoặc chuyển sang các bệnh viện tư nhân khác. Giá - dĩ nhiên là cao như xăng.
Hiện tượng trên không chỉ xảy ra ở nhiều bệnh viện tuyến trung ương, mà còn xảy ra tại bệnh viện tuyến tỉnh.
Cứu ngành y là cứu bệnh nhân. Bác sĩ làm thì sợ sai phạm, sợ đi tù, không làm thì lương sống không nổi. Thà bỏ công sang tư. Tư, mỗi bước mỗi tiền, mà là rất nhiều tiền, thì người nghèo nào chịu nổi?
Thế này thì chết mất.