cảm ơn cụ suti, theo gợi ý của cụ, em hóng hớt theo cụ google thì tìm ra Ghia đây rồi cụ ạ:
Ghia - truyền thống thiết kế xe kiểu Italy
Cái tên Ghia gợi lên sự huy hoàng của thời kỳ những chiếc xe ôtô theo thiết kế kiểu Italy làm kinh ngạc cả thế giới. Ngày nay Ghia là một bộ phận của Ford và chỉ còn một vài chiếc xe mẫu, thỉnh thoảng được ra mắt, là nhắc nhớ đến thời xa xưa.
Các mẫu xe Imperials, De Soto Adventurers, Dual Ghia hay của hiếm rất được ưa chuộng tại châu Âu là chiếc 166 Inter (xe của Ferrari, sản xuất năm 1950) và Otto-Vu (Fiat) chứng nhận sự đóng góp to lớn của Ghia trong thời kỳ bùng nổ ôtô vào giữa thế kỷ trước. Thành lập năm 1918, Carrozzeria Ghia, trụ sở đặt tại thành phố Turin, là một trong các công ty sản xuất xe hơi đầu tiên ở Italy. Sau Thế chiến I, Giacinto Ghia nổi lên như một nhà thiết kế ôtô độc đáo theo đơn đặt hàng của những ông chủ giàu có. Sự kết hợp giữa tính sang trọng và thể thao là một xu hướng vào thời kỳ đó, khi hầu như chỉ những người thuộc dòng dõi quý tộc mới có đủ điều kiện để mua xe. Sau khi chiếc Alfa Romeo 6C 1500 - thân xe do Ghia chế tạo - chiến thắng tại giải đua Mille Miglia năm 1929, công ty liên tiếp nhận được đơn đặt hàng từ những nhà sản xuất như Alfa Romeo, Lancia và Fiat. Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng phát đã làm ngắt quãng đà phát triển của Ghia.
Giacinto Ghia qua đời vào năm 1944, ở tuổi 56. Nhưng công ty của ông không lụi tàn như nhiều người e ngại. Vợ góa của Giacinto đã giao nó lại cho hai người bạn và đồng nghiệp của ông là Mario Felice Boano và Giorgio Alberti, chỉ với một yêu cầu giữ nguyên cái tên Ghia như một ký ức về người chồng quá cố. Dưới quyền điều hành của Boano, hàng loạt tên tuổi nổi tiếng về thiết kế ôtô đã đến và ra đi khỏi Ghia, trong những năm 50 và 60, giai đoạn được mệnh danh "kỷ nguyên thiết kế xe kiểu Italy".
Mario Felice Boano trở nên nổi tiếng tại châu Âu khi cho ra mắt hai sản phẩm: Alfa Romeo Giulietta Sprint và chiếc Lancia Aurelia B20. Do năng lực sản xuất của Ghia không lớn, dần dần Alfa Romeo và Lancia quay sang ký kết hợp đồng chế tạo thân xe của hai mẫu trên cho các đối thủ cạnh tranh với Ghia, cũng có trụ sở tại thành phố Turin: chiếc Aurelia được giao cho Pinin Farina, còn Giulietta cho Bertone. Năm 1953, Boano ra đi để thành lập công ty thiết kế của riêng ông, và sau đó trở thành Giám đốc trung tâm thiết kế tại Fiat, nơi ông và con trai ông nắm quyền điều hành trong nhiều năm.
Sự ra đi này một phần do Boano đã mâu thuẫn với Luigi Segre, người chơi thân với Phó chủ tịch Chrysler là C.B Thomas, do vậy hay ưu tiên cho các hợp đồng với các hãng xe ngoại quốc. Ghia và Chrysler đã tạo ra chiếc Virgil Exner và kéo dài sự hợp tác cho tới tận thập kỷ 60. Segre là một nhà quả lý nóng tính nhưng đầy hiệu quả. Sau khi Boano ra đi, Ghia đã cho ra lò chiếc coupe Karmann mang động cơ Volkswagen nổi tiếng toàn thế giới. Segre cũng là người phát hiện tài năng trẻ thiết kế người Mỹ Tom Tjaarda. Những năm đầu tiên tại Ghia, Tjaarda đã tạo ra hai chiếc xe Selene I và IXG Dragster, nhưng cả hai đều là những xe không thực tế để sản xuất. Tjaarda chuyển tới làm việc cho Pinin Farina năm 1963, khi Segre chết.
Một lần nữa, Ghia lại đổi chủ và lần này nó rơi vào tay của nhà độc tài Trujillo của Cộng hòa Dominica. Leonidas Trujillo giao lại quyền điều hành cho Gaspardo Moro. Ghia lúc này gặp nhiều khó khăn trong cộng tác với các hãng xe lớn. Nó có thể duy trì được sự tồn tại một phần nhờ hợp đồng chế tạo xe Vallelunga cho Alejandro de Tomaso, thầu khoán người Argentina kiêm một tay đua xe. Năm 1965, Moro lôi kéo được tài năng trẻ Giorgietto Giugiaro đang làm việc cho Bertone. Chỉ chưa đầy một năm, Giugiaro đã cho trình làng tới 4 chiếc xe tại triển lãm ôtô tại Turin: hai chiếc cho Tomaso là Pantera và Mangusta, chiếc Masertai Ghibli và chiếc xe dành cho phụ nữ của Fiat mang tên Vanessa.
Trujillo bán lại cổ phần của mình cho Tomaso năm 1967. Tính tình nóng nảy của Tomaso cùng sự khó tính của Giugiaro khiến Ghia bị đẩy vào tình trạng lộn xộn. Tom Tjaarda trở lại năm 1968, thời điểm mà phần lớn ban lãnh đạo cũ, gồm có Giugiaro, đã ra đi.
Chính Tomaso đã đề nghị sáp nhập Ghia với Ford, sau khi đa số ban quản trị công ty Rowan, những người hậu thuẫn tài chính cho Tomaso, gặp tai nạn máy bay. Năm 1970, Ford đã mua 84% cổ phần Ghia, và một năm sau mua nốt 16% còn lại.
Bước sang thập kỷ 70, tình hình tại Ghia tương đối bình lặng. Lúc này nhân vật chính là Filippo Sapino, người gia nhập Ghia vào năm 1960 nhưng đã rời đi trong giai đoạn mà ông gọi là "thời kỳ hỗn độn". Sapino đã đóng góp vào việc thiết kế hàng trăm mẫu xe khác nhau.
Từ khi về tay Ford, Ghia biến thành một trung tâm thiết kế hơn là tạo ra những dấu ấn riêng. Chiếc xe Ford đầu tiên mang logo Ghia là Granada Ghia 1974. Khi đó, Chủ tịch Ford châu Âu tuyên bố biểu tượng này thể hiện "sự sang trọng, tính tin cậy, hữu dụng với giá phải chăng".
Kể từ đó, Ghia đã góp phần mình vào việc chế tạo từ những chiếc xe đua đường trường như RS200 cho tới những chiếc xe sản xuất hàng loạt như Ford Mondeo. Lincoln Sentinel Ghia, trình làng tại Triển lãm Detroit năm 1997, có thể coi là một điểm sáng hiếm hoi của Ghia gần đây. Ngoài Sentinel, Ghia cũng còn một vài dự án khác gây được sự quan tâm như chiếc xe thể thao Escort, chiếc xe mui trần tốc độ cao (speedster) Saetta. Aston Martin Lagonda Vignale là sự cộng tác động tiên giữa nhà sản xuất xe hơi nước Anh với Ghia kể từ sau mẫu xe DB2/4 năm 1954. Lagonda Ghia đã gợi nhớ về những ngày của những chiếc xe sang trọng trước đây, nhưng lại trang bị hoàn toàn các thiết bị hiện đại (hệ thống chỉ dẫn từ vệ tinh, máy tính xách tay tích hợp phía trước mỗi hành khách). Ghia tuyên bố Lagonda được "thiết kế để tạo ra ham muốn lái xe nhưng vẫn thích hợp nếu như bạn muốn giao tay lái cho tài xế riêng của mình". Với Lagonda, những người hoài cổ có thể tự an ủi rằng dù nhiều thứ đã biến mất theo thời gian, Ghia vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ giấc mơ ngày nào.
(Từ vnexpress:
http://www.vnexpress.net/GL/Oto-Xe-may/2004/02/3B9CF44A/ )