Dân hiến kế chống ùn tắc giao thông.
(Thời Đại) Xây dựng website, đề xuất ý tưởng gửi đến các cơ quan chức năng… thậm chí trực tiếp thực hiện các giải pháp… là những việc làm của những người dân bình thường để góp phần giảm ùn tắc giao thông tại Việt Nam.
Website chung xe - ww.dichungxe.vn
Tại cổng trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội, Nguyễn Gia Hải, sinh viên năm 3 đang đứng chờ bạn. Khoảng chừng 10 phút, sau hai cuộc điện thoại, một người đàn ông đi xe ô tô 4 chỗ đến đón Hải. Hai người gặp mặt, bắt tay và trao đổi chứng minh thư để kiểm định. Xác định đúng người muốn đi nhờ, chủ xe đưa Hải và bạn lên xe về Thái Bình. Đây là một việc làm đang diễn ra của một số thành viên trong diễn đàn
www. dichungxe.vn.
Hải đã trở thành thành viên của website
dichungxe.vn từ hai tháng nay. Trong quá trình tham gia trên diễn đàn, Hải tìm thấy có một số người đi xe riêng từ Hà Nội về Thái Bình nên đã liên lạc để đi chung xe. “Từ hồi đi học, mỗi lần bắt xe khách về quê rất chật chội, đông đúc. Nhờ có diễn đàn này, em đã đi về quê được 2 lần bằng việc đi chung xe”, Hải tâm sự.
Anh Dương Đình Chinh, người sáng lập website dichungxe.vn cho hay: Mô hình đi chung xe, chung đường đã có ở rất nhiều nước. Khi còn học ở Đức, tôi cũng đã dùng dịch vụ này. Khi về Việt Nam, thấy tình trạng tắc đường do phương tiện đi lại nhiều, tôi nghĩ là sẽ làm một trang mạng để mọi người có thể vào trao đổi việc đi lại. Những người có xe, tìm người đi cùng để bớt được vé cầu đường hoặc vài lít xăng. Những người đi cùng sẽ được đi xe thoải mái, giá thành chỉ ngang với đi xe khách. Về lâu dài, việc thực hiện đi chung xe sẽ góp phần giảm khí thải, giảm xăng dầu và diện tích chiếm dụng lòng đường của các phương tiện.
Ngoài dichungxe.vn, hiện nay một website cũng với ý tưởng mong muốn góp phần chống ùn tắc giao thông của một số bạn trẻ đang được ra đời. Đó là
www.dichung.vn.
Anh Nguyễn Minh Quang, đại diện website dichung.vn chia sẻ: Bọn mình mong muốn đây là nơi chia sẻ chỗ trống trên phương tiện để mọi người có thể đi cùng nhau. Việc đi này vừa tiết kiệm được nhiên liệu, vừa góp phần tránh tắc đường.
“Mọi người sẽ đăng chuyến đi của mình lên trên website. Hệ thống sẽ tính toán hết các chi phí trung bình cho chỗ trống tùy theo từng loại phương tiện. Hai bên muốn cho nhau đi cùng có thể tự tính toán số tiền phù hợp để đi nhờ. Bọn mình mong muốn các bạn trẻ có những hiểu biết, có khoảng thời gian và kinh nghiệm sử dụng internet; xe ôm, xe khách… cùng đăng tin thông báo, đặt chỗ để đi đường một cách thuận lợi nhất mà không mất nhiều phương tiện”, Quang khẳng định.
Ý tưởng mới
Ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công) đề xuất ý tưởng “để không có xe cá nhân (xe hơi và xe máy) lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố”. Cụ thể, thực hiện năm giờ trong một ngày (sáng, chiều) và năm ngày một tuần (thứ hai đến thứ sáu) không có xe hơi cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố.
“Mỗi ngày tôi đi ra đường thường hay bị tắc đường. Có những hôm vào giờ cao điểm, tôi đếm được phía trước tôi có 8 chiếc xe hơi, trong đó có 2 taxi. Ô tô chiếm dụng đường, bãi đỗ lớn hơn xe máy rất nhiều trong khi số lượng người dùng ô tô không nhiều”, ông Tuấn cho hay.
Trái ngược với ý tưởng 5x5 của ông Tuấn, ông Nguyễn Bá Long - Giám đốc công ty CP Hỗ trợ giải pháp và văn hóa giao thông lại có đề xuất, khi giải phóng mặt bằng mở rộng thêm 50m mỗi bên và xây các khối nhà cao 25 tầng trên đó theo đúng mật độ xây dựng. Tính cụ thể đối với tuyến đường Trần Khát Chân kéo dài tới đê Nguyễn Khoái (dài 700m) thuộc vành đai 1. Nếu làm theo ý tưởng của ông Long, thành phố cho làm nhà 22 tầng thì quy hoạch khu phố đẹp, thành phố có thêm 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Long, tuy xây cao tầng, nhưng sẽ giảm được 65% ùn tắc giao thông, bởi nếu mở rộng làm được ở nhiều tuyến phố, tỉ lệ đường giao thông sẽ tăng từ 8% hiện tại lên 20%.
Gần 2.000 ý tưởng của các bạn sinh viên ở các trường Đại học góp phần hiến kế giảm ùn tắc giao thông trong chương trình do Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam tổ chức. Phạm Thị Dinh, sinh viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất ý tưởng: Trong giờ cao điểm, mỗi ô tô phải có không dưới 1 người ngồi bên trong, nêu cao khẩu hiệu: Đi xe bus trong giờ cao điểm, cải thiện chất lượng và dịch vụ xe bus. “Em nghĩ rằng, nếu thực hiện được việc này sẽ giảm thiểu được các phương tiện đi trên đường, góp phần giảm ùn tắc giao thông”, Dinh nói.
Cơ quan chức năng: Tiếp nhận chưa có hồi âm
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam Vũ Kim Quy cho biết, vừa qua Trung tâm đã trao hơn 1.000 ý tưởng của các bạn sinh viên tới Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Đề xuất của ông Long và cộng sự đã được gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Theo ông Long, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 2805 gửi cho công ty thông báo, chuyển đề xuất này đến Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố Hà Nội để nghiên cứu.
Còn đối với đề xuất của ông Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/5. Nhưng cho tới thời điểm này vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc có thực hiện hay không ý tưởng của ông Tuấn.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đối với đề xuất của ông Tuấn, Sở vẫn chưa gặp được để trao đổi cụ thể. Ông Tân cũng cho biết đã gặp khoảng 20 người đề xuất ý tưởng cho ngành giao thông tuy nhiên chưa có nhiều ý tưởng khác biệt, có tính khả thi. “Chúng tôi rất hoan nghênh những ý kiến đóng góp của người dân. Đây chính là việc thể hiện ý thức của nhân dân tham gia chia sẻ khó khăn với ngành giao thông. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến của những người không phải chuyên ngành giao thông nên vẫn chưa thực hiện được”, ông Tân nhấn mạnh.
Thanh Phương
Link : http://thoidai.com.vn/Dan-hien-ke-chong-un-tac-giao-thong-0501-1988.htm