Xem ký ức vui vẻ trên VTV3 em lại khoái xem lại film Ván bài tật ngửa
có kụ nào thích không ạ
Em sẽ lên lịch xem lại toàn bộ vào dịp tết này
Thời khốn khó những năm 80 mà làm được bộ phim chất ra phết, mà cũng ra dáng phim anh hùng cá nhân kiểu tây, chứ không cứng nhắc "anh hùng tập thể"...
Thật ra thì phim Ván Bài Lật Ngửa, nếu xét về mặt điện ảnh là một phim có rất nhiều sạn từ kết cấu logic, diễn xuất... cho tới lời thoại, cảnh quay.
Nhưng theo một cách nhìn khác thì ở những năm 1980, làm được một bộ phim nhựa dài tập với nội dung phức tạp, không gian thể hiện rộng lớn, nhiều bối cảnh hoành tráng, nhiều nhân vật chính phụ chưa từng có thì cũng là một thành tựu lớn của ĐAVN.
Còn nếu các cụ đã đọc phần tiểu thuyết cùng tên thì sẽ thấy phần tiểu thuyết hay hơn phim rất nhiều. Tuy ngay trong phần tiểu thuyết cũng có sạn - nhưng cơ bản thì phần tiểu thuyết có cấu trúc chặt chẽ hơn, các hành động của các nhân vật bám rất sát với những diễn tiến thời sự của giai đoạn đó. Nhân vật chính Nguyễn Thành Luân (nguyên tác là đại tá VNCH Phạm Ngọc Thảo) vừa phải sống với lý trí của một tình báo viên trong lòng địch, vừa phải sống tình cảm rất "con người" khi bên cạnh mình - người theo lý trí là địch thì hàng ngày lại là những va chạm tình cảm với đầy rẫy những ơn huệ và cả sự yêu thương mà họ dành cho mình.
Một trong những cao trào của phần tiểu thuyết là khi phe đảo chính do Dương Văn Minh cầm đầu lật đổ rồi giết hại anh em hai ông Diệm - Nhu. Tác giả mô tả sự đau xót thực sự của Nguyễn Thành Luân, bởi dẫu sao thì với đời thường đó cũng là những người gần gũi và anh chịu nhiều ơn huệ của họ. Mặt khác phải vững lòng để phán xét, để nhận thấy hai con người này xứng đáng phải được đưa ra xét xử, nhưng thực thể được quyền luận tội và thi hành xét tử họ phải là Nhân Dân chứ không phải một phe nhóm nào cả.
Hoặc những đoạn mô tả Luân mưu lược giật dây bạn bè cầm đầu các nhóm khác làm đảo chính, vừa hướng tới mục tiêu lớn nhằm làm mất ổn định nội tình chính quyền Sài Gòn, vừa phải tìm cách bảo vệ và giải nguy bạn khi âm mưu thất bại dù biết việc mình làm là cực kỳ nguy hiểm.
Trong tiểu thuyết cũng đề cập đến pha giải cứu Phúc, là người ám sát Ngô Đình Diệm ở Ban Mê Thuột. Đây là tình huống có thật và nguyên mẫu nhân vật Phúc là ông Hà Minh Trí đã thoát khỏi án tử rồi sau giải phòng trở thành một cán bộ cấp tỉnh ở Tây Ninh.
Vụ giải cứu này thì phần phim cũng có, nhưng đọc phần truyện thì hấp dẫn hơn. Tuy nhiên khi bị tra khảo xem ai xúi giục ám sát thì cả phần phim và truyện Phúc đều nói là do tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức - còn trong thực tế mà sau này ông Trí kể lại thì ông khai là do Mai Hữu Xuân xúi giục.
Nếu mọi người đã từng đọc Ông Cố Vấn (Hữu Mai - trong nước) và các hồi ký khác của các nhân vật cao cấp phía VNCH thì sẽ hiểu tại sao các nhân vật như Trần Kim Tuyến, Mai Hữu Xuân lại có những vị trí "đặc biệt" vừa được nhà Ngô tin dùng vừa phải đề phòng cảnh giác. Ngay trong VBLN tác giả cũng đề cập đến quan hệ giữa Mai Hữu Xuân và nhà Ngô nhưng tiếc là tác giả không (không biết) để khai thác hiệu quả trong tình huống này.
Nếu đối sánh với các tư liệu nêu trên, cũng sẽ thấy tiểu thuyết mô tả các sự kiện diễn ra trong lòng chính quyền VNCH giai đoạn 1954-1963 khá sát thực, và nếu không có những kiến thức nhất định về giai đoạn này thì người xem phim hay người đọc sách khó có thể hiểu rõ những diễn tiến của phim. Chẳng hạn như ngay các tập đầu, khi cảnh quân đội bắn nhau với công an khiến người xem khó hiểu. Cần hiểu là những năm Ngô Đình Diệm mới nắm quyền thì nội tình Quốc Gia Việt Nam (chưa phải là VNCH) rất phức tạp, các phe nhóm cát cứ và nắm quyền và mạnh nhất trong các phe nhóm này là Bình Xuyên, cũng là lực lượng nắm luôn ngành công an. Bình Xuyên luôn yêu cầu Ngô Đình Diệm phải có những ưu ái cho lực lượng của mình và dành một số ghế trong chính phủ cho họ. Mâu thuẫn đạt đỉnh điểm khi hai bên nổ súng và phần thắng thuộc về phe chính phủ, đó chính là những cảnh phim mô tả ở trên. (nhân đây cũng thấy luôn từ "công an" và "bộ đội" có từ thời đó và dùng trong lực của Bình Xuyên, cánh tay phải của Quốc Gia Việt Nam chứ không phải sau giải phóng mới có như nhiều người lầm tưởng).
Sau khi trấn áp Bình Xuyên, Ngô Đình Diệm mới trưng cầu dân ý phế truất Bảo Đại rồi lên làm Tổng Thống. Tiểu thuyết (và phim) cũng đề cập đến việc Ngô Đình Nhu ám sát tướng gốc Cao Đài là Trình Minh Thế, thật ra thì thực hư việc này có phải do Ngô Đình Nhu chỉ đạo hay không thì các nguồn đều không rõ nhưng xem ra là có logic nếu xét trong bối cảnh Ngô Đình Diệm thiết lập quyền lực có hệ thống bằng cách loại trừ các tướng lĩnh không cùng phe với mình, trấn áp C-S (luật 10/59), triệt hạ các mầm mống chống đối từ giới trí thức (vụ ám sát bác sĩ Nguyễn Thị Diệu)...
Khi nói về Ngô Đình Diệm, tiểu thuyết không mô tả ông Diệm là kẻ bán nước - mà chỉ mô tả như một nhà độc tài và quyết liệt "trống +" bằng những nguồn lực Mỹ. Tiểu thuyết nói nhiều về những suy tính và sự căng thẳng khi ông Diệm tìm mọi cách để Mỹ không thể đưa quân bộ vào Việt Nam - kể cả phải chấp nhận hòa hợp với C-S. Khi cờ sắp tàn, Ngô Đình Nhu có nêu ý định bắt liên lạc với MTDTGP nhưng nhân vật chính của chúng ta nói "không còn đủ thời gian".
Tiểu thuyết này cũng nói về phần đầu một giai đoạn ngắn ngủi mà sử sách ta rất ít đề cập, đó là từ khi Nguyễn Khánh đảo chính Dương Văn Minh năm 1964 để mở đường cho Mỹ đưa quân bộ vào VN cho tới khi Nguyễn Văn Thiệu lên nắm quyền. Đây là giai đoạn các tướng trẻ chịu nhiều ảnh hưởng của Mỹ liên tiếp đảo chính (và có cả những cuộc đảo chính do Phạm Ngọc Thảo tham gia). Đây chính là giai đoạn Mỹ chọn ngựa nòi làm tiền đề cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sau này.
Ngoài ra, các sự kiện lẻ tẻ khác như các điệp vụ ám sát của CIA và tình báo VNCH với thân tộc Hoàng Gia Campuchia, hay các thương vụ mua bán vũ khí, các hành động của đảng Đại Vie, sự thao túng của tư bản Hoa Kiều....cũng được viết trong tiểu thuyết (phim thiếu khá nhiều).