Đây là quan điểm của tôi, mời các cụ tham khảo. Bài này tôi đã đăng ở FB cá nhân, xin copy sang đây
ĐEO KÍNH HAY KHÔNG ĐEO KÍNH
Thời nay, gần 100% các nhà bà con, họ hàng của mình có con đang đi học đều có con đeo kính (cận, viễn).
Tại sao vậy, đơn giản là do có quá nhiều cửa hiệu kính thuốc. Một hôm con về nói là ở trường khám mắt con bị mấy phần 10 gì đó, nhìn chữ viết trên bảng không rõ, thế là đi ra cửa hàng đo kính và đeo thôi. Có biết đâu việc đo thị lực mắt là một việc phải làm rất kĩ, nhiều bước, phải dùng thuốc liệt điều tiết mắt mới đo chính xác được, mọi người có thể tham khảo trong bài báo dưới đây, rất có thể con bạn đã bị hiện tượng "cận thị giả" và phải đeo kính oan. Sau một thời gian đeo kính oan thì mắt của con đã bị cận thật và con bạn đã trở thành khách hàng trung thành của các cửa hàng kính cùng với bao sự bất tiện trong sinh hoạt của con trở về sau.
Vậy thì phải làm thế nào, khi con nói không nhìn rõ cô viết gì trên bảng, đơn giản là hướng dẫn con tập nghe cô nói những gì cô viết để không cần phải nhìn hoặc nhìn vở bạn bên cạnh hoặc hỏi lại cô thôi. Quan trọng là bố mẹ phải hướng dẫn con cách bảo vệ mắt, làm việc phải đủ sáng, không tối quá hoặc sáng quá; khoảng cách từ đến sách vở đảm bảo 30 cm; tư thế ngồi đọc, viết chuẩn không vẹo cổ, vẹo xương sống; khi nào mỏi mắt phải nghỉ; giới hạn thời gian dùng điện thoại, ipad, máy tính; cho con nhìn xa ở nới có không gian rộng như công viên. Hướng dẫn con ăn uống đủ chất, đủ vitamin A, rau xanh..
Mình cũng không có chuyên môn gì về nhãn khoa đâu. Chỉ biết là mắt của trẻ cũng là một bộ phận cơ thể đang phát triển, nếu đeo kính quá sớm hoặc sai số thì nó sẽ khó phát triển bình thường được nữa và sẽ thành tật khúc xạ mắt. Vậy nếu con bạn có vấn đề về mắt, đơn giản là điều chỉnh sinh hoạt cho đúng và KHÔNG ĐEO KÍNH. Cái này bản thân mình đã trải qua. Năm 8 tuổi mắt bị loạn thị phải đeo kính 3.5 điốp, nhưng mình không chịu đeo do đau đầu và đến bây giờ hơn 40 tuổi mắt mình vẫn khoảng 6,7/10, làm việc với máy tính 8h /ngày, vẫn sinh hoạt bình thường, lái xe tốt và KHÔNG ĐEO KÍNH. Thà mắt không được 10/10 mà không đeo kính còn hơn đeo kính để được 10/10.
Cậu lớn nhà mình năm lớp 2, 3 gì đó cô giáo cũng bảo con khám ở trường bị tật khúc xạ mắt phải đeo kính, mình chỉ cười thôi. Đến giờ lên lớp 6, hôm nọ khám ở trường mắt vẫn 9, 10/10 gì đấy mà hở lúc nào là mò game máy tính ngay.
Mấy hôm trước Tết em bé gái đi học lớp 1, cô giáo cũng bảo đi cắt kính vì mắt có 8/10. Mình phải thống nhất cả nhà ngay là không có kính kiếc gì cả. Hôm trước đi chơi con vẫn đọc được biển hiệu xa ở Lạng Sơn rất tốt không có vẫn đề gì hết.
Link bài báo
https://news.zing.vn/deo-kinh-can-sai-so-nguy-hiem-nhu-the-nao-post761221.html?
fbclid=IwAR0O4oOef_22nDBG0cKLp0OssJc2UTPKEJyCd8oSj3XEaQiSorcXv4hu1tU
Đeo kính cận sai số nguy hiểm như thế nào?
Hành động sai lầm này có thể khiến bạn bị giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa mắt, rất nhiều người có quan niệm đeo kính thấp số hơn thực tế để tránh tăng độ cận. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm và có thể gây ra những nguy hiểm cho mắt.
Nhược thị do đeo kính không đúng số
Ths.BS Phạm Thị Hằng, Trưởng khoa Khúc Xạ (Bệnh viện Mắt Quốc tế DND) cho hay trong quá trình khám và điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp khi thấy mắt mờ nhòe chỉ đi khám và cắt kính tại các cửa hàng. Họ thường được khuyên chỉ cần đeo không đúng số, ví dụ cận 4 đi-ốp nhưng lại chỉ cắt kính 3-3,5 đi-ốp. Sai lầm này sẽ dẫn tới tình trạng mắt vẫn phải điều tiết và có thể tăng số đo mắt chưa được nhìn với thị lực tối đa. Điều này sẽ đẩy nhanh việc tăng số kính của bệnh nhân.
Việc khám và quyết định ra đơn kính cho một bệnh nhân là rất quan trọng đặc biệt ở những bé nhỏ do khả năng điều tiết của trẻ rất cao lên tới 5-7 đi ốp. Có những bệnh nhân mất 3-4 lần khám trong 2-3 tuần mới có thể quyết định ra được một đơn kính chính xác.
Đeo kính cận sai số còn có thể khiến những bệnh nhân có độ khúc xạ cao bị giảm hoặc mất thị lực.
Người cận thị nên nên đi khám định kỳ 3-6 tháng/lần để kịp thời điều chỉnh số kính. Ảnh:
Scienceabc.
Mối nguy hiểm khi tự ý cắt kính tại cửa hàng
Theo khuyến cáo của bác sĩ Hằng, rất nhiều bệnh nhân đến khám với tình trạng mắt mờ và khi chụp có độ khúc xạ (cận thị). Tuy nhiên, sau khi thăm khám và tra liệt điều tiết, mắt bệnh nhân lại hoàn toàn bình thường. Điều đó là do tình trạng điều tiết nhìn gần quá mức trong một thời gian dài gây ra tình trạng giả cận thị.
Nếu không được khám đầy đủ và tra liệt điều tiết, có thể bệnh nhân sẽ cắt một cặp kính cận để đeo và khiến mắt bị cận thị, tăng số do điều tiết mắt bị rối loạn.
Những trường hợp giả cận do điều tiết mắt nhìn gần quá chỉ cần nghỉ ngơi mắt, điều chỉnh điều tiết và dùng thêm một số thuốc hỗ trợ. Khi đó, thị lực bệnh nhân có thể trở lại bình thường. “Cận thị giả” hay gặp ở trẻ nhỏ hơn so với người lớn vì khả năng điều tiết của các em lớn hơn rất nhiều so với người trưởng thành.
Vì vậy, nếu người bệnh cắt kính chỉ đơn thuần dựa trên kết quả của máy đo khúc xạ mà không được khám và đánh giá theo một quy trình chuẩn, rất dễ dẫn tới tình trạng kính không chuẩn.
“Khi đo độ cận hay loạn thị mà chỉ bệnh nhân đọc bảng chữ, kiểm tra bằng máy đo khúc xạ là chưa đủ. Theo đúng quy trình người bệnh cần nhỏ thuốc liệt điều tiết mắt. Việc nhỏ thuốc mất thời gian chờ đợi nên nhiều cửa hàng bán kính bỏ qua công đoạn khám và đánh giá. Điều đó khiến cho nhiều trường hợp bị “cận thị giả” vẫn được kê đơn đeo kính", bác sĩ Hằng nói.
Việc đeo kính không đúng chỉ định trong thời gian ngắn cũng khiến bệnh nhân mỏi mắt, nhức đầu, buồn nôn, không tập trung, ảnh hưởng tới học tập và công việc... Nếu kéo dài, tình trạng này có thể tăng nặng hoặc dẫn đến bệnh khác nguy hiểm hơn như nhược thị, mất thị lực.
Trẻ nhỏ và người lớn xuất hiện các biểu hiện như hay nheo mắt, chảy nước mắt khi nhìn, xem tivi hoặc đọc sách... cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa điều trị kịp thời. Người cận thị nên nên đi khám định kỳ 3-6 tháng/lần để kịp thời điều chỉnh số kính phù hợp.