Cụ Bà 81 đi xem Euro!!!!
Không nóng bỏng như những WAGs (vợ, bạn gái cầu thủ), nhưng một cụ bà người Việt đã làm nóng cả một góc khán đài Metalist
Xét về độ tuổi, bà thuộc tốp cao niên trong gần 40.000 khán giả trên sân Metalist. Còn xét về khoảng cách di chuyển để được dự khán một trận cầu, bà cũng thuộc dạng “đại bàng trắng” khi vượt hàng chục ngàn kilômet để hòa vào không khí Euro...
Cửa số 13 sân Metalist trong những ngày qua, người ta thường thấy một cụ bà Việt lọt thỏm giữa đám người cao lớn với chiếc khăn vàng đề dòng chữ “Ukraine - Poland” vắt ngang cổ. Chẳng cần vẽ mặt, bà cũng nổi bật giữa đám đông với cái khăn đen quấn tóc trên đầu. Với bộ đồ lụa mỏng manh giữa đêm se lạnh cùng những câu chuyện hài hước, nom bà trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 81 của mình.
Nhìn bà bỏm bẻm nhai trầu, một CĐV Bồ Đào Nha hỏi: “Bà ăn gì thế?”. Dường như hiểu ý của anh chàng, bà nhờ tôi dịch hộ: “Con nói với hắn là bà ăn trầu. Một loại thuốc vừa ngon vừa tốt cho răng của người VN...”. Tôi loay hoay mãi nhưng vẫn không nhớ nổi từ “trầu” dịch qua tiếng Anh như thế nào, bèn dịch đại cho anh ta: “Bà ấy dùng một chất kích thích loại mạnh dành cho phụ nữ VN. Cỡ anh, khoảng 100kg, chỉ cần một liều như bà ấy là say chỏng cẳng...”. Chàng thanh niên quay qua bà rồi đưa ngón tay cái ra dấu số 1 với vẻ thích thú.
Tôi hỏi: bà không mắc cỡ khi ăn trầu giữa một nơi chỉ nghe toàn mùi pho mát à? Bà đáp: “Hắn có văn hóa của hắn, mình có văn hóa của mình, sợ chi con? Bà cũng như hắn ăn sôcôla thôi. Bà ăn có nơi có chỗ, không xả rác, nhổ bậy thì có chi phải sợ...?”. Câu chuyện của tôi và bà bị ngắt quãng bởi một nhóm CĐV trẻ Hà Lan. Họ xúm lại xin chụp ảnh chung với bà một kiểu, bà khoát tay: “OK”. Từ đấy, bà trở thành tâm điểm của nhóm CĐV đang chờ đợi để vào sân trước cổng số 13. Những gia đình người Ukraine, CĐV Hà Lan với sắc cam nồng nhiệt, người Bồ với màu đỏ vui vẻ đều xếp hàng chờ làm một “nháy” với bà để kỷ niệm.
Ở chỗ bà ngồi, nói như cách chọc ghẹo của những fan Hà Lan, bà vẫn là một “hot girl” giữa đám người to lớn và sặc sỡ... Hỏi bà thích đội nào, bà nói: “Bà thích cái bọn mặc áo vàng ấy (Hà Lan), hắn vui vẻ ra phết...!”. Bà kể: “Hồi trước bà có biết gì về bóng đá đâu. Thấy tụi nhỏ cứ thức đêm bỏ học bỏ hành để xem bóng đá bà còn quát: Có chi hay ho mà bây xem, mấy chục thằng giành nhau quả bóng cứ rồ dại lên hết... Vậy mà cứ mỗi Euro hay World Cup, bà lại thức đêm nấu cháo cho tụi nó ăn. Lâu ngày rồi nghiện luôn cái không khí vui vẻ của hắn. Thấy bà mê bóng đá, lại có con gái ở Kharkov nên tụi cháu ở nhà tặng cho bà vé máy bay qua đây để được một lần trực tiếp chứng kiến không khí Euro. Được vào xem trực tiếp như thế này bà thích lắm. Đội nào thắng, đội nào thua với bà không quan trọng. Điều quan trọng là được thấy tận mắt mấy cầu thủ mà cháu bà ở VN hâm mộ...”.
Chị Nguyễn Thị Nhường, con gái bà, cho biết: “Thấy cụ có tuổi, tui chỉ tính đưa cụ đi xem một trận cho biết, ai dè mấy trận sau cụ cứ nằng nặc đòi đi tiếp. Ở Kharkov không còn trận đấu nào nhưng thấy cụ “máu” thế này, chắc tôi phải cố gắng kiếm vé cho bà lên Kiev xem tiếp những trận tứ kết...”. Hỏi cụ có cảm thấy tiếc không khi mỗi vé vào sân phải mua chợ đen lên đến vài trăm USD, cụ nhoẻn cười: “Cũng bõ chú ạ! Đáng đồng tiền bát gạo lắm...”.
Tên cụ là Đồng Thị Trúng, đến từ Nông Cống, Thanh Hóa. Sau trận đấu, theo cụ về nhà tôi lại một lần nữa ngạc nhiên trước sự “xì-tin” của cụ. Vừa bỏ cái khăn quàng cổ ra, bà bảo với đứa cháu học lớp 7: “Mi đưa mấy cái hình của bà ở sân lên phây-xờ-búc (Facebook) của mi cho mấy đứa ở nhà hắn xem. Nói với tụi hắn bên này “nóng” lắm...”. Ở khu chung cư này, ngoài cụ Trúng còn có cụ ông Ngô Hồng Thái, 80 tuổi, quê Hải Phòng, vừa bay từ VN qua để thưởng thức mùa Euro.
Nhìn khuôn mặt trẻ trung, hồ hởi của những “lão tướng” Việt trên sân Metalist, tôi chợt nhận ra bóng đá không có giới hạn của tuổi tác, dân tộc... mà chỉ có niềm đam mê và sự vui sướng!