Đình Hồng Thái thuộc thôn Cả, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, trước năm 1945 gọi là đình Kim Trận. Đình được dựng năm thứ 4 triều Khải Định (năm 1919) vật liệu thuần gỗ, theo kiểu kiến trúc nhà sàn miền núi, ba gian, hai chái, mái lợp lá cọ. Phía trên 3 gian có một sàn lửng được chia làm hai phần: thượng cung là nơi để đồ cúng tế, vọng cung để đồ tế khí. Sàn đình dùng làm nơi hội họp và ăn uống. Đình Hồng Thái thờ thành hoàng làng và các vị thần sông, thần núi xung quanh vùng; ngoài ra, đình còn thờ một vị nhân thần là Ngọc Dung công chúa.
Đình Hồng Thái được dựng theo thuật phong thuỷ từ ngàn xưa, đó là thế “đất tụ thủy, nước tụ hội”, đình nằm bên hữu ngạn sông Phó Đáy nhìn theo hướng đông nam, lấy núi Thia làm án đình, trước đình là khoảng sân rộng có nhiều cây cổ thụ như: cây đa, cây gạo…tạo không gian thoáng và cũng là nơi nhân dân tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao vào dịp lễ hội. Làng ở phía sau đình, đầu làng có giếng Ngọc, nước trong suốt không bao giờ cạn. Trước đình là cánh đồng rộng chạy dài đến chân núi Bòng. Con đường từ Tân Trào ngược thượng nguồn sông Phó Đáy vượt qua đèo Chắn chạy qua một phía đầu đình.
Tháng 3/1945, dưới sự lãnh đạo của ****, trực tiếp là đồng chí Chu Quý Lương, nhân dân Kim Trận đứng lên khởi nghĩa vũ trang. Giành được chính quyền, nhân dân họp bàn và quyết định đổi tên, đồng bào lấy tên liệt sĩ Phạm Hồng Thái đặt tên xã mình, đình Kim Trận cũng mang tên Hồng Thái từ đó.