Đọc các bài viết của mợ từ đầu đến giờ em thấy mợ là kiểu phụ nữ khô khan, không khéo léo và hơi ích kỷ nữa. Tuy ở quê nhưng chắc được chiều và không quen để ý cách sống sao cho tinh tế, tâm lý.
Xác định lấy nhà con một thì dù chưa tìm hiểu kỹ (yêu 3 tháng đã cưới lo chạy tang cha), mợ 30 rồi thì phải biết suy luận:
Nhà người ta 1 mẹ 1 con, bao nhiêu tình cảm dành hết cho con trai và công sức sinh thành, nuôi dưỡng nên người đàn ông mợ lấy làm chồng. Bỗng đến một ngày sự quan tâm, chăm sóc dành cho cụ bà giờ bị san sẻ cho cô con dâu là mợ thì ít nhiều khi sống chung bà mẹ nào cũng tủi thân và trở nên hẹp hòi một chút.
Cái gì cũng có nhu cầu bề mặt và nhu cầu thực sự. Mợ phải tinh ý tìm hiểu nhu cầu mẹ chồng mợ thực sự là gì để có những hành động làm mợ ấm ức đến thế.
Nhu cầu của cụ bà nhà mợ em thấy dễ thấy bỏ xừ ra, chẳng cần mất thời gian tìm hiểu: Sự quan tâm!
Cụ muốn mình vẫn là nơi được con trai quan tâm, chăm sóc và bên con trai những lúc vui buồn, hạnh phúc hàng ngày.
Người già và trẻ con là một ấy mà mợ: luôn muốn được quan tâm, ưa tình cảm và thích được là trung tâm. Sau này em với mợ già đi rồi cũng thế thôi.
Phương cách để hoà hợp thì đơn giản lắm:
1) Đừng tự tạo ra những tình huống để mợ phải "chiến đấu" với mẹ chồng dù cho nhiều lúc ấm ức, bực mình. Gia đình chứ không phải chiến trường hay thương trường để mợ phải gồng mình như thế.
"Lời nói không bằng thái độ" - mợ chỉ viết bài thôi em đã hình dung nét mặt mợ "đanh" và "khó chịu" thế nào rồi chứ đừng nói mặt đối mặt khi "chiến đấu" với mẹ chồng. Cố gắng nhã nhặn ăn tiền mợ nhé!
Mẹ chồng mợ không thích ở nhà một mình khi 2 vợ chồng mợ đi chơi:
Nhớ mua quà gì đó mà chắc chắn cụ bà sẽ thích khi 2 vợ chồng đi chơi về: cái khăn len quàng, mũ len, áo khoác, etc.... và nói "con ra ngoài thấy cái này đẹp và chất liệu thích lắm. Con ngắm mẹ mặc sẽ rất đẹp blah blah". Đi đâu về cũng nghĩ đến cụ bằng những món quà nho nhỏ, không cần phải giá trị là được rồi.
Tránh tối đã những cử chỉ âu yếm và tình cảm (ngoài việc nắm tay) trước mặt mẹ chồng. Tốt nhất khi đủ 3 người hãy quan tâm mẹ chồng trước, bảo cả chồng cũng thế: gắp đồ ăn cho mẹ chồng, đi đâu 3 người thì nhắm mua đồ cho mẹ chồng trước, etc.
2) Thấy chồng không bảo vệ mình khi có việc ấm ức:
Thực hiện cách 1 (đừng có mà gồng mình, dựng tóc gáy cãi lại mẹ chồng hay bảo vệ quan điểm của mình ngay lúc đó, chỉ thiệt thân thôi).
Khi chỉ có 2 vợ chồng mợ nói với chồng:
Em thấy tủi thân quá chồng ạ, nhiều khi chỉ muốn tốt cho chồng mà bị mẹ mắng (tránh tối đa nhắc từ mẹ chồng trong gia đình mợ nhé - chẳng ông chồng hay bà mẹ chồng nào thích nghe từ đó đâu). Mình yêu nhau và cưới nhanh, em mới về nếu có gì chưa hiểu hết chồng phải chỉ bảo em để em hiểu mẹ hơn và hoà hợp nhanh hơn chứ cứ thế này em buồn lắm (khóc được thì tốt
) .
Thằng đàn ông nào cũng vậy, vợ cứ ngọt ngào, khéo léo thì dắt déo thế nào cũng được hết.
3) Xin lỗi mẹ chồng:
Mợ đọc hết các ý kiến đóng góp của các cụ mợ trong này và của em rồi cân nhắc có nên xin lỗi mẹ chồng không.
Nếu xin lỗi:
Con đã suy nghĩ kỹ và con thấy con còn non dại quá nên nhiều khi muốn tốt cho gia đình mà chưa làm đc trọn vẹn. Con xin lỗi mẹ đã làm mẹ phiền lòng. Con cũng đã hiểu gia đình cần nhất là sự hoà hợp và quan tâm lẫn nhau. Mẹ ơi, mẹ trước có chồng con quan tâm, chăm sóc, bây giờ lại có thêm con cũng muốn quan tâm, chăm sóc mẹ. Thế là mẹ được quan tâm gấp đôi nhé. Con mới về nhiều điều non nớt mong mẹ chỉ bảo thêm cho con ạ.
Cái này phải chân thành!
Mợ làm đc (1), (2) và (3) thì gia đình sẽ êm ấm và tiếng nói lẫn vị thế của mợ sẽ tốt hơn rất nhiều trong gia đình.
Cuộc sống còn rất dài và nhiều thử thách. Những gì mợ đang trải qua trong gia đình chẳng là gì cả, hãy hoà hợp và vị tha để gia đình là nơi ấm áp muốn về mợ nhé. "Cơm sôi bớt lửa biết đời nào khê" mợ nhỉ.
Chúc mẹ con mợ và gia đình ấm êm, hạnh phúc đón Tết xuân về!