- Biển số
- OF-146822
- Ngày cấp bằng
- 23/6/12
- Số km
- 24,380
- Động cơ
- 628,011 Mã lực
- Nơi ở
- Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tuần nay bọn lều báo cứ rầm rộ chuyện Bill Gates thưởng trà, đọc mà phát chán, phát xấu hổ... Nay đọc bài của mợ em mới giải toả được nỗi bực dọc trong mình vì bọn du lịch với lều báo làm cho văn hoá thưởng trà nó thành cái sự "thô tục".Lại nói về văn hoá trà, em chỉ xin phép chém ở đây kẻo vào thớt kia các cụ lại chưởi cho hehe. Mấy hôm gần đây báo chí đăng rôm rả chuyện bác tỉ phú Bin Gết cùng một ông nào í lên tận đỉnh Bàn Cờ nhắm trà. Xong rồi ca ngợi ổng là gìn giữ văn hoá trà, rồi cái giời cái biển gì ấy. Nhưng mà thực sự nhìn cái bộ bàn trà của ổng, Mị thấy thực sự đau buồn. Một thứ tạp nham tả pí lù nhặt nhạnh copy chỗ nọ chỗ kia mang về rồi đưa ông tỉ phú lên loè haizza.
Với những kiến thức được truyền đạt lại từ ông bà, và ông bà được thừa hưởng lại từ cụ kị tổ tiên thì bộ bàn ghế kia chỉ là bộ bàn ghế tiếp tả pí lù các loại khách đến nhà chứ không phải là bộ bàn ghế thưởng trà. Trước tiên, bộ bàn ghế thưởng trà phải là bộ bàn tròn, ghế có ngai tựa và có tay vịn riêng cho từng người. Ghế và bàn khảm trai hoặc khảm ngọc. Bởi tại sao phải là bộ bàn tròn và ghế riêng từng người? Là để tạo cảm giác thư thái, trang nhã, chậm rãi khi thưởng trà. Người ta không thể ngồi trên cái bàn dài ấy hai khuyủ tay chạm nhau và cái lưng cứng ngắc để thưởng trà và nói những câu chuyện ồn ào nông lâm thời vụ. Trà là thứ nước tiên mà trong khi người ta thưởng lãm, người ta sẽ tư duy tốt hơn, tâm hồn trầm lắng thư thái hơn, nghĩ sâu hơn, bình tâm hơn. Trà luôn đi đôi với trầm. Thiếu trầm thì trà mới chỉ là một nửa và ngược lại. Trong không gian se lạnh, trầm ấm, hướng thiền, người ta đốt lên một cây hương trầm hoặc một nụ trầm. Để cho hương trầm phảng phất bay, quyện với mùi trà thơm thanh tao tinh khiết. Đưa một chén nhỏ lên nhấp một ngụm, cảm nhận sự tinh tuý của đất trời. Của nắng, của gió, của sương, của mây bay lảng bảng, của hương đêm trên nương chè và cả của những tia nắng le lói đầu tiên trên những búp chè xanh ngắt tràn đầy sức sống còn đọng hơi sương.
Ngồi thưởng trà trên cái bộ bàn này không được gọi là thưởng trà mà gọi là uống trà. Thưởng trà là để mời khách quí và bạn bè thân thiết. Bản chất của việc mời trà của bác trong này là mời một ông bô lô ba la đến nhà nói dăm ba câu chuyện phiếm, câu chuyện xuồng sã chứ không phải mời đến để thưởng trà. Ngồi trên cái ghế này một lúc sau là cả chủ lẫn khách phải cho chân lên ghế mà gác chứ không thì đau lưng chết hihi.
Đã gọi là THIỀN TRÀ thì tất cả các đồ trên bàn trà phải mang tính thiền. Nhưng ở đây mình nhìn thấy tính lộ cộ của cái bàn trà. Một bộ bàn trà chuẩn chỉ là một chiếc bình sứ nhỏ đựng trà (trà được bảo quản riêng, chỉ khi nào uống người ta mới bỏ vào bình đựng để tránh bị mất hương). Một bộ ấm chén pha trà để làm sao người ta vừa thẩm hương trà, thẩm vị trà, thẩm cả mầu trà nữa. Một chiếc bếp nhỏ để chiếc ấm gọi là ấm tiếp trà nhỏ trên đó để tiếp nước vào trà. Chiếc bếp đồng để cái ấm nhỏ kia hoàn toàn đặt sai vị trí và thậm chí nó còn mang tính phàm tục lỗ mãng khi đặt nó trên bàn trà.
Ngày xưa khi bạn thân hoặc khách quí đến nhà, người ta sẽ mời khách vào gian thưởng trà. Đó là nơi kín đáo, ấm cúng nhưng thoáng đãng để gia chủ và bạn bè có thể ngồi đàm đạo, chuyện trò, hàn huyên, thư giãn. Đó là nơi gia chủ bày biện các cây bon sai, các đồ quí giá và ở đó bao giờ cũng có một hòn non bộ cổ kính rêu phong với ông lã vọng ngồi câu cá, vài con cá vàng, cá cờ nhỏ xíu bơi tung tăng, vài cánh bèo râu nổi lên trên chút bèo tấm xanh ngắt. Mấy cái cây bon sai cỡ nhỏ mọc dính lên hòn non bộ đứng im lìm tạo cảm giác trầm mặc.
Người hộ trà thường là gia nhân trong nhà hoặc phu nhân gia chủ sẽ chuẩn bị bộ đồ trà. Trầm sẽ được mang ra đầu tiên cho khách thưởng ngoạn. Hương trầm phảng phất thơm khiến câu chuyện đầm ấm và thân thiết hơn. Sau đó bếp trà được bưng ra le lói chút than hồng và được đặt trên một chiếc bàn phụ cạnh chủ nhà hoặc cạnh người khách có nhã ý muốn pha trà. Bao giờ cũng phải có hai khay. Một khay để chế trà và một khay để dâng trà. Nước đã nấu sôi ở bếp lớn sẽ được đổ vào ấm đun nước tiếp trà. Đợi sôi trên bếp trà lần nữa thì người hộ trà sẽ rót ra một chiếc bình nhỏ đợi hơi nguội để chút rửa trà. Rồi người hộ trà thong thả tráng nước sôi chiếc ấm trà, tráng từng chiến chén nhỏ xíu xinh xinh cho vào khay dâng trà. Khi thực hiện xong hết công đoạn trên rồi thì nước tráng trà lúc này đã hơi se, người ta mới cho trà vào chiếc ấm còn nóng sực rồi mới đổ nước tráng trà vào và cầm ấm quay một vòng để nước ngấm hết vào trà rồi nhanh tay rót nước tráng trà ra chiếc âu. Đặt ấm xuống lúc ấy mới cho nước trên ấm tiếp trà vào, đợi trà ngấm thì rót ra từng chiếc chén trong khay dâng trà, cung kính nâng từng chiếc chén lên mời chủ nhân trước, rồi mới mời đến khách, rồi cúi đầu chào, bưng khay chế trà có âu nước tráng trà trên tay rút lui. Chủ và khách mời nhau rồi nâng chén trà lên, hít một hơi dài làn hơi mỏng mảnh bay lên, nhìn vào chén nước trà xanh biếc như ngọc, trầm trồ trà thơm quá, nước xanh quá rồi mới đưa lên miệng nhấp một ngụm, giữ lại 1 giây trong miệng để vị trà đưa lên mũi, lên não rồi mới nuốt đến đâu thì vị trà toả lan đến đấy trong miệng.
Không ai để cái bếp trà lên bàn trà khi đang uống, nhất là đặt nó song song cạnh mặt người. Nó vừa tạo cảm giác căng thẳng cho người uống trà, vừa tạo cảm giác phàm tục, vừa che mất mặt người đối diện và làm chiếc bàn trở nên chật chội bừa bộn. Nhìn cái bàn trà đau đầu thế kia thì thiền sao nổi?
Em chưa có bàn tròn, nhưng em cứ mạo muội mời các cụ mợ thưởng trà online với em.
Chỉnh sửa cuối: