Quảng Bình Quan (mới phục chế lại) hiện đang ở trung tâm phường Hải Đình giữa bốn ngả đường: phía Tây là đường đi lên Đức Ninh, phía Đông là đường Mẹ Suốt đi xuống bến sông Nhật Lệ, phía Bắc là đường đi Hà Nội, phía Nam là đường đi Huế.
Quảng Bình Quan cũng có nhiều tên gọi. Người thì nói đó là cửa vào dinh Quảng Bình, người thì nói Cổng Bình Quan.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: ’’cửa quan dài hai trượng 1 thước, rộng hai trượng 5 thước; thành ngoài bảo vệ cửa quan dài 14 trượng 6 thước cao 3 thước, năm Minh Mệnh thứ (1826) xây gạch đá...’’
Trước Cách mạng tháng 8-1945, Quảng Bình Quan (phía đường Đức Ninh) còn có hào ngoài thành, có cầu gạch vòng qua hào và phía ngã ba giữa hai con đường Đức Ninh và Cầu Rào (ngày xưa thời chúa Nguyễn là đường thiên lý và đường thượng đạo) còn có một âm hồn trên một nghĩa địa lớn.
Quảng Bình Quan bị quân đội Pháp phá hủy khi họ rút khỏi Đồng Hới năm 1954, sau đó Nhà nước ta xây lại gần giống như cũ. Năm 1965, chiến tranh phá hoại, bị máy bay của Mỹ đánh tan. Hiện nay nhân dân thị xã Đồng Hới và Nhà nước đã phục chế lại. (Gần đúng như cũ).
Sự thật, trên chiều dài hơn 3.000 trượng, Luỹ Đâu Mâu - Nhật Lệ có ba cửa quan, nhưng sử cũ chỉ chép có hai. Ba cửa ấy là:
1. Cửa vào dinh Quảng Bình gọi là Quảng Bình Quan (dân gian gọi là Cổng Bình Quan).
2. Cửa Lý Chính Đại Quan Môn, Vua Minh Mạng đổi là Võ Thắng Quan, dân gian gọi là Cổng Thượng.
3. Cửa Thủ Ngự tại cửa biển Nhật Lệ (sử không chép nay cũng mất) ...
Nguồn:
https://dukhach.quangbinh.gov.vn/3cms/quang-binh-quan.htm