Cậu HDV nói đây là chữ viết theo cách cổ. Đối với em thì cổ hay mới em cũng đều nhìn như bức vách hết. Nhân nói chuyện chữ Hán, em lại kể hầu các bác một câu chuyện về cuộc bút đàm nổi tiếng giữa 2 chí sĩ của hai nước VN và TQ là cụ Phan Bội Châu và cụ Lương Khải Siêu.
Sau cuộc chính biến Mậu Tuất với vua Quang Tự không thành. Vua Quang Tự thì bị Từ Hy thái hậu giam ở Di hoà viên. Đàm Tự Đồng, Khang Quảng Nhân (em trai Khang Hữu Vi) và 4 người khác chạy không kịp nên bị Từ Hy đem chém. Người đời sau suy tôn là Lục Quân Tử
Còn Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu chạy thoát sang Nhật và ở nước ngoài đấu tranh cổ suý cho nền quân chủ lập hiến. Có nghĩa là vẫn bảo hoàng, chỉ thành lập nội các thôi.
Lúc cụ Phan Bội Châu nhà ta sang Nhật để vận động cho phong trào Đông Du, thấy tư tưởng của Lương Khải Siêu là Quân Chủ lập hiến. Giống với tư tưởng của mình, nên xin vào yết kiến
Khổ nỗi cái tiếng tàu nó phức tạp bcm. Cụ Phan có thể làm thơ, hò, vè, chém gió bằng chữ tiếng Hán. Nhưng không thể đọc được, vì viết như thế nhưng đọc lên theo hiểu Hán Việt nó khác xa với Hán Hán. Nên hai cụ không thể nói chuyện với nhau.
Có vẻ khó hiểu nên em ví dụ một chút. Như câu thơ nổi tiếng trong bài phú "Đằng Vương Các Tự" của Vương Bột thời Đường. Nếu viết ra bằng chữ Hán thì cả người VN (có học chữ Hán) và người TQ đều hiểu. Nhưng nếu đọc lên như thế này:
"Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thuỷ cộng tràng thiên nhất sắc" Nếu đọc như thế thì người TQ không hiểu gì. Thế nên cũng một cách viết nhưng đọc nó lại khác. Nên rất khó giao tiếp
Mà cũng lạ, chẳng hiểu sao hai cụ này chẳng học tiếng Pháp, tiếng Anh gì ráo, để trao đổi cho nó thuận tiện. Thành ra hai cụ phải chọn cách giao tiếp là bút đàm.
Hai cụ bút đàm từ sáng đến tối, các đệ tử chuẩn bị giấy. Cụ Phan muốn hỏi gì viết ra giấy, cụ Lương trả lời và bàn luận cũng viết ra giấy. Trong cuộc trao đổi, cụ Lương khuyên cụ Phan đừng trông chờ vào Nhật, hãy về nước nâng cao dân trí, và dân khí, đừng dùng bạo động (cái này tư tưởng cụ Lương giống như tư tưởng cụ Phan Chu Trinh). Và hơn ai hết chính vì chỉ nôn nóng dùng bạo lực nên trong chính biến Mậu Tuất cụ Lương đã chịu thất bại và đem thân vong quốc. Nhưng lúc này cụ Phan chắc đã giác ngộ được rằng
"Chỉ có con đường bạo lực cách mạng là con đường duy nhất đem đến thành công" . Nên cụ không nghe mà khẩn thiết nhờ cụ Lương giới thiệu cho gặp một số quan chức người Nhật. Khuyên không được nhưng cụ Lương cũng hết lòng giới thiệu cụ Phan gặp một số chính khách của Nhật. Và kết cục sau này như thế nào em và các bác đều biết
Sau này kể lại cụ Lương đánh giá rất cao cụ Phan, cụ khen chữ của cụ Phan rất đẹp như rồng bay vậy và cụ nói:
"Trong con người tiều tụy, khắc khổ này, có một đầu óc tuấn tú, nhìn qua là biết không phải người tầm thường"
Vậy đấy cũng chẳng xa, cách đây có hơn 100 năm mà hai nhà trí thức của hai nước đã phải dùng bút đàm để trao đổi. Chứ không như ngày nay, em và các bác cứ dùng google translate thuận tiện hơn nhiều. Đúng là công nghệ không chỉ thay đổi cuộc sống con người mà có khi còn thay đổi vận mệnh cả một dân tộc