Bữa cơm tối được dọn ra ngay bên cạnh chiếc xe cứu hộ, anh em uể oải vừa nhai vừa kể chuyện cứu hộ xen chuyện vắt cắn, thì ra chỉ những người ở bên dưới mới bị vắt cắn, càng gần suối càng nhiều vắt, nhiều đến mức không ai dám tắm dưới suối mà phải trèo lên đến lưng thác mới có thể yên tâm cởi đồ mà không sợ bị vắt “dòm ngó”.
Bắt xe tải 15 tấn leo vách đá dựng đứng (P2)
ANTĐ - Phương án cứu hộ là lật chiếc xe đứng dậy, bắt nó đi dọc lòng suối, vượt qua chân thác, leo lên một vách đá dựng đứng khoảng 20m
Lật úp chiếc xe tải ben, chuẩn bị cứu hộ
Cứu hộ dọc lòng suối
Anh Nguyễn Văn Quyết, một nhân viên trong đội cứu hộ kể tiếp: Nhóm chúng tôi có 5 người, 3 người xuống vực khảo sát, trong khi những người còn lại chuẩn bị cho công tác cứu hộ trên mặt đường. Mới leo xuống vực được vài mét thì cả mấy lính cứu hộ lần lượt kêu oai oái vì vắt cắn- nhiều kinh khủng, có con đã kịp luồn sâu vào đến mấy lớp quần áo. Vậy là chúng tôi vừa bám dây rừng tụt xuống vực vừa đảo mắt khắp người để tìm diệt vắt. Vực rất sâu và rất dốc, chúng tôi phải đi so le với nhau và đội mũ bảo hộ để phòng đất đá rơi từ trên cao xuống.
Tính từ điểm gần nhất trên mặt đường xuống đến nơi chiếc xe tải ben nằm khoảng 150m, nhưng do đường hẹp, xe cứu hộ đỗ sẽ cản trở giao thông nên đội cứu hộ 116 chọn phương án: Lật chiếc xe đứng dậy, bắt nó đi dọc lòng suối, vượt qua chân thác, leo lên một vách đá dựng đứng khoảng 20m sau đó tiếp tục đi hết nương ngô là đến gần mặt đường.
Theo tính toán, cần tới 4 đường cáp để lôi chiếc xe tải lâm nạn lên
Cần cẩu của chiếc "đại xa cứu hộ" nhìn từ dưới vực
Tổng cộng quãng đường này dài gần 200m, trong đó đoạn khó khăn nhất là đi dọc lòng suối và vượt vách đá dựng đứng. Theo tính toán cần 4 đường cáp từ chiếc “đại xa cứu hộ” buông xuống mới đủ lực cần thiết giúp chiếc xe tải vượt qua các chướng ngại trên.
Sau gần 2 giờ làm việc liên tục, 4 đường cáp từ xe cứu hộ đến chiếc xe tải ben đã thiết lập xong, tất cả 6 bánh của chiếc xe tải cũng đã được chỉnh sửa để đảm bảo có thể di chuyển được, riêng phần động cơ đã bị bung toàn bộ liên kết nên đội cứu hộ phải tốn khá nhiều thời gian xử lý.
Bắt chiếc xe đi dọc lòng suối, trèo qua những viên đá to như cái thúng
Ca-bin bẹp dúm dó của chiếc xe lâm nạn
Bắt đầu cứu hộ, chiếc xe được lật lại úp các bánh xuống đất, sau đó theo lực kéo của dây tời nó chật vật di chuyển trong lòng suối về phía chân thác nước, vượt qua những tảng đá cản đường to cỡ chiếc thúng. Khó khăn nhất là gần chân thác có một bậc đá kiểu hàm ếch cao độ hơn một mét là bắt buộc phải xử lý. Một đường cáp mới vòng qua puley từ điểm neo trên thác nước đã kéo nghếch đầu chiếc xe tải trèo qua được bậc đá, lúc này trời đã tối, hết ngày cứu hộ đầu tiên.
“Thạch sùng” bò vách đá 20m
bữa sáng là mì tôm đựng trong túi ni lông đặt ngay trên nền đất, dùng tạm mấy cành giang bẻ ngay bên cạnh làm đũa
“Sáng hôm sau, khi lũ chim rừng véo von cũng là lúc chúng tôi tiếp tục công việc của mình”- đội trưởng Nguyễn Anh Tuấn tiếp lời- “Chiếc xe tải ben lâm nạn lại chầm chậm bò từng bánh xe qua chân thác nước, đụng chân bức tường đá dựng đứng thì giờ mới thấy khó khăn. Không phải lực kéo không đủ mà những sợi dây cáp miết vào cạnh sắc phía trên bức tường đá sẽ làm nó bị hư hỏng. Chúng tôi xử lý bằng cách đập vỡ những chỗ đá có cạnh sắc, đặt puley đổi hướng kéo cáp cho chiếc xe đi vào chỗ thuận lợi nhất”.
Cả chiếc xe tải trọng 15 tấn bò dựng đứng trên vách đá như thạch sùng leo tường
Khi chiếc xe áp được cả dàn lốp vào vách đá thì lúc đó trông tựa như một con thạch sùng đang bò lên tường nhà. Đây là lúc căng thẳng nhất, biết nguy hiểm, tòa bộ đội cứu hộ lùi lại nấp sau các thân cây và căng mắt dõi theo các sợi cáp đang kêu “pừng pừng” mỗi khi nó cắt vỡ một mảng đá.
Nhân viên Hoàng Văn Tươi kể tiếp: “Cẩn thận quả là không thừa, khi chiếc xe bò lên đến lưng vách đá thì một trong các dây cáp chính bị đứt, chúng tôi chỉ nghe thấy một tiếng “pực” cộc lốc rồi thấy chiếc xe tải chao đảo, đồng thời trên đường vọng xuống tiếng hô “nằm xuống”, sau đó có tiếng rào rào của cây gãy và đất đá lăn ngược xuống vực. Kể thì lâu, nhưng thực tế mọi chuyện diễn ra trong nháy mắt. Hú hồn, phút nguy hiểm đã qua, không có thiệt hại gì ngoài sợi cáp đứt. Trong khi văng ngược lên phía trên, sợi cáp đứt đã tiện phăng đám cây cỏ thành một hành lang “sạch sẽ”, rộng đến 5m, dài mấy chục mét.
Việc cứu hộ tạm dừng một lúc để nối lại sợi cáp và xử lý gờ đá cho bớt sắc. Sau một giờ nữa, cuối cùng chiếc xe tải ben đã bò lên đỉnh bức tường đá, “một hiệp” đầy khó khăn đã qua nhưng phía trước vẫn còn những thử thách đón đợi.
Mở đường vượt nương ngô
Đoạn đường tiếp theo là một con dốc, độ dốc cao đến mức leo bộ rất khó khăn, trên đoạn này tuy không có đá nhưng có nhiều gốc cây cụt to cỡ một người ôm và vài cây rừng cổ thụ khác, buộc đội cứu hộ phải kéo xe lách theo kiểu zick zack.
Công việc còn lại của ngày thứ 3 chỉ còn 100m đường xuyên qua một nương ngô của người dân tộc, cũng may mùa này bà con chưa trồng ngô, đoạn này đường dài, vẫn dốc cao nhưng không có chướng ngại nên công việc thuận lợi. Chiếc xe tải ngoan ngoãn bò lên đều đều bằng với tốc độ của… rùa. Đến gần trưa thì chiếc xe tải đã lên đến mặt đường, công việc còn lại không phức tạp nữa, đội cứu hộ 116 thực hiện các thao tác cuối cùng để đảm bảo cho chiếc xe tải theo sau xe cứu hộ về đến Điện Biên là xong nhiệm vụ.
Đến đây thì cưa máy được sử dụng để đốn hạ các gốc cây to cản đường. Đoạn dốc này tuy không dài nhưng nhiều chướng ngại làm chúng tôi xử lý đến tối mới xong.
An Huy