Sau 8 vòng đàm phán, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã chính thức được ký kết ngày 5/5. Seoul và Hà Nội nhất trí mở cửa thị trường ở mức 94,6% và 92,2% cho nhau theo kim ngạch nhập khẩu của năm 2012. Trong đó, có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...
Về phía Việt Nam, một số mặt hàng sẽ được cắt giảm thuế, chủ yếu ở các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng.
Các DN ô tô cho biết, tuy các mẫu xe động cơ nhỏ không thuộc diện giảm thuế, nhưng thuế linh kiện ô tô nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm nên các mẫu xe lắp ráp tại Việt Nam sẽ giảm giá.
Lượng ô tô nhập khẩu từ Hàn Quốc năm 2014 là 6.050 chiếc, tăng gần 63%.
Hiện thuế nhập khẩu bộ linh kiện ô tô từ Hàn Quốc về Việt Nam ở mức bình quân từ 14-20%. Mức thuế này, theo lộ trình cắt giảm, sẽ còn 0-5%, giúp tiết kiệm hơn chi phí sản xuất. Nhờ đó, người dân Việt Nam có thể hy vọng giá xe Hàn sẽ giảm đáng kể, tăng khả năng cạnh tranh với xe nhập từ ASEAN.
Chưa cần giảm thuế, từ lâu, xe Hàn đã thường xuyên đứng đầu trong danh sách các thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, quý I/2015, lượng ô tô nhập khẩu từ Hàn Quốc dẫn đầu với 6.050 chiếc trong tổng số 25.200 chiếc, tăng gần 63%. Đấy là chưa kể, số lượng gần 5.000 xe Hyundai i10 thương hiệu Hàn Quốc nhưng được sản xuất tại Ấn Độ, xuất sang Việt Nam.
Xe Hàn được người Việt ưa chuộng bởi có thiết kế ngoại thất hiện đại, trẻ trung, tích hợp nhiều tính năng thời thượng nhưng lại có giá rất cạnh tranh so với xe Nhật, xe Mỹ,... Nói theo cách người tiêu dùng là "trả ít hơn, dùng nhiều hơn". Việt Nam hiện là thị trường ô tô lớn nhất của Hàn Quốc tại khu vực Đông Nam Á.
Tại Việt Nam có nhiều mẫu xe Hàn thuộc các thương hiệu Hyundai, Kia đang tiêu thụ mạnh. Chẳng hạn như mẫu Hyundai i10 cho dù nhập khẩu nguyên chiếc từ Ấn Độ với mức thuế suất thuế nhập khẩu gần 70%, nhưng trong năm 2014 đã tiêu thụ tới 14.000 chiếc và là mẫu xe bán chạy nhất năm ngoái.
Một loạt mẫu xe Hàn Quốc khác lắp ráp tại Việt Nam như Kia Morning, Kia New Sorento, Hyundai Santa Fe... cũng sẽ giảm giá.
Tiếp theo là Kia Morning cũng bán khá tốt với gần 10.000 chiếc. Xe này được lắp ráp tại Việt Nam với 7 phiên bản và bản số sàn, sử dụng động cơ 1.0L, có mức giá 324 triệu đồng, là mẫu xe có giá rẻ nhất tại Việt Nam.
Các tính toán cho thấy, khi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện giảm về 0-5%, giá xe Hàn có thể giảm thêm khoảng 7%. Nhờ đó, một loạt mẫu xe Hàn Quốc khác được lắp ráp tại Việt Nam như Kia Morning, Kia New Sorento, Hyundai Santa Fe,... cũng sẽ được hưởng lợi, giá giảm.
Một số nguồn tin cho biết, thời gian tới, có thể mẫu Hyundai i10 cũng sẽ được tiến hành lắp ráp tại Việt Nam. Thuế nhập khẩu linh kiện giảm thì giá mẫu xe này cũng sẽ rẻ hơn khi nhập nguyên chiếc từ Ấn Độ.
Bên cạnh đó, xe tải Hàn Quốc cũng có cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam nhiều hơn. Ngoài linh kiện nhập về lắp ráp, xe tải nguyên chiếc còn được giảm thuế.
Xe tải Hàn Quốc được cho là có chất lượng tốt, nhưng giá cao, chưa phù hợp. Các khách hàng Việt Nam vẫn thích sử dụng xe tải Trung Quốc hơn do giá bán chỉ bằng 2/3 so với xe Hàn, khấu hao nhanh. Nhưng xe tải Trung Quốc lại có chất lượng thấp, nhiều xe không đạt tiêu chuẩn quy định, gây nguy hiểm nên đang bị siết chặt. Các loại xe tải Hàn Quốc được giảm thuế là những xe có tải trọng từ 15 tấn trở lên, nếu giảm giá chắc chắn sẽ cạnh tranh mạnh với xe Tàu.
Theo Trần Thủy/Vietnamnet