BÃO
Victor Hugo nói :‘’Thường thường đám đông phản bội dân tộc’’ ( Souvent la foule trahit le peuple ).
Đám đông ‘’ đi bão ‘’ đá banh là một thí dụ điển hình. Đáng lẽ thể thao là một trò chơi lành mạnh, chiến thắng thể thao là một ngày hội, đám đông đã biến thành một cuộc thảm sát, máu đổ thịt rơi.
Đáng lẽ chiến thắng là một cơ hội để lấy lại đôi chút niềm tin cho một dân tộc không quá khứ, tương lai mờ mịt, hiện tại tối đen, cho một thế hệ trẻ bơ vơ, không hoài bão, không lý tưởng, đám đông đã cho thấy một xã hội bệnh hoạn.
Hàng chục người chết vì một chiến thắng không có gì là vĩ đại, ghê gớm. Đọc báo Tây Phương, không thấy một dòng về AFF, trong khi báo chí thể thao loan tin những trận giao hữu giữa các tỉnh lẻ ở Phi Châu hay Nam Mỹ.
Giải túc cầu AFF là một sản phẩm của hãng bia Singapour để quảng cáo cho bia Tiger, gọi là Asian Tiger Cup, sau này trở thành AFF Suzuki Cup, để bán xe Suzuki.
Từ 1996, các nước khác đã thay nhau đoạt giải này, có nước 3,4,5 lần, không có một người chết. Bởi vì một xứ có đôi chút văn minh coi sinh mạng con người quý hơn một trận đá banh.
Ngạn ngữ, hình như Ba Lan, nói : một dân tộc không tâm hồn chỉ là một đám đông cuồng loạn. Một nhà văn , không nhớ tên, viết : ‘’đám đông có rất nhiều đầu, nhưng không có một chút não ‘’ ( la foule a beaucoup de tête, et pas de cervelle ), một nhà văn khác : ‘’ đám đông là một con vật sơ khai, chỉ có bản năng, không có một mảy may suy nghĩ ‘’ ( la foule est la bête élémentaire dont l’instinct est partout, la pensée nulle part ).
Hàng chục người chết cho một trái banh: một đại tang thảm khốc, ở một quốc gia bình thường, chắc chắn đã làm chấn động dư luận, rung chuyển xã hội. Nhưng ở VN, nhà nước và các cơ quan tuyên truyền coi như một tiểu tiết không đáng kể.
Điều quan trọng là khua chuông gõ mõ, đánh trống thổi kèn, làm rùm beng một chiến thắng không lấy gì là long trời lở đất, với mục đích để dân quên Thủ Thiêm, quên Formosa, quên biển đảo. '' Trời hành cơn lụt mỗi năm '' chưa đủ, còn phải tạo bão người để giết nhau. Vậy mà vẫn có những người khuyên không nên đem ‘’ chính trị ‘’ vào thể thao. Quên rằng những kẻ lợi dụng cái nhẹ dạ điên rồ của đám đông là những người đầu tiên đã đem chính trị, ‘’ chính trị ‘’ hiểu theo nghĩa tồi bại nhất, vào thể thao.
Có thể giải thích những ‘’ cơn bão ‘’ túc cầu bằng cái trống rỗng của một thế hệ trẻ, không có gì để giải khuây, để tiêu pha năng lực, trong một xã hội bế tắc, ứ đọng, có một ngày vui, có vạn ngày buồn. Một cách trấn an mình chưa phải là nô lệ, một ảo tưởng cho mình còn đôi chút tự do.
Những người trẻ, đáng tội nghiệp hơn là đáng đả kích, bởi vì dù sao cũng chỉ là nạn nhân của chính sách ngu dân, đêm trước cuồng loạn đi bão, hôm sau xếp hàng đi làm cu li ở những nước láng giềng, đáng lẽ nghèo khổ hơn mình, sẽ chua chát thấy rằng một cái giải bóng tròn không thay đổi cái nhìn nghi kỵ, nếu không muốn dùng chữ tệ hơn, của thiên hạ, đối với người dân một chế độ coi sự xảo trá là phương châm xử thế, lừa lọc là nhân sinh quan.
Muốn người ta trọng mình đôi chút, chưa nói tới chuyện đứng đầu thiên hạ, phải nghĩ tới những ưu tiên khác. Khởi đầu là tư cách. Tư cách cá nhân và tư cách cộng đồng. Vui đuợc thì cứ vui, nhưng đừng quên bóng tròn chỉ là một trò chơi.
Tại sao nhà nước không làm gì để ngăn chặn những cảnh man rợ, những thảm kịch của cơn bão ?. Bởi vì tất cả những cái đó củng cố cho chế độ toàn trị. Dân càng mê say những chuyện tào lao, phó mặc chuyện nước cho tập đoàn cầm quyền, chế độ càng vững.
Chuyện đó không mới lạ gì. Franz Liszt đã cảnh cáo từ đầu thế kỷ 19: ‘’ La foule est la mère des tyrans ‘’. Đám đông là mẹ đẻ của bạo chúa .
( tuthuc-paris-blog.com )