Lời thật người trong tâm lũ về bánh chưng cứu trợ
Đất Việt24/10/20 07:42 GMT+7
58
Người dân thật sự cần quần áo, sách vở, đồ ăn khô còn bánh chưng dễ hỏng, đường vận chuyển trắc trở khi tới tay người dân thì khó dùng được.
Người dân vùng lũ cần gì nhất?
Ngày 23/10/2020, trao đổi với Đất Việt, bà Hồ Thị Thu Nhường - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Hướng Hóa - Quảng Trị cho biết, trong những ngày qua có nhiều đoàn từ thiện đến địa phương phát đồ cứu trợ cho người dân vùng lũ.
"Đây là lòng hảo tâm của đồng bào nên mọi tấm lòng đều rất đáng quý. Các đoàn từ thiện mang theo nhiều đồ cứu trợ phát cho người dân, trong những ngày vừa qua có cả bánh chưng. Hội cũng nhận được một số quà từ thiện bánh chưng nhưng vẫn còn đang tập kết tại trụ sở của hội từ ngày hôm trước" - bà Nhường cho hay.
Theo bà Nhường, đặc điểm địa hình huyện Hướng Hóa là đồi núi, khi có lũ xảy ra nhiều tuyến đường bị sạt nở, việc tiếp cận địa bàn hết sức khó khăn. Có những nơi, phải mất nhiều ngày liền mới có thể vào đường.
Những chiếc bánh thiu bị vứt bỏ ở vệ đường (Ảnh TN).
"
Khi đi phát lương thực, thực phẩm trong những vùng này thì đồ ăn chín nhưng bánh chưng không hợp bởi có thể khi tới tay người dân thì bánh đã bị hỏng. Lô bánh chưng mà Hội nhận được chưa kiểm tra nên chưa rõ có hỏng hay không, đến mai trước khi đi phát kiểm tra kỹ lại thì mới biết được. Còn nhiều đơn vị phát có nói chuyện lại với tôi bánh chưng từ thiện bị hỏng rất nhiều" - bà Hường chia sẻ.
Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Hướng Hóa thành thật tâm sự: "Người dân vùng lũ rất khó khăn, khi thiên tai xảy ra luôn cần sự vào cuộc hỗ trợ từ đồng bào trên cả nước. Sau khi lũ rút, người dân cần nhất là quần áo, sách vở cho học sinh, các loại thuốc chữa các bệnh thiết yếu như cảm sốt, tiêu chảy, gạo và đồ ăn khô".
Thông qua báo Đất Việt, bà Nhường bày tỏ sự cảm ơn tới những người có lòng tốt cứu trợ người dân vùng lũ.
Tuy nhiên, bà Nhường cũng mong muốn mọi người lưu ý, nghiên cứu xem người dân vùng lũ thiết thực cần gì trong lúc này để món quà cứu trợ càng tăng thêm phần ý nghĩa, tránh trường hợp "không nhận cũng phản cảm mà nhận thì chẳng biết dùng vào việc gì hay không còn dùng được nữa".
Của cho không bằng cách cho!
Một điều khác mà Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Hướng Hóa cũng mong muốn người đến địa bàn làm từ thiện là cần nghiên cứu kỹ cách từ thiện, phát quà cho người dân.
"Từ trước đến nay, mỗi khi có lũ lụt xảy ra, các đoàn từ thiện đến địa phương cứu trợ không ít. Nhưng đều xảy ra một tình trạng chung là có người dân nhận được rất nhiều đồ hỗ trợ nhưng cũng có người lại chẳng nhận được phần hỗ trợ nào hoặc đồ cứu trợ được đoàn từ thiện phát đến tay không đúng đối tượng, người không thực sự cần thì lại nhận được" - bà Nhường nói.
Nhóm trao quà ném thùng mì tôm cho người dân.
Bà Nhường cho hay, nguyên nhân này bắt nguồn từ việc cứu trợ tự phát của các đoàn. Khi thấy người dân vùng lũ gặp khó khăn thì tới địa phương làm từ thiện mà không thông qua các tổ chức đoàn, hội hay quản lý cơ sở. Có thể, những cấp này không trực tiếp cùng đoàn cứu trợ đó đi phát cho người dân được nhưng sẽ cập nhật danh sách, thông tin để đoàn cứu trợ phát quà tới tay đối tượng thực sự cần.
Bên cạnh đó, việc phát quà cứu trợ bà con vùng lũ là một hình ảnh đẹp, thể hiện tính nhân văn, truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc nhưng một số trường hợp lại đang gây phản cảm, làm méo đi hình ảnh tốt đẹp đó khi cách cho không hợp lý.
Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Hướng Hóa ví dụ có những đoàn cứu trợ tự thuê phương tiện di chuyển trên nước lũ, đúng trên thuyền ném quà từ thiện cho người dân. Có phần quà thì được "ném" tới tay người dân, có phần quà thì "ném" giữa dòng nước buộc người dân phải bơi ra nhận.
"Điều này rất nguy hiểm, người dân bơi ra dòng nước lũ nhận quà như thế có thể bị cuốn đi bất cứ lúc nào. Khi ấy, mình cứu họ nhưng thực chất là đang đưa họ vào tình huống nguy hiểm. Vì vậy, tôi hy vọng các đoàn cứu trợ hãy lưu ý nhiều hơn. Biết rằng, việc cứu trợ là điều tốt, trân quý nhưng sẽ càng trân quý hơn nếu cứu trợ đúng cách và thực hiện tận tình nhất" - bà Nhường bày tỏ.