Phản ứng của đại chúng là hợp lý
Ở phía nhà quản lý, rõ ràng truyền thông của họ đã không đến tai người dân và nếu có thì cũng không làm sao khiến quần chúng tin rằng sự thay đổi là hợp lý. Bằng chứng là nhiều cây bị chặt hạ vẫn còn xanh tươi tỏa bóng mát ngoài đời và trong cả tâm trí người dân, trong khi còn rất nhiều những con đường vắng bóng cây chưa được ngó ngàng đến. Phải chăng là thay thế cây ở phố lớn, chặt hạ những cây to thì có nhiều thứ hấp dẫn hơn là trồng ở những phố tầm thường?
Ngay cả việc cây bị sâu bệnh hoặc dễ bị đổ do mưa bão, lý do thay thế cũng tù mù như khả năng chịu được thời tiết Hà Nội tốt hơn của các cây mới. Xét cho cùng, các cây thay thế cũng là cây bản địa đã được nghiên cứu về sinh học như những cây cũ. Vậy tại sao phải mất ngần ấy năm mới thấy những cây như vàng tâm là tốt hơn sấu, phượng, những cây rất quen thuộc cả thế kỷ qua ở Hà Nội? Cả một đoạn phố Trần Hưng Đạo, Trần Phú hay Phan Đình Phùng tuyền cây sấu vẫn nguyên vẹn qua thế kỷ, hay phố Hoàng Diệu với cả trăm cây xà cừ to lớn đứng vững chãi, cho dù chính loại cây này đổ nhiều ở các phố khác trong mỗi mùa mưa bão. Tất cả là do sự yếu kém của quy hoạch, cả về phần ngầm lẫn nổi, ở những tuyến phố chật chội, chiều cao nhà cửa lấn chiếm mất không gian của tán cây và móng nhà chiếm khoảng đất sống của rễ cây.
Cũng không phải lần đầu tiên các không gian công cộng bị can thiệp gặp sự phản ứng của đại chúng nhưng cây xanh dường như là một thành tố nhạy cảm của đô thị khi người ta ngày càng nhận ra cái giá đắt của đô thị hóa thiếu quy hoạch. Tình trạng mập mờ thông tin quy hoạch đã nuôi sự bất an của người dân, cho đến lúc thứ lộ ra rõ mồn một là những hàng cây ngã xuống, đã khiến họ không chấp nhận được việc mình chỉ là người thụ hưởng thứ cấp - mà trên thực tế cũng rất dễ là nạn nhân của lối quy hoạch từ trên xuống. Nếu trước đây, người Hà Nội chỉ biết so sánh thành phố mình với những đô thị vệ tinh hoặc cùng lắm là Sài Gòn thì giờ đây, họ có cả thế giới thông tin để tham khảo. Nhưng liệu từ “bài học cây xanh” này, có thể có những câu chuyện nào về 6.700 ngôi nhà cần bảo tồn hay 6.700 điểm úng ngập cần xóa bỏ? Đã đến lúc minh họa cho các đường phố không chỉ là những đường ngang dọc mà còn có số phận của cây xanh lâu đời, của công trình kiến trúc... Điều này cũng ứng với phương diện xã hội, mỗi cá thể được chăm sóc hợp nên một đô thị hài hòa.
Theo nld.com.vn