Chào các cụ. Sau một thời gian tàu ngầm trong thớt em lại nổi lên.
![big green :D :D](/styles/yahoo/4.gif)
Chắc sẽ có cụ còn nhớ đợt Tết em từng tuyên bố là em sẽ tránh không đưa ra nhận định gì về sư Minh Tuệ, vì có viết gì thì cũng để thỏa mãn cái tôi đúng mà thôi. Nhưng thứ nhất, em vẫn là người thường chưa xả hết cái tôi được các cụ ạ
![big green :D :D](/styles/yahoo/4.gif)
thứ hai em cũng muốn đưa ra một nhận định mang tính kết thúc, để khép lại sự theo dõi bấy lâu nay của mình với đoàn bộ hành.
Khi mới biết đến sư MT, em kính phục khả năng giữ giới và thực hành hạnh đầu đà rất nghiêm mật của sư (không giữ tiền bạc, chỉ ăn một bữa chay, không ở nơi nào cố định v.v...) Khác với một vài cụ trên này chỉ coi đó là biểu hiện của sức khỏe phi thường và kham nhẫn, em tin rằng giữ giới miên mật thì sẽ có cảm ứng đến "chư thiên" và được chính chư thiên hỗ trợ lại trong quá trình giữ giới, hành thiền, vì thế mới có thể ngủ ngồi và đi liên tục trong mưa nắng. Tức là em coi chính việc làm được những sự phi thường đó là biểu hiện của sự tu tập cực kỳ tinh tấn, một lòng hướng Phật chứ không chỉ là năng lực của một vận động viên siêu hạng.
Câu hỏi tiếp theo là từ sự giữ giới đó có thể tiến lên các bước tiếp theo được không. Bạn em nói rằng nhờ giữ giới mà sư có một cơ sở cực kỳ tốt đẹp để vào sâu các tầng thiền định, rồi quán để khai mở trí tuệ. Điều này trước kia em chưa hề nghĩ đến, cứ nghĩ học thiền thì nhảy vào ngồi thiền thôi. Nhờ có sư MT, em mới biết rằng giữ giới sẽ giúp thiền được tốt hơn, cụ thể là nó giúp xả bỏ tham dục, nhờ đó tâm được tịnh và dễ thiền hơn. Giữ giới cũng giúp tránh tạo ra những nghiệp ác mà có thể "trổ quả" ngăn cản quá trình thiền định của chúng ta. Tóm lại về mặt này sư MT có thể coi như người thầy đã nhắc nhở em về sự cần thiết phải giữ nền tảng đạo đức nếu như muốn đạt một thành tựu gì đó cao hơn về mặt tinh thần. Và em vẫn cảm ơn sư về điều đó.
Khi sư MT bắt đầu chuyến bộ hành đến Ấn Độ, em - mặc dù có chút băn khoăn là sư đi vèo vèo thế này thì thời gian thiền ở chỗ nào, nếu thiền hành thì phải đi chậm và quan sát chuyển động của mình chứ - nhưng em vẫn tin và mong là sư có thể tu tập cách nào đó trong quá trình đi để rồi ngày càng tinh tấn hơn trước. Đến Ấn, Thái đàm đạo với các bậc cao tăng nữa thì càng hay. Sự mong muốn ấy giống như chúng ta mong nhìn thấy một vận động viên của VN được huy chương vàng Olympic rồi lá cờ VN được kéo lên vậy.
![happy :) :)](/styles/yahoo/1.gif)
Em nghĩ đây cũng là mong muốn của rất nhiều tình nguyện viên, của cả anh Báu, bất kể họ có thêm toan tính gì riêng cho mình chăng nữa.
Tiếc là trong vấn đề này thì bạn em nhìn rõ hơn em. Bạn ấy nói thẳng là sư chưa khai mở tuệ được - "xem những video sư trả lời phỏng vấn thì biết". Một người quen khác nói rằng "sư tu tập giữ giới thế rất tốt, nhưng giá mà được gặp những cao tăng chỉ dạy thêm về phương pháp thiền này nọ (ý là về lý thuyết) thì sẽ tăng tiến cực nhanh". Có nghĩa là
giữ giới, giữ hạnh đầu đà chỉ là một phần của việc tu học thôi. Điều này một cụ nào đấy chê bai sư Minh Tuệ từng nhắc đến (cụ ấy viết ba bốn trang dài như cái sớ ấy, chắc một số cụ còn nhớ)
![laughing :)) :))](/styles/yahoo/21.gif)
Và khi tóm tắt lại bài của cụ ấy cho dễ đọc, em cũng nói đây là một ý cần xem xét. Nói vậy nhưng em vẫn ngầm hy vọng là sư MT có thể tăng trưởng đạo hạnh trong khi tu theo kiểu này.
Cái em không nghĩ đến là mình đã quá đề cao sức mạnh của hạnh tu đầu đà mà không thấy tham sân có gốc rễ sâu như thế nào. Việc đi khất thực đúng là để xả bỏ tham sân, xả bỏ cái tôi, nhưng đó là cái tôi thấp. Tức là mình chấp nhận mình ở vị thế hèn kém hơn, nghèo đói hơn người khác, có thể bị họ chửi mắng, đánh đập. Nhưng còn một cái tôi ở bậc cao nữa, cái tôi khi đã được nổi tiếng, được cả trăm ngàn người quỳ lạy, xưng tụng. Cái Danh. Từ cái ngôi cao đó mà luôn giữ cho tâm được khiêm tốn giống như thuở xưa khi mình còn nghèo hèn là cực khó. Ông Mạnh Tử có một câu rất nổi tiếng: "
Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" - và chính các cụ nhà Nho ngày xưa đã phải thừa nhận rằng vế "phú quý" là khó giữ nhất. Nghèo hèn mà không thay đổi khí tiết - nhiều người có thể làm được; không khuất phục trước cường quyền - một số người có thể làm được. Nhưng lên ngôi cao quý rồi mà vẫn biết giữ phép tắc, chịu kiểm soát hành vi của mình - rất ít người có thể làm được.
Em không nói rằng sư Minh Tuệ phạm lỗi gì quá nặng nề. Nhưng rõ ràng qua những sự việc xảy ra, tâm của sư đã không còn thanh tịnh nữa, sự tính toán đã bắt đầu len lỏi vào trong ngóc ngách của suy nghĩ. Nói như bạn em một cách ngắn gọn, "sư Minh Tuệ
càng ngày càng đời". Trước em cứ nghĩ là sư tu như vậy sẽ xả bỏ rất mạnh tham sân, và xả như vậy thì sẽ không còn sợ gì nữa cơ. Chết còn chẳng sợ nữa mà. Nhưng hóa ra sư vẫn còn bị ám ảnh bởi nỗi sợ "sống nhưng bị bắt ngồi một chỗ không được di chuyển". Em cũng không rõ nỗi sợ đó bắt nguồn từ
tâm tham tu đạo theo đúng hạnh nguyện (đầu đà) hay là từ thói quen
thích xê dịch của sư nữa. Dù gì thì gì, nó đã trở thành một sự
bám chấp và là lý do chính khiến sư nổi sân lên với anh Báu (sợ ko có visa đi tiếp, bị trục xuất về VN). Một bằng chứng nữa của tâm không tịnh, đấy là khi nổi sân lên rồi thì không
bỏ xuống được. Một người tu hành tốt sẽ ném bỏ cái đã qua như vứt tảng đá để qua sông đến bến bờ khác, chứ không mang nó theo để nó trở thành gánh nặng trong tâm mình. Còn ở đây thì sư cứ đay đi đay lại việc anh Báu khiến chính nhiều cụ mợ trong này cũng thấy ngạc nhiên.
![big green :D :D](/styles/yahoo/4.gif)
Chẳng còn "nếu ai làm điều xấu với con thì con cũng chân thành cầu mong cho họ được tốt đẹp nữa", chẳng còn ý thức "luyến ái sinh sầu đau" nữa. Luyến ái ở đây bao gồm cả việc bám vào những suy nghĩ, sự việc đã qua.
Còn một vài biểu hiện có thể quy về tham hoặc ngã mạn nhưng em không theo dõi nhiều nên tránh không kết luận. Tóm lại, sư Minh Tuệ có điểm hay để cho em kính nể nhưng vẫn chưa hoàn thiện, còn phải tu học nhiều. Thậm chí nếu không bớt bớt chuyện đời đi mà cứ thế này thì còn giảm đạo hạnh chứ đừng nói là tăng. Về chuyện đi ở, em mong cho sư đi tiếp được đến Nepal và Ấn Độ chứ không bị trả về Việt Nam. Nếu về lúc này thì đám YTB chỉ có hại sư thôi. Em mong nhất là sư chịu khó học tập, đàm đạo thêm với chư tăng các nước, tìm hiểu các dòng thiền (phải học thêm ngoại ngữ), từ đó củng cố những mặt chưa mạnh của mình. Sẵn sàng tìm đến một trú xứ nào đó để sống và làm việc với các vị tăng khác, không cần lâu, nhưng đừng có đi chỉ để đi như thế này mãi. Theo em hiểu hạnh tu đầu đà "không được ở thường xuyên một chỗ" để tránh luyến ái chứ không phải là ngày nào cũng đi, đi suốt cả ngày. Hy vọng thử thách hiện giờ chỉ là một... thử thách mà sư cuối cùng sẽ vượt qua, lại tinh tấn trên con đường tu tập.