Khi nghe bài hát "Độ Ta Không Độ Nàng", mình có vài suy nghĩ như sau. (Đây là ý kiến cá nhân, mọi người đọc cho vui thôi nhé)
1. Bài hát được xuất phát từ Trung Quốc, một đất nước độc tài. Một đất nước đang ở trong chế độ độc tài luôn tìm cách kìm hãm tôn giáo, thứ nhất, họ theo chủ nghĩa duy vật, không có linh hồn, nên tất cả những thứ về tâm linh họ luôn phủ nhận. Thứ hai, họ luôn muốn kiểm soát con người và tổ chức, nếu tôn giáo quá phát triển, họ sẽ mất đi sự kiểm soát đó.
Hầu hết những bộ phim về Phật Giáo xuất phát từ Trung Quốc không nói lên được hình ảnh một người tu có nhiều bình an và giải thoát, hầu hết chỉ là hình ảnh các hoà thượng rất nhiều sân hận, tranh giành, đấu đá nhau, thậm chí là phá giới nữa, có thể họ đang muốn nhồi sọ vào người dân một hình ảnh về người tu như vậy.
Chuyện này không có ở các nước có Phật Giáo là Quốc Giáo như Thái Lan hay Myanma, trên đất nước Thái Lan hay Myanma, ở đó hầu hết hình ảnh người tu là một Tăng đoàn sống giản dị, hoà hợp, bình an, chánh niệm và tự do.
2. Về phần nội dung, Đạo Phật là một con đường Giác Ngộ, con đường chuyển hoá tâm bất thiện để đạt được hạnh phúc chân thật. Trong Đạo Phật, Đức Phật mang ý nghĩa là người dẫn đường, Ngài cho chúng ta những phương pháp và chính chúng ta phải thực hành theo, người theo Đạo Phật phải ý thức về khổ đau khi sống trong sự kiểm soát của tâm bất thiện và nhận thức sai lầm rồi từ đó có ước muốn thoát những tâm bất thiện hay nghiệp xấu đó (cái này là duyên, điều kiện cần thiết).
Tất cả mọi người muốn đi trên con đường đó thì cần có niềm tin, rồi thực hành và chứng ngộ với chính nội tâm của mình. Ý nghĩa cứu độ là như vậy, còn những ai chưa ý thức được điều đó thì chúng ta phải chờ đến lúc nào đó họ tự kinh nghiệm, nhận ra và đi trên con đường đó, chẳng có ai có thể làm thay ai cả. Nếu có thể làm, với tình thương vô biên của Đức Phật, tất cả chúng ta có lẽ đã giác ngộ hết rồi.
3. Thời nào cũng có Thánh Tăng và Phàm Tăng, những người tu chân chính có rất nhiều, tại sao cứ phải đưa những hình ảnh người tu còn tâm thế tục ra và gieo vào nhận thức con người, đó cũng là si mê vậy. Tình cảm ai cũng có, nhưng tình thương trong Đạo Phật nếu có đủ Từ Bi Hỷ Xả thì người thương lẫn người được thương đều có hạnh phúc, còn tình thương mà vẫn còn nhiều tâm bất thiện, thì tình thương đó luôn có sự chiếm hữu và sẽ đem lại nhiều hệ lụy và sầu đau. Đó cũng là tình thương của kẻ si mê vậy.
4. Ngày xưa Thái Tử Tất Đạt Đa cũng rời bỏ nàng Da Du Đà La đi tu và Giác Ngộ, sau đó quay về và giúp Nàng cũng trở thành người Giác Ngộ như Ngài, chính vì mình còn si mê nên cần phải cứu mình, rồi mới cứu người khác, cũng như mình chưa biết bơi mới phải học bơi và sau này có thể cứu người đang chết đuối. Chẳng lẽ bỏ không học bơi vì cảm thấy mình chưa thể cứu được người chết đuối?, và chưa biết bơi, nếu có nhảy xuống thì cũng chết cả đôi mà thôi.
Cái nhận thức của người trong bài hát đó chứa nhiều si mê, mình không muốn chê trách họ vì hầu hết con người đều như vậy. Nhưng nó chỉ tạo ra sự thích thú với những con người còn quá nhiều tâm luyến ái, nó tác động đúng cái họ đang khao khát và ấp ủ. Nhưng nếu đã là si mê thì không cần phải làm theo nó, hãy để nó qua một bên và tiếp tục đi trên con đường của chính mình.
...
Và mình cũng muốn chỉnh sửa tựa đề bài hát thành: "Độ ta xong độ nàng". Có nghĩa là ta sẽ tự cứu ta trước, sau này đủ duyên sẽ cứu độ nàng.
Tk Chánh Niệm