- Biển số
- OF-29
- Ngày cấp bằng
- 22/5/06
- Số km
- 16,292
- Động cơ
- 846,373 Mã lực
- Nơi ở
- Đông dược Phú Hà
- Website
- www.duocphuha.com
BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: /ĐL-TCTDTT | Hà Nội, ngày tháng năm 2020 |
ĐIỀU LỆ
Giải Ô tô thể thao Năm Du lịch quốc gia 2020 -
Hoa Lư, Ninh Bình
Giải Ô tô thể thao Năm Du lịch quốc gia 2020 -
Hoa Lư, Ninh Bình
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
Góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân các tỉnh, thành phố trên toàn quốc và tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Là sự kiện quảng bá Năm Du lịch quốc gia 2020 - Hoa Lư, Ninh Bình.
Là dịp để mọi người giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và thu hút khách du lịch trên cả nước đến với tỉnh Ninh Bình.
Thúc đẩy phát triển phong trào ô tô thể thao trong nước và hội nhập với cộng đồng quốc tế.
Tạo sân chơi lành mạnh, nhằm rèn luyện thể chất, nâng cao ý chí vươn lên trong công việc, nâng cao kỹ thuật lái xe an toàn.
2. Yêu cầu:
Tổ chức an toàn, chuyên nghiệp, đảm bảo công bằng, chính xác, tiết kiệm và hiệu quả.
II. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM
1. Thời gian: Từ ngày 25 tháng 07 đến 26 tháng 07 năm 2020.
2. Địa điểm: Tỉnh Ninh Bình.
III. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN THAM DỰ
1. Đối tượng:
Tất cả các cá nhân yêu thích môn Ô tô thể thao đều có quyền đăng ký tham dự.
2. Điều kiện:
Vận động viên có đủ sức khỏe, có tư cách đạo đức tốt, phải có giấy phép lái xe Ô tô hợp lệ hoặc bằng thi đấu do FIA/ASN cấp, am hiểu và tuân thủ Điều lệ giải, Luật thi đấu.
Các vận động viên tham dự giải phải có bảo hiểm thân thể, bảo hiểm tai nạn.
IV. NỘI DUNG: Giải thi đấu theo thể thức Gymkhana:
Hạng 1: Xe cầu trước FWD không giới hạn động cơ.
Hạng 2: Xe cầu sau RWD, Xe AWD, 4WD, động cơ dưới 2001cc.
Hạng 3: Xe cầu sau RWD, Xe AWD, 4WD, động cơ từ 2001cc trở lên.
Trường hợp một phân hạng không đủ bốn tay đua đăng ký thì phân hạng đó sẽ gộp với phân hạng khác theo quyết định của Ban Tổ chức giải.
V. ĐĂNG KÝ THI ĐẤU
1. Thời gian mở đăng ký và đóng đăng ký:
Thời gian mở đăng ký: 10h00 thứ Sáu, ngày 19/06/2020.
Thời gian đóng đăng ký: 10h00 thứ Bảy, ngày 18/07/2020.
Ban Tổ chức có thể đóng đăng ký sớm hơn nếu đã đủ các đội đăng ký thi đấu theo phân hạng.
2. Hồ sơ đăng ký thi đấu:
Để thuận tiện cho quá trình đăng ký, Vận động viên có thể chụp ảnh các giấy tờ cần thiết và ảnh chân dung để tải trực tiếp lên bản đăng ký tham dự (Google form). Bản cam kết miễn trừ trách nhiệm có thể nộp vào ngày phát race-kit.
Ảnh chụp (bản mềm, file ảnh), giấy phép lái xe và CMND/CCCD/Hộ chiếu của vận động viên.
Ảnh chân dung của vận động viên (bản mềm, file ảnh).
Form đăng ký (cần điền đủ các trường thông tin có đánh dấu *).
Bản cam kết miễn trừ trách nhiệm.
3. Quy trình tiếp nhận đăng ký:
Bước 1: Đăng ký online vào Google Form theo đường link được Ban Tổ chức công bố trên Diễn đàn OTOFUN.
Bước 2: Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi đăng ký, đội thi nộp bản đăng ký chính thức (nếu chưa đủ thông tin trong bản đăng ký online).
Bước 3: Ban Tổ chức sẽ xác nhận tới đội thi qua email (hoặc số điện thoại) đã đăng ký nếu các thông tin đăng ký đầy đủ và hợp lệ.
Địa chỉ liên hệ: Công ty Cổ phần OTV Truyền thông; Tầng 7, số 78 Nguyễn Khang, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam, Điện thoại: 024 3555 8066 #105 (gặp Ms. Quỳnh Anh), Email: otofun@otv.vn.
VI. QUY ĐỊNH VỚI ĐỘI THI, VẬN ĐỘNG VIÊN (TAY ĐUA)
- Trước khi vào thi đấu chính thức, tất cả vận động viên phải ký vào Biên bản cam kết tự chịu trách nhiệm về những rủi ro, tổn thất có thể xảy ra đối với xe và người tham gia trong quá thi đấu.
- Vận động viên tham dự phải đăng ký xe sử dụng trong giải (trừ trường hợp Ban Tổ chức cung cấp xe). Mỗi xe chỉ được đăng ký sử dụng bởi tối đa 02 vận động viên. Trường hợp xe bị hỏng, tay đua có thể làm đơn đề xuất Ban Tổ chức đổi xe với một khoản phí thay đổi nội dung đăng ký, tuy nhiên tay đua không được thay đổi phân hạng (class).
- Mũ bảo hiểm là bắt buộc, có thể che hàm hoặc ¾ theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc các loại mũ đạt chuẩn đua xe quốc tế.
- Vận động viên phải mặc trang phục thi đấu do Ban Tổ chức cung cấp và đi giày buộc dây hoặc có khóa trong toàn bộ thời gian thi đấu.
- Tùy theo từng giải đua, Ban Tổ chức có thể có các yêu cầu cao hơn về dụng cụ và quần áo (áp dụng theo chuẩn FIA).
- Ban Tổ chức sẽ phát race kit (bộ decal dán xe, số xe thi đấu, sổ thi đấu, thẻ vận động viên, áo thi đấu và các quà tặng khác) cho vận động viên trong ngày phát race kit.
- Vận động viên có trách nhiệm bảo quản race-kit của mình trong suốt quá trình thi đấu. Vận động viên nào làm mất sẽ không cấp lại. Vận động viên không đủ trang thiết bị theo race-kit (decal dán xe, sổ thi đấu, áo thi đấu, mũ bảo hiểm, thẻ vận động viên) sẽ không đủ điều kiện thi đấu.
- Vận động viên phải có mặt ở cuộc họp kỹ thuật của Giải, việc vắng mặt ở cuộc họp này sẽ dẫn đến việc mất quyền thi đấu của tay đua.
- Vận động viên không được phép sử dụng đồ uống có cồn và chất kích thích vào bất kỳ thời gian nào trong suốt quá trình diễn ra giải đua. Vận động viên chỉ được phép sử dụng sau khi Ban Tổ chức thông báo kết thúc ngày thi đấu.
1. Các loại Ô tô được tham gia giải:
Các loại Ô tô có số chỗ ngồi dưới hoặc bằng 5 chỗ.
Các loại Ô tô có trục cơ sở (chiều dài cơ sở) dưới 3000mm (3 mét).
2. Các loại Ô tô không được tham gia giải:
Các loại xe bán tải (pickup).
Các loại xe SUV có khung rời (chassis rời).
Các loại xe có số chỗ ngồi trên 5 chỗ.
3. Quy định về chất lượng xe thi đấu:
Động cơ và hệ thống truyền động phải trong tình trạng hoạt động tốt, không rò rỉ nhiên liệu, đủ dầu bôi trơn và dầu thủy lực.
Hệ thống lái và hệ thống phanh trong tình trạng kỹ thuật tốt, đảm bảo không bị rơ, trễ.
Ghế ngồi chắc chắn, phải có dây an toàn ít nhất 3 điểm
Lốp là loại sử dụng trên đường nhựa với gai lốp không nhỏ hơn 4mm (tình trạng hao mòn không vượt quá 50%).
Không sử dụng xe mui trần, xe không mui. Trường hợp xe mui trần có đủ yếu tố an toàn để tham gia giải thì phải được sự chấp nhận của Ban Tổ chức của giải.
Phải là xe mui kín sử dụng khung vỏ nguyên bản, không được can thiệp vào khung vỏ (cắt bớt, thay đổi), khung chống lật gắn trong hoặc gắn ngoài là giải pháp an toàn cho xe và không tính là thay đổi khung vỏ. Các chi tiết khác được phép thay đổi, kể cả động cơ.
4. Kiểm tra kỹ thuật:
Tất cả các xe tham gia đua đều phải qua công đoạn kiểm tra kỹ thuật để đảm bảo các xe đều trong tình trạng an toàn để đua.
Ban Tổ chức giải đua tiến hành kiểm tra xe, yêu cầu sửa chữa những bộ phận thiếu an toàn và có quyền từ chối cho các xe không đạt chuẩn an toàn tham gia. Ban Tổ chức giải đua cũng có quyền từ chối các xe có những biểu hiện thiếu an toàn hoặc không phù hợp với giải mà không cần phải nêu lý do.
Trong trường hợp xe đua bị lỗi kỹ thuật, hỏng trong quá trình đua thì Trưởng ban Trọng tài có thể xem xét các yếu tố khách quan, chủ quan để đưa ra phán quyết cho việc chấp nhận lấy kết quả bài thi đó hay phải chạy lại bài thi.
VIII. ĐƯỜNG ĐUA
1. Quy chuẩn:
- Đường đua phải được đặt ở trên mặt phẳng, tốt nhất là đường nhựa hoặc bê tông.
- Đường đua được tạo ra bởi nhiều chóp phân làn giao thông (Cone). Vị trí của chân chóp sẽ được đánh dấu để khi chóp rời khỏi vị trí do va chạm, trọng tài sẽ áp dụng cộng thời gian phạt.
- Ban Tổ chức giải sẽ đảm bảo rằng đoạn thẳng dài nhất sẽ không quá 50m để đảm bảo an toàn.
- Đường đua sẽ được tính toán để tay đua hoàn thành trong khoảng 1 phút.
- Ban Tổ chức giải chuẩn bị hai sa hình cho mỗi bài thi. Sa hình thi đấu chính thức sẽ được Ban Tổ chức giải công bố trong cuộc họp kỹ thuật với các tay đua.
IX. HỌC SA HÌNH VÀ LUYỆN TẬP
1. Học sa hình:
Các tay đua sẽ được thông báo về sa hình cho bài luyện tập và bài thi đấu vào thời gian họp kỹ thuật đầu giờ sáng mỗi ngày.
Các tay đua sẽ có tối đa 15p để đi bộ dọc theo đường thi (Track walk) để ghi nhớ các điểm mốc và hướng xe chạy.
2. Luyện tập:
Tùy theo quyết định của Ban Tổ chức giải, mỗi tay đua sẽ được luyện tập một số lần nhất định trên các bài luyện tập. Thông tin chính thức được công bố vào buổi họp kỹ thuật của giải.
X. ĐÁNH SỐ VÀ THỨ TỰ XUẤT PHÁT
Số thứ tự của các tay đua được bốc thăm ngẫu nhiên khi nhận Race-kit.
Ban Tổ chức giải sẽ công bố thứ tự lượt chạy từ lớn tới nhỏ hay từ nhỏ tới lớn tùy theo từng bài thi.
Tùy theo từng bài thi và số lượng xe thi đấu, Ban Tổ chức giải có thể chia các tay đua thành các nhóm và quy định thứ tự thi đấu sao cho đảm bảo công bằng và thời gian thực hiện chương trình.
Trường hợp xuất phát hai xe cùng lúc thì trọng tài chính đường thi phải chỉ rõ xe nào xuất phát bên trái và xe nào xuất phát bên phải.
XI. THỂ THỨC ĐUA:
1. Thể thức đua Solo:
- Đua Solo là thể thức đua chỉ có một xe chạy trên đường đua ở một thời điểm, khác với đua đôi là có hai xe trên đường đua ở một thời điểm. Trong một giải đua có thể có một hoặc nhiều lượt chạy.
- Thời gian thi đấu là tổng thời gian chạy từ lúc xuất phát đến khi về đích cộng với tổng thời gian phạt.
- Vòng Knock-out sẽ dựa trên chuẩn hình tháp Knock-out của FIA: 1 với 32, 2 với 31, 3 với 30. Vòng Solo Knock-out chỉ được phép sử dụng một sa hình để đảm bảo tính công bằng.
- Người thắng cuộc của từng chặng Knock-out sẽ tiến vào các vòng tiếp theo để thi đấu cho tới khi tìm ra người thắng cuộc.
XII. HỆ THỐNG CHẤM ĐIỂM
- Hệ thống ghi thời gian tự động sẽ được sử dụng để ghi thời gian thi đấu. Đồng hồ phải ghi được 1/100 giây.
- Ban Tổ chức sẽ lựa chọn hệ thống ghi thời gian được sử dụng trong giải đua.
- Ban Tổ chức giải phải đảm bảo có một buổi thử hệ thống trước khi đua chính thức và phải có biên bản nghiệm thu.
- Trong trường hợp hai làn xe cùng xuất phát một lúc thì hệ thống phải chấm riêng biệt cho hai xe. Thời gian sẵn sàng cho phép trong 5 giây.
- Hai đồng hồ bấm giờ bằng tay phải luôn sẵn sàng trong trường hợp hệ thống chấm tự động bị hỏng. Có thể sử dụng thêm một bộ chấm điểm tự động để dự phòng cho bộ chính.
- Trong trường hợp hệ thống ghi thời gian tự động bị hỏng trong quá trình thi đấu, trọng tài chính có quyền cho tay đua thi lại bài thi và dùng đồng hồ bấm tay để ghi lại kết quả.
XIII. CỜ HIỆU
1. Cờ hiệu:
- Cờ xanh báo hiệu đường đua an toàn và có thể bắt đầu.
- Cờ vàng báo hiệu lái xe đã phạm lỗi chạm chóp, chướng ngại vật.
- Cờ đen báo hiệu lái xe đã bị DNF.
- Cờ đỏ báo hiệu có nguy hiểm và lái xe phải dừng ngay và cần cứu hộ.
2. Sử dụng cờ hiệu:
- Cán bộ điều hành vẫy cờ mặc đồng phục và có thẻ để có quyền ra vào khu vực đua. Họ có quyền phán xử và đưa ra tín hiệu để các trọng tài chính từ đó áp án phạt với các tay đua.
- Các tay đua không thể phản đối hoặc khiếu nại trực tiếp cán bộ điều hành. Các vấn đề khiếu nại, phản đối kết quả đều phải thông qua trọng tài chính. Các vận động viên cần đưa ra bằng chứng bằng video, nộp lệ phí khiếu nại và chờ Thư ký trọng tài sắp xếp thời gian họp giải trình.
- Trước khi xe đua xuất phát, các cán bộ điều hành đều phải vẫy cờ xanh để ra tín hiệu rằng khu vực của mình đã sẵn sàng để bắt đầu.
- Khi xe đua có dấu hiệu va vào chóp, cán bộ vẫy cờ có nhiệm vụ giơ cao cờ vàng và chỉ vào khu vực có chóp di chuyển. Sau khi xe đua đã về đích, một trọng tài sẽ trực tiếp đi xác định xem chóp xem có nằm ngoài vị trí đánh dấu hay không. Vận động viên có quyền được kiểm tra và xác nhận trước khi nhân viên xếp lại chướng ngại vật. Nếu chóp đã rời khỏi vị trí thì áp dụng lỗi phạt. Trường hợp chóp vẫn nằm một phần trong ô đánh dấu thì sẽ không có lỗi phạt nào được đưa ra và cán bộ sẽ vẫy cờ xanh.
- Trường hợp chóp bị đổ thì trọng tài đường thi vẫy cờ sẽ vẫy cờ vàng ra hiệu. Lúc này Trọng tài chính cùng với trọng tài đường thi sẽ xác định chính xác để áp dụng lỗi phạt.
- Trong trường hợp tay đua đi sai đường và không có khả năng sửa lỗi thì cờ đen sẽ được vẫy, tay đua phải tìm đường ngắn và an toàn nhất để về đích và lỗi DNF sẽ được áp dụng.
- Trong trường hợp khẩn cấp và nguy hiểm, Ban Điều hành Giải sẽ ra lệnh cho tất cả các trọng tài sử dụng cờ đỏ để báo hiệu cho tay đua dừng ngay lập tức và di chuyển về khu vực an toàn.
XIV. CÁC LỖI PHẠT VÀ THỜI GIAN PHẠT
1. Các lỗi phạt 2 giây (2s):
Mỗi chóp bị xe đua làm đổ, làm sai lệch ra khỏi vị trí trong lúc đua (xem hình minh hoạ trong điều lệ này) sẽ bị cộng thêm 2 giây vào tổng thời gian. Nếu xe chỉ chạm vào chóp làm dịch chuyển mà không làm chóp văng ra ngoài vạch hoặc đổ chóp thì sẽ không bị phạt cộng thời gian.
Tay đua sẽ bị cộng 2 giây cho mỗi lần xe đua chạm vào hàng rào, rào chắn xung quanh khu vực đua.
2. Các lỗi phạt 4 giây (4s):
Khi thiết kế đường đua, Ban Điều hành có thể tạo ra loại chóp đôi đặc biệt. Nếu tay đua nào đâm đổ loại chóp này thì sẽ bị phạt cộng thời gian là 4 giây. Đây là hai chóp với hai màu riêng biệt được xếp chồng lên nhau ở vị trí quan trọng để lưu ý các tay đua phải đi qua cẩn thận. Các vị trí này cũng được đánh dấu trên bản đồ đường đua.
Tay đua sẽ bị cộng 4 giây nếu làm đổ chóp hoặc xê dịch ra khỏi vị trí ở cuối chuồng đích.
4. Lỗi DNF (Did Not Finish):
Khi bị tính lỗi DNF, tay đua sẽ phải nhận thời gian tối đa (Bogey time). Thời gian tối đa (Bogey time) là mức thời gian được quy định trên sa hình đường thi và được xác định bằng công thức: “thời gian chạy thử trung bình” x 2.
Để đảm bảo công bằng, các tay đua tuyệt đối phải tuân theo thứ tự thi đấu đã bốc thăm và theo thông báo của Ban Tổ chức, trừ khi có sự điều phối thay đổi thứ tự lượt thi của Trưởng Ban Trọng tài, đội nào vi phạm sẽ tính lỗi DNF.
Trong trường hợp tay đua chạy sai sa hình đã cho lần thứ nhất, tay đua đó có thể sửa hoặc lùi lại một lần duy nhất và không có điểm phạt. Nếu tiếp tục sai lần thứ hai thì Trọng tài sẽ vẫy cờ đen và bài thi đó lập tức có kết quả DNF.
Cả 4 bánh xe ra ngoài đường thi sẽ bị DNF.
Không đội mũ bảo hiểm và/hoặc không cài dây an toàn trong quá trình thi đấu.
Trường hợp xe vượt hoàn toàn ra khỏi chuồng đích sẽ bị DNF.
Mọi tay đua đều phải hoàn thành tất cả các bài thi. Mỗi bài thi không hoàn thành sẽ bị đánh dấu DNF.
5. Các lỗi phạt bị loại khỏi giải DQF (Disqualified):
Sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian tham gia thi đấu.
Hành vi, cử chỉ, lời nói phi thể thao, xúc phạm đối với khán giả, Ban Điều hành và Ban Tổ chức.
Có những hành động gây mất an toàn, không tuân thủ theo quy định và điều hành của Ban Tổ chức giải.
Có hành vi xấu đối với đội thi khác.
6. Chóp (cone):
Quy cách: cao 50cm đến 60cm (tất cả giống nhau ở kích thước và có thể khác màu ở những chỗ đặc biệt).
Hình minh hoạ đổ chóp và xê dịch chóp (out - ra ngoài; down - đổ).
XV. CÁCH TÍNH KẾT QUẢ
1. Cách tính kết quả:
- Các tay đua phải thực hiện đúng theo hướng và sa hình đường đua đã cho. Nếu thực hiện đúng và không xảy ra lỗi thì kết quả bài thi bằng đúng thời gian chạy xe.
- Đồng hồ bắt đầu tính giờ khi xe xuất phát. Đồng hồ sẽ dừng khi xe chạm vạch đích, các xe đua phải dừng lại trong chuồng đích.
- Kết quả bài thi (thời gian thi đấu) = thời gian chạy xe + thời gian phạt.
- Trong trường hợp tay đua được phép chạy nhiều lượt một bài thi, thì kết quả cuối cùng của bài thi là kết quả tốt nhất (bestlap) trong tất cả các lượt chạy đó.
- Kết quả thi đấu tất cả các bài thi của một tay đua là tổng thời gian thi đấu tốt nhất (bestlap) của các bài thi mà tay đua đó đã thực hiện.
- Ban Tổ chức giải sắp xếp bảng kết quả theo phân hạng để chọn được giải nhất theo từng phân hạng.
2. Vòng thi tìm Nhà vô địch
- Kết thúc thi đấu của 3 phân hạng, Ban Trọng tài sẽ lựa chọn ra được top 3 tay đua của mỗi phân hạng.
- Chín (09) tay đua này sẽ thi đấu thêm 1 vòng bằng xe của Ban Tổ chức (Hyundai Kona có lắp phanh tay thủy lực).
- Kết quả tốt nhất (bestlap) sẽ được cộng vào kết quả trước đó của mỗi tay đua để ra kết quả chung cuộc.
3. Kết quả chung cuộc:
- Kết quả chung cuộc được xếp theo tổng thời gian thi đấu từ nhỏ tới lớn.
- Tay đua vô địch chung cuộc là tay đua có tổng thời gian thi đấu nhỏ nhất.
- Trong trường hợp hai tay đua có thời gian thi đấu bằng nhau, đội nào có ít lỗi hơn sẽ thắng.
- Trong trường hợp hai tay đua có thời gian bằng nhau, số lỗi bằng nhau, hoặc không có lỗi, thì hai tay đua trên sẽ chạy tiếp một lượt nữa để phân định thắng bại.
- Sau 30 phút kể từ khi công bố kết quả, nếu không có bất kì khiếu nại nào thì kết quả sẽ là chính thức và không thể thay đổi.
- Việc có mặt của đội đua và các tay đua tại lễ trao giải là bắt buộc.
XVI. KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
1. Khen thưởng:
Ban Tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các đội, đơn vị tham dự giải.
Ban Tổ chức trao huy chương, giấy chứng nhận, cúp, tiền thưởng và quà tặng của nhà tài trợ (nếu có) cho các vận động viên xếp hạng nhất, nhì, ba chung cuộc và hạng nhất của phân hạng.
2. Kỷ luật:
Những thành viên vi phạm các quy định của Ban Tổ chức, các quy chế của Điều lệ giải sẽ tùy theo mức độ, bị xử lý theo các hình thức kỷ luật hiện hành.
Các mức phạt sẽ được quyết định bởi trưởng Ban Tổ chức giải.
3. Khiếu nại:
Các khiếu nại tại đường thi, vận động viên liên hệ với Trọng tài Chính của đường thi. Vận động viên khi khiếu nại cần có bằng chứng. Trong trường hợp vận động viên không đồng ý với quyết định của Trọng tài Chính đường thi, vận động viên có quyền khiếu nại lên Trưởng ban Trọng tài trong vòng 30 phút kể từ khi kết thúc bài thi đó.
Lệ phí khiếu nại lên Trưởng ban Trọng tài là 1.000.000 VND (1 triệu đồng). Trong trường hợp Trưởng ban Trọng tài quyết định vận động viên đúng thì sẽ hoàn trả số tiền đó. Trưởng ban Trọng tài sẽ ra quyết định cuối cùng trong vòng 1 tiếng, nhưng không muộn hơn thời gian công bố kết quả chung cuộc.
XVII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Mỗi đội, đơn vị tham gia giải tuyệt đối tuân thủ quyết định của Ban Tổ chức.
Điều lệ này có hiệu lực kể từ ngày ký, chỉ có Tổng cục Thể dục thể thao mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ và sẽ thông báo đến các đội, đơn vị.
Mọi chi tiết liên hệ: Ông Bùi Văn Sỹ, Chuyên viên Vụ Thể dục thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục thể thao, Điện thoại: 098-866-1838, Email: vansythethao@gmail.com./.
Nơi nhận: - Tổng cục trưởng (để báo cáo); - Sở VHTTDL, VHTT các tỉnh/thành; - Công ty CP OTV Truyền thông; - Các đơn vị tham dự giải; - Lưu: VP, Vụ TDTTQC, S.70. | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Nguyễn Hồng Minh |
Chỉnh sửa cuối: