Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương
moit.gov.vn
2. Lý do dừng thực hiện Dự án
Công nghệ hạt nhân của Liêng bang Nga và Nhật Bản dự kiến sử dụng cho các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đều là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và có mức độ an toàn rất cao nên hoàn toàn yên tâm. Việc dừng thực hiện Dự án không phải với lý do công nghệ mà là do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay.
Cụ thể, tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư Dự án, dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều, khả năng liên kết lưới điện khu vực để trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng dự kiến sẽ tăng cường trong thời gian tới và đặc biệt là tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành sản xuất điện từ các dạng năng lượng này đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm qua. Mặt khác, nước ta đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cũng như nguồn vốn để giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra.
3. Một số giải pháp, hướng xử lý khi dừng thực hiện Dự án
a) Về bảo đảm cung cấp điện
Dự kiến đến năm 2030, nếu hoàn thành, Dự án sẽ đóng góp khoảng 3,6% về công suất và 5,7% về sản lượng điện sản xuất của hệ thống điện quốc gia.
Việc dừng thực hiện Dự án không làm ảnh hưởng đến an ninh cung ứng điện do có thể bổ sung các loại hình nguồn điện khác trong hệ thống như các nguồn nhiệt điện than, nguồn điện từ năng lượng tái tạo, nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), cũng như xem xét biện pháp tăng cường mua điện từ các nước láng giềng nhất là từ CHDCND Lào.
Các giải pháp thay thế cho Dự án trong giai đoạn tới:
- Giai đoạn đến năm 2030: Xem xét đầu tư thay thế các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bằng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và các nhà máy tua bin khí sử dụng LNG nhập khẩu với tổng công suất khoảng 6.000 MW bảo đảm thay thế sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.
- Giai đoạn sau 2030: Tiếp tục phát triển hợp lý các nguồn nhiệt điện than và LNG nhập khẩu, xem xét đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua tái cơ cấu kinh tế hướng đến các ngành sản xuất xanh có công nghệ thân thiện, tiết kiệm năng lượng; tăng cường liên kết lưới điện và hợp tác mua bán điện với các nước láng giềng.