- Biển số
- OF-183178
- Ngày cấp bằng
- 3/3/13
- Số km
- 1,053
- Động cơ
- 346,460 Mã lực
Điểm mù trên xe hơi là một trong những yếu tố hết sức nguy hiểm có thể dẫn đến va quẹt hoặc thậm chí là tai nạn giao thông. Vậy điểm mù là gì? Điều gì đã gây ra điểm mù và có cách nào khắc phục không? Bài viết này sẽ chia sẻ đến các bạn một số thông tin về điểm mù cũng như làm cách nào để hạn chế nó nhằm giúp bạn điều khiển xe được an toàn hơn.
Điểm mù là gì?
Sơ đồ minh họa vùng nhìn của người điều khiển xe (các vùng được tô màu)
Về cơ bản, vùng mù là vùng không gian bên ngoài xe bị che khuất và không nằm trong trường nhìn của người điều khiển. Nói cách khác, người điều khiển không thể nào quan sát được điểm mù thông qua gương chiếu hậu lẫn nhìn trực tiếp. Các vị trí điểm mù thường gặp là điểm mù gây ra bởi gương chiếu hậu, điểm mù phía trước xe, điểm mù phía sau xe. Điểm mù thường thể hiện sự nguy hiểm đặc biệt khi người lái điều khiển xe chuyển làn, rẽ ở các ngã tư hoặc đậu xe vào bãi. Khi đó, điểm mù khiến người điều khiển không thể nhìn thấy được những chiếc xe đang chạy cùng làn/khác làng từ phía sau, những chiếc xe đang chạy cắt qua giao lộ,... khiến việc rẽ hoặc chuyển làn trở nên cực kỳ nguy hiểm do người lái không thể chủ động quan sát để xử lý tình huống.
Nguyên nhân gây ra điểm mù
Các yếu tố cơ bản đề cấu thành nên điểm mù trên xe hơi là đặc điểm thiết kế của xe và tầm vóc, tư thế ngồi của người lái.
Minh họa các cột A, B, C trên một chiếc sedan
Phần lớn nguyên nhân của điểm mù chính là do thiết kế cấu trúc của xe. Về cơ bản, khung vỏ xe được chia làm 3 cột là A, B và C (có thể còn cột D đối với những chiếc wagon). 3 cột chính này sẽ chống đõ cho mui xe và hình thành nên một bộ vỏ vững chắc cho xe. Tuy nhiên, cũng do sự xuất hiện của những cột này đã tạo nên điểm mù làm cản trở tầm nhìn của người điều khiển. Tùy thuộc vào mỗi dòng xe mà điểm mù cũng xuất hiện ở những góc độ và khoảng cách khác nhau.
Theo các chuyên gia thì cột A (cột ở 2 bên khung kính chắn gió của xe) có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành nên điểm mù. Ngày nay, cột A trên nhiều dòng xe đã được thiết kế để hạn chế tối đa điểm mù. Tuy nhiên, một số mẫu xe sử dụng kính chắn gió dạng phẳng thì tương ứng với ảnh hưởng của điểm mù vẫn còn khá lớn. Ngoài ra, một số nhà sản xuất vẫn thiết kế cột A với kích thước to nhằm tạo ra dáng vẻ thể thao cho xe. Điều này vô hình chung lại khiến tăng vùng mù đối với người lái lên. Ở một số mẫu xe có thiết kế đặc biệt thì cột B và cột C cũng có khả năng tạo ra điểm mù làm hạn chế tầm nhìn phía sau của người lái.
Việc điều chỉnh gương chiếu hậu không phù hợp cũng là 1 trong những nguyên nhân tạo ra điểm mù. Nếu giả sử bạn đang ngồi trong buồng lái và trước mặt là hướng 12 giờ thì thông thường, vị trí điểm mù thường ở hướng 4 giờ và 8 giờ. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh gương chiếu hậu để tối thiểu hóa điểm mù trong tình huống này. Một số tài xế thường có thói quen điều chỉnh gương hơi hướng vào bên trong để có thể quan sát được thân xe và thậm chí là hành khách đằng sau. Điều này đã khiến tầm nhìn phía sau của gương hậu bị giảm đi. Ngoài ra, cách điều chỉnh này lại trùng với vùng nhìn của gương hậu trung tâm trong xe.
Ngoài ra, tầm vóc và tư thế ngồi của người điều khiển cũng góp phần tạo nên điểm mù trên xe. Theo nghiên cứu, những người có tầm vóc cao hơn thường có vùng mù ngắn hơn so với những người có tầm vóc thấp bé. Đồng thời, tư thế và thói quen ngồi điều khiển xe của người lái cũng góp phần không nhỏ trong việc tăng cường hoặc làm giảm độ dài của vùng mù.
Biện pháp hạn chế điểm mù trên xe hơi
Đầu tiên, việc hiểu rõ về chiếc xe và chính bản thân của bạn là yếu tố tiên quyết để hạn chế ảnh hưởng của điểm mù trên xe hơi. Khi đó, bạn sẽ nhìn nhận được rằng chiều cao gầm xe, độ lớn của các cột A, B, C, thiết kế và kích cỡ xe sẽ gây ra những bất lợi nào cho bạn khi quan sát. Một khi đã xác định được các điêm bất lợi trên xe, chúng ta sẽ đưa ra một vài giải pháp nhằm tối thiểu vùng mù và tăng cường tầm nhìn của người điều khiển.
Mở rộng tầm nhìn gương chiếu hậu
Đối với điểm mù 2 bên về phía sau do gương chiếu hậu gây ra. Chúng ta sẽ điều chỉnh gương chiếu hậu cho phù hợp với người lái nhất. Tùy vào mỗi người sẽ có cách điều chỉnh gương khác nhau. Hoặc các bạn cũng có thể tham khảo cách bên dưới.
Đầu tiên nghiêng đầu qua bên trái đụng tới cửa kính.
Sau đó điều chỉnh gương chiếu hậu bên trái cho tới khi phần thân xe gần như biến mất khỏi gương, chỉ còn nhìn thấy phần đuôi xe.
Nghiêng đầu về hướng bên phải ra tới vị trí chính giữa xe.
Lặp lại bước 2 ở gương chiếu hậu phía bên phải.
Thao tác điều chỉnh trên sẽ khắc phục được việc điều chỉnh gương chiếu hậu quá hướng vào bên trong làm giảm tầm nhìn của người lái và trùng lặp với tầm nhìn của gương hậu trung tâm. Ngoài ra, một số bác tài còn gắn thêm một gương lồi nhỏ ở trên gương chính nhằm tăng cường tầm nhìn và hạn chế ảnh hưởng của điểm mù.
Tuy nhiên, ngoài việc dùng kính hậu để quan sát phía sau thì trong một số tình huống nhất định, các bạn cũng nên liếc mắt quan sát trực tiếp các điểm mù ở phía sau xe. Một số lái xe có kinh nghiệm cho rằng điều này khá hữu hiệu trong trường hợp muốn chuyển làn đường.
Ngày nay, một số mẫu xe mới còn được trang bị các hệ thống camera, cảm biến hiện đại ở kính hậu và xung quanh xe nhằm tối thiểu hóa vùng mù, hiển thị các thông tin xung quanh xe giúp người lái quan sát và kiểm soát tình huống tốt hơn. Do đó, khi sử dụng camera sau đặc biệt là đối với khí hậu ở Việt Nam thì chúng ta nên thường xuyên vệ sinh camera để đảm bảo hình ảnh thu được luôn rõ ràng nhất.
Trong trường hợp xe không có sử dụng camera trước và sau, người lái có thể nhờ thêm người khác giúp quan sát trong trường hợp đang muốn đậu vào bãi để khắc phục triệt để điểm mù phía sau và phía trước (đặc biệt là xe gầm cao) nhằm tránh các tai nạn đáng tiếc.
Điều chỉnh vị trí, tư thế ngồi điều khiển xe
Điều chỉnh ghế lái và tư thế ngồi là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn có được tầm nhìn tốt hơn khi điều khiển xe
Về cơ bản, có 3 yêu cầu để tạo ra một tư thế ngồi điều khiển nhất cho người lái:
Chỉnh ghế lái sao cho tầm nhìn của người lái cao hơn vô-lăng và có thể nhìn được 1 điểm trên mặt đường cách đầu xe ít nhất là từ 3,6 đến 4,5 mét.
Người lái có thể dễ dàng quan sát tất cả các gương chiếu hậu mà không cần hoặc rất ít phải chuyển động.
Lưng ghế người lái không nên cách cột B (cột giữa 2 cửa trước và sau) quá xa do điều này có thể cản trở tầm nhìn của người lái trong tình huống họ muốn nhìn qua vai để quan sát phía sau.
Bên cạnh đó, trong tình huống chuẩn bị rẽ ở các giao lộ, một số ý kiến còn cho rằng người lái nên rướn người tới phía trước để có thể chủ động quan sát điểm mù do cột A che khuất nhằm chủ động quan sát phương tiện đang di chuyển cắt ngang nếu có.
Ngoài ra, người lái phải luôn tập trung, nhận thức và ghi nhớ các đặc điểm của chiếc xe mình để luôn có phương án xử lý tình huống một cách an toàn nhất. Lưu ý cuối cùng là điểm mù sẽ nguy hiểm hơn ở tốc độ cao so với khi xe đang đi ở tốc độ thấp. Theo nghiên cứu thì trên đường cao tốc, một chiếc xe chạy từ phía sau tới chỉ mất từ 1 đến 2 giây để rơi vào điểm mù của bạn. Do đó, luôn tuân thủ luật giao thông đặc biệt là giới hạn về tốc độ cũng là cách để bảo vệ an toàn khi điều khiển xe.
Trên đây mình đã trình bày một số cách để giúp các bạn có thể hạn chế được ảnh hưởng của điểm mù trên xe hơi. Nếu các bạn có thêm mẹo hay kinh nghiệm khác thì hãy comment ngay bên dưới nhé. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Chúc các bạn lái xe vui vẻ và an toàn.
Tham khảo Driveractive, Mynrma, Seattle, Driving, Essilo, Thecar
Theo Tinhte.vn