BẢN LĨNH NGƯỜI VIETTEL Ở TÂM CHẤN ĐỘNG ĐẤT NEPAL
Trong số những người Việt Nam có mặt tại Nepal khi trận động đất tồi tệ nhất 80 năm qua ở nước này xảy ra, có 2 người Viettel – một phó tổng giám đốc Tổng Công ty và một nhân viên – đang làm nhiệm vụ ở thủ đô Kathmandu. Khi thủ đô Kathmandu rung chuyển và sụp đổ, họ đã sống sót và thể hiện bản lĩnh của người Viettel như thế nào?
2 ngày sau cơn động đất 7,8 độ Richter vào 12 giờ trưa ngày 25/4 (giờ địa phương), làm thủ đô Kathmandu của Nepal rung chuyển, Viettelfamily đã kết nối được với anh Trần Hoàng Anh, nhân viên phòng Xúc tiến Đầu tư Viettel Global. Anh Hoàng Anh là một trong hai người Viettel đang công tác tại Nepal khi trận động đất xảy ra. Người còn lại đang có mặt tại điểm nóng Nepal là PTGĐ Viettel Global – anh Nguyễn Thế Nghĩa.
Viettelfamily: Chào Hoàng Anh, anh và anh Nguyễn Thế Nghĩa hiện đang ở đâu ở Nepal, tình hình bên đó sau trận động đất thế nào?
Trần Hoàng Anh: Tôi và anh Nghĩa vẫn đang ở thủ đô Kathmandu. Số người chết vì động đất ở Kathmandu đã lên tới gần 1.000 người rồi. Tình hình cũng khá tồi tệ, tuy nhiên Kathmandu không quá “điêu tàn” như mọi người tưởng tượng đâu. Chỉ những khu phố cổ, các công trình cũ là sụp đổ hoàn toàn thôi.
Viettelfamily: Anh và anh Nghĩa đã làm thế nào để “sống sót” trong trận động đất kinh hoàng này?
Trần Hoàng Anh: Lúc động đất xảy ra, cả hai anh em chúng tôi đều đang ở trên tầng 7 của khu chung cư 9 tầng mà chúng tôi đã thuê để ở trong thời gian công tác. Khi đó, tôi đang ở ngoài hành lang. Tự dưng, cả tòa nhà rung lắc rất mạnh. Khi tôi còn nghĩ rung lắc là do xe đi phía dưới thì nghe tiếng anh Nghĩa từ trong nhà hô to “động đất rồi”. Tôi chạy vào trong căn hộ. Hai anh em đều xác định là có thể chết. Chúng tôi phải bám sát tường mới có thể đứng vững.
Tôi không có kinh nghiệm gì, nhưng thật may là anh Nghĩa trước đó đã đọc tài liệu về động đất. Anh Nghĩa nói chúng tôi đã may mắn vì tòa nhà 9 tầng này khá chắc chắn. Nhưng anh không hề chủ quan, anh ấy đã ý thức rất rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Anh hạ lệnh thu dọn va-li, chỉ mang đi những thứ quý giá và quan trọng nhất.
Anh Nghĩa phán đoán, chắc chắn sẽ còn nhiều cơn dư chấn khác sau trận động đất. Các tòa nhà thường bị bẻ gẫy kết cấu ở cơn địa chấn thứ nhất, và sau đó sụp đổ hoàn toàn trong các cơn dư chấn tiếp theo. Chúng tôi phải thoát ra bằng cầu thang thoát hiểm ở bên ngoài tòa nhà càng sớm càng tốt. Anh Nghĩa ra lệnh không đi lối cầu thang bên trong tòa nhà. Chiếc va-li không chỉ là nơi cất giữ đồ đạc, mà còn là “lá chắn” che cho chúng tôi trước sự va đập của các mảnh vỡ có thể có.
Sau khi chúng tôi đã xuống đất an toàn, quả nhiên còn xảy ra 2 cơn dư chấn khác. Sau các cơn dư chấn đó thì mới thấy người dân trong tòa nhà bắt đầu ra ngoài. Có thể thấy người dân Nepal hoàn toàn bị động, không có kỹ năng đối phó với động đất.
Viettelfamily: Như vậy nhờ đã chuẩn bị kiến thức, kỹ năng trước mà anh Nghĩa và anh đã thoát ra rất sớm. Sau đó các anh đã ổn định chỗ ở như thế nào?
Trần Hoàng Anh: Chúng tôi không quay về căn hộ trên tầng 7 đó nữa, dù tôi có trở đi trở lại để lấy những vật dụng cần thiết. Hiện giờ chúng tôi đã tìm được một chỗ ở mới an toàn hơn.
Viettelfamily: Còn tình hình trật tự, xã hội tại Kathmandu giờ như thế nào?
Trần Hoàng Anh: Quả thật là mọi thứ khá tồi tệ và hỗn loạn. Nhưng trải qua những chuyện này, tôi thực sự cũng học được nhiều điều.
Viettelfamily: Anh có thể nói cụ thể hơn về những điều học được?
Trần Hoàng Anh: Đó là sự bình tĩnh trong nguy cấp. Tôi thấy rằng, như anh Nghĩa, đã có thể bình tĩnh và xử lý vấn đề rất nhanh, vì anh đã chuẩn bị sẵn kiến thức và kỹ năng. Cả tôi và anh đều chưa bao giờ biết động đất là gì, nhưng vì anh đã trang bị kiến thức trước, nên đã không lâm vào bị động, hoảng loạn. Tôi nghĩ chuẩn bị kiến thức, tìm hiểu mọi thứ về nơi mình đến, không bao giờ là thừa.
Một điều nữa tôi học được, là tinh thần làm việc. Ngay sau khi ổn định tinh thần, anh Nghĩa lại bắt tay vào công việc. Anh gọi điện hỏi thăm tất cả các đối tác, hỏi thăm từng người mà chúng tôi đã có liên hệ, và hỏi thăm những người Việt Nam ở Nepal mà chúng tôi quen biết. Tôi thực sự bị ấn tượng. Vì anh làm điều đó cũng không hẳn thuần túy là vì công việc, mà là vì sự lo lắng cho mọi người.
Dù không có một chiến dịch kêu gọi hiến máu nào, anh Nghĩa đã đề xướng việc hai anh em tôi tình nguyện tìm tới bệnh viện BIR để hiến máu. Việc làm tuy nhỏ nhưng đã để lại ấn tượng rất lớn với những người Nepal mà chúng tôi gặp.
Ảnh đã được thu nhỏ. Vui lòng nhấn vào đây để xem kích thước thật 720x960.
Sau động đất, 2 người Viettel tình nguyện hiến máu cứu người ở Nepal
Viettelfamily: Hiện giờ các anh có kế hoạch như thế nào ở Nepal?
Theo kế hoạch, thời hạn chuyến công tác của tôi là 2 tháng nữa mới kết thúc, anh Nghĩa thì còn 2 tuần. Nhiệm vụ của chúng tôi ở Nepal là tìm hiểu cơ hội đầu tư ở đất nước này. Ngay sau khi biết tin tức về trận động đất, TGĐ Tào Đức Thắng (Viettel Global) đã gọi điện hỏi thăm tình hình chúng tôi và sẵn sàng đồng ý cho chúng tôi trở về Việt Nam ngay lập tức. Nhưng chúng tôi đều quyết định sẽ ở lại Nepal. Hiện tại 1 trong 2 mạng viễn thông lớn ở Nepal đang hoạt động không tốt, cơ hội kinh doanh là có. Trận động đất này làm tôi liên tưởng tới trận động đất ở Haiti hồi năm 2010. Như tôi đã nói, tình hình ở Nepal đang rất tồi tệ, nhưng nếu chúng tôi ở lại, có thể tìm thấy cơ hội. Và không phải ai cũng có cơ hội sống sót, chứng kiến và trải nghiệm như chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức!
Viettelfamily: Cảm ơn anh, chúc anh và anh Nghĩa bình an và sớm hoàn thành nhiệm vụ!
nguồn: Viettelfamily
Tại sao cán bộ hội CTD chí ít không làm được thế này, ở trong nước lúc nào cũng kêu gọi hiến máu nhân đao, khi cần thì cúp đuôi chạy mất.
CTD = Chạy Trước Đã
thêm cái link của nguoiduatin:
http://m.nguoiduatin.vn/can-bo-viettel-cong-tac-o-nepal-dong-dat-cung-phai-quan-sat-a186343.html