Người đi bộ phớt lờ công trình triệu đô
Để hạn chế tai nạn, vài năm gần đây, Hà Nội đã đầu tư hàng triệu USD xây dựng một số hầm bộ hành, cầu vượt dành cho người đi bộ. Thế nhưng, nhiều người sang đường vẫn phớt lờ những công trình này.
Buổi sáng đầu tháng 9, dòng người tham gia giao thông như "mắc cửi" trên phố Nguyễn Chí Thanh. Đang điều khiển chiếc xe đến công sở cho đúng giờ, nhiều người vội vã đánh tay lái nhao sang bên đường tránh một phụ nữ băng qua đường. Chiếc Dream của người đàn ông trung niên phanh gấp trên phố, va vào người phụ nữ. May mắn, người đi bộ chỉ bị xây xát nhẹ.
Tại đường Nguyễn Chí Thanh có cầu vượt dành cho người đi bộ nằm giữa hai Đại học Luật và Học viện Hành chính Quốc gia, nhưng chỉ lác đác vài người sử dụng. Tại cổng Học viện Hành chính Quốc gia, hai cô gái trẻ băng qua dòng phương tiện đông kín, vừa đi vừa giơ tay xin đường.
Cách đó vài bước chân, một người đàn ông trung niên, ăn vận lịch sự quần đen, áo trắng cũng đang loay hoay giữa làn xe phóng vù vù, mặc dù, cầu vượt dành cho người đi bộ cách đó chưa đầy 20 mét.
Tại điểm cầu vượt trước cửa Đại học Giao thông Vận tải (Cầu Giấy), tình trạng cũng không khả quan hơn. Do tuyến đường rộng, mật độ giao thông lớn, lại là nơi trung chuyển các bến xe buýt nên thành phố đã đầu tư xây dựng một cầu vượt dành cho người đi bộ.
Tuy nhiên, nhiều người thường chọn cách băng qua đường để sang trường và các bến xe buýt. Vào giờ tan trường, từng tốp sinh viên tràn trên mặt đường, gây cản trở giao thông. Khi được hỏi vì sao không sử dụng cầu vượt, nhiều sinh viên đưa ra các lý do như: thói quen, tiết kiệm thời gian...
Chị Thủy, công nhân vệ sinh tại cầu vượt Đại học Giao thông vận tải cho biết: "Hằng ngày, 3 người trong tổ luân phiên nhau quét dọn cầu vượt sạch sẽ, vậy mà không hiểu sao nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm băng qua đường".
Tuyến đường Phạm Hùng được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng 5 hầm bộ hành cho người đi bộ, bố trí gần các điểm đỗ xe buýt, tuy nhiên lượng người qua hầm rất hạn chế.
Chị Phương, bán hàng gần siêu thị Big C (đường Phạm Hùng) cho biết, hằng ngày chứng kiến nhiều người sang đường rất nguy hiểm. "Nhà nước đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng những công trình phục vụ người đi bộ, đèn bật sáng cá ngày vậy mà họ không sử dụng", chị nói.
Việc sang đường tùy tiện và không có sự nhường nhịn của các phương tiện tham gia giao thông đã gây nên nhiều hệ lụy. Khi tìm hiểu thực tế trên đường Phạm Hùng, phóng viên đã chứng kiến cảnh, do tránh một phụ nữ sang đường, chiếc taxi lao vào lề đường đâm một xe máy. Người đi bộ cũng bị thương nhẹ,
Theo Phòng CSGT Hà Nội, trong gần 500 vụ tai nạn xảy ra 6 tháng đầu năm, có 44 vụ do người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định và bảo đảm an toàn giao thông
Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, không khó bắt gặp cảnh người đi bộ tùy tiện qua đường, dù vạch sơn dành cho bộ hành chỉ cách 15-20 mét. Có người sẵn sàng trèo qua dải phân cách cứng giữa đường, vượt đèn đỏ, chạy qua đầu xe cơ giới...
"Một số người cho rằng, Luật Giao thông đường bộ là của xe cơ giới còn người đi bộ thì tùy tiện tham gia giao thông. Người điều khiển xe phải nhường người đi bộ. Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm từng bước xây dựng văn hóa giao thông của người Hà Nội", ông Ngọc nói.
Xuân Tùng