Một lập luận mà tin nhắn này đưa ra: “Tính riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Giả sử cứ 3 người có 1 xe máy, mỗi ngày bạn đi qua 8 ngã tư. Xác suất gặp đèn đỏ là 50%. Xác suất gặp đèn đỏ trên 20 giây là 30%. Nhiên liệu đỗ xe bằng chạy xe = 760đ/km. Một giây đi được 0.00617km. Mỗi năm hai thành phố nói trên tiết kiệm được 328 tỉ đồng. Bạn hãy nhắn tin này cho mọi người và chúng ta cùng hy vọng nhận được hưởng ứng của mọi người chậm nhất là sau 1 tháng”.
Thoạt nghe, lập luận này quả rất có lý, vì việc tắt máy động cơ sẽ vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm được lượng xăng đáng kể cho người sử dụng. Tuy nhiên, nếu phân tích một cách khoa học, chưa hẳn tắt máy động cơ đã là một điều có lợi.
Thảo luận về vấn đề này, có rất nhiều ý kiến khác nhau: có người cho rằng nếu tắt động cơ xe khi có đèn đỏ rồi khởi động lại, nhiên liệu tiêu tốn còn nhiều hơn. Chưa kể một số trường hợp, do xe cũ nếu khởi động lại mà không nổ máy, sẽ gây ách tắc giao thông.
Anh Trần Việt Hùng, thợ kỹ thuật của hãng xe Honda Việt Nam cho biết: “Việc khởi động lại gây thiệt hại hơn để máy nổ. Nếu xe có dung tích 150cm3 trở lên thì hãy tính tiết kiệm bằng việc tắt máy. Việc đề nổ và khởi động làm động cơ hao mòn và tốn xăng hơn chạy ở chế độ cầm chừng nên tính toán kỹ trước khi tắt máy xe. Nếu phải dừng quá 90 giây thì hãy nên tắt máy”.
Hiện trạng lưu thông trong các thành phố lớn phần đông là xe gắn máy, các đèn đỏ ở giao lộ cũng sáng không quá 90 giây, thông thường đèn đỏ sáng trong vòng 30-60 giây, thậm chí nhiều ngã tư chỉ có 20 – 25 giây cho nên việc tắt máy xe sẽ có hại hơn là có lợi. Khi dừng xe bạn để ở chế độ ga thấp nên lượng xăng tiêu thụ rất ít. Nếu bạn tắt máy rồi khởi động lại, lượng xăng tiêu thụ cho khởi động nhiều nên bạn chẳng tiết kiệm bao nhiêu mà máy khởi động nhiều sẽ hao mòn hơn. Chỉ nên tắt máy trong trường hợp bị kẹt xe quá lâu cho đỡ ô nhiễm. Ở các nước châu Âu và ở cả Việt Nam khi kẹt xe thường 10-15 phút là chuyện thường, lúc ấy việc tắt máy xe hơi là điều tốt cho môi trường…
Một số ý kiến khác cho rằng, cứ nghĩ tắt máy là một cách tiết kiệm, nhưng thực ra đó là sự lãng phí, chỉ nên tắt xe khi dừng chờ tàu hoả hoặc ở những giao lộ có đèn đỏ quá 90 giây. Và sẽ nguy hại hơn, nếu người sử dụng xe máy đã cũ, nếu không khởi động lại được thì dễ có tai nạn xảy ra, người đi sau không biết bạn tắt máy, họ sẽ cố đi mau qua đường và húc vào xe bạn.
Tuy nhiên, hiện nay việc tắt máy khi dừng ở đèn xanh đèn đỏ đã trở thành thói quen của một số người. Ít nhiều, việc tắt máy lúc chờ đèn xanh cũng làm giảm độ ô nhiễm trong thời gian chờ đợi cho những người xung quanh. Vậy nên, chỉ tắt máy ở những giao lộ có thời gian chờ đợi tương đối lâu và luôn đảm bảo rằng xe bạn có thể khởi động lại bất kỳ lúc nào.