Đội ngũ BLV của VTV như Khắc Cường, TBC, Việt Khuê làm BLV của truyền hình nhưng cách tiếp cận lại là của BLV truyền thanh (tường thuật lại những gì đang diễn cho người khác không ở đó nghe) nên bị ghét là đúng rồi.
Truyền hình đã phản ánh toàn bộ giá trị của trận đấu rồi, người ta đầu tư camera cho nét hơn, rõ hơn. Lắp đặt camera ở nhiều vị trí, nhiều góc độ trên sân để ghi lại đầy đủ hình ảnh thực tế của trận đấu, đặt micro để thu lại âm thanh thực tế từ tiếng gọi nhau của cầu thủ trên sân, tiếng chỉ đạo của HLV, tiếng hò reo cổ vũ của CĐV trên khán đài. Người xem truyền hình vì thế được cảm nhận được đầy đủ hình ảnh, âm thanh và không khí thực của trận đấu. BLV bóng đá chỉ là là người truyền thêm lửa, truyền thêm cảm hứng cho người xem thông qua kiến thức của mình về bóng đá như phân tích chiến thuật, cung cấp thêm thông tin về cầu thủ, về đội bóng, về trận đấu..., BLV giỏi phải biết tiết chế theo nhịp độ của trận đấu, tiết chế để khán giả truyền hình được hưởng những lợi ích của truyền hình mang đến.
Một trận đấu căng thẳng, 2 đội đều giữ miếng, bóng được kiểm soát chặt chẽ và chỉ quyết định bằng vài đường bóng thì không thể bình luận một cách tưng bừng, nói vô tội vạ được mà phải để những khoảng lặng để chính người xem cũng cảm thấy sự căng thẳng trên sân bóng, cảm thấy đây là cuộc chiến của những cái đầu và lý trí chứ không phải là cuộc chiến của cơ bắp. Ngược lại, khi thế trận cởi mở, tốc độ trận đấu rất cao thì sự hào hứng trong từng lời nói, âm sắc của BLV sẽ làm cho người xem cảm thấy hứng khởi hơn.