Các đại biểu tham dự hội thảo một số vấn đề lớn cần sửa đổi của Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) được Ủy ban Tư Pháp Quốc hội tổ chức ngày 24/5 đã đưa ra nhiều sáng kiến đáng chú ý.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Ảnh: Lê Kiên/Tuổi Trẻ)
"Đề nghị nghiên cứu không in các loại tiền có mệnh giá lớn, nếu chỉ in loại tiền có mệnh giá 20.000 đồng thôi, không cho phép giao dịch bằng ngoại tệ thì người ta rất khó đưa phong bì bởi khi đó phong bì sẽ rất dày".
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đức Hiển, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cường cho rằng các giải pháp, quy định về chống tham nhũng còn hời hợt và kém hiệu quả, lấy ví dụ củ thể các biện pháp quản lý tài sản qua trả lương theo tài khoản ngân hàng hay biện pháp kê khai tài sản.
"Dân bảo sao cán bộ kê khai tài sản thấy ai cũng nghèo mà người ta đi ôtô nhiều thế", ông Cường đặt câu hỏi.
Chia sẻ ý kiến với ĐBQH Nguyễn Sỹ Cường, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc kiểm tra tìa sản phải được tiến hành liên tục, và phải "hình sự hóa" việc xử lý các khối tài sản "bất minh".
Ông đề nghị bổ sung vào Luật PCTN: “Quy định người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm giải trình khi phát hiện người thân gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột có tài sản tăng hoặc tiêu dùng lớn so với thu nhập.
Quy định trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm thì tài sản đó là tài sản tham nhũng, bị tịch thu và người đó bị xử lý trách nhiệm tùy theo giá trị tài sản không giải trình được”.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung cho dự án Luật PCTN sẽ được trình lên Quốc hội xem xét vào cuối năm 2016 để có thể thông qua vào giữa năm 2017 theo kế hoạch.
http://www.baomoi.com/de-nghi-chong-tham-nhung-bang-cach-khong-in-tien-menh-gia-cao/c/19466551.epi?utm_source=dapp&utm_medium=facebook&utm_campaign=share