Tết đến rượu thịt no say nên e đổi ý, e vote cho cụ Trần Khát Chân là đệ nhất hổ tướng.
~~~
Thái ấp Kẻ Mơ của Trần Khát Chân
Tương truyền, vùng này mơ mọc thành rừng nên gọi là động mơ (Mai Động). Kẻ Mơ xưa, nay là các làng:
Hoàng Mai, Tương Mai, Mai Động và phố Bạch Mai (từ Ô Cầu Dền đến ngã tư chợ Mơ - phố Minh Khai - phố Trương Định - phố Đại La, ngày xưa gọi là ngã tư Trung Hiển đến tận Yên Sở).
Kẻ Mơ nằm ở vùng ngã ba sông Kim Ngưu - sông Sét (ở Thanh Trì), cửa ngõ phía Nam Thăng Long.
Nay có thể nhận ra đất thái ấp Cổ Mai vốn từ cửa Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác trải dài đến hai xã Trần Phú và Yên Sở, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Thái ấp Kẻ Mơ ra đời trong hoàn cảnh đất nước ta luôn phải đối phó quân Chiêm nhiều lần từ biên giới phía Nam đem quân sang xâm lược.
Có lần chúng kéo quân vào kinh sư đốt phá cung điện. Toàn Thư chép:
“Năm 1371, tháng 3 nhuận, người Chiêm Thành từ cửa biển Đại An (tức cửa Đáy ngày nay) tiến thẳng đến kinh sư...
Bấy giờ thái bình đã lâu, biên thành không có phòng bị, giặc đến không có quân để chống lại. Giặc đốt cung điện đồ thư trụi cả. Trong nước từ đấy sinh ra nhiều chuyện.”
Vì thế, cửa ngõ phía Nam kinh thành tăng cường phòng thủ.
Triều đĩnh chọn tướng Trần Khát Chân có công đánh thắng quân Chiêm và giết được Chế Bồng Nga (người nhiều lần cầm quân xâm lược Đại Việt), trấn giữ chốt cửa ngõ phía Nam kinh thành Thăng Long.
Hiện nay, thái ấp Kẻ Mơ xưa, dấu tích còn lại là đình Hoàng Mai và bản thần tích về Trần Khát Chân ở đền thờ cùng các địa danh, lưu hình ảnh một thời nơi đây là thái ấp Trần Khát Chân.
Hơn 6 thế kỷ qua, trải biết bao biến cố lịch sử, dấu vết thái ấp Cổ Mai vẫn còn lưu đậm nét.
Các làng Tương Mai, Khuyến Lương, Yên Duyên… đều từ lâu lập đền thờ và tôn thờ Trần Khát Chân làm thành hoàng làng.
Hơn 20 năm trước, kết quả khảo sát khảo cổ học tại khu vực này cho biết:
Gần đình làng Hoàng Mai có gò đất cao, dân gọi là Đình Đụn, là kho chứa thóc của Trần Khát Chân.
Cánh Đồng Nghê nhiều nghê đá, sấu đá. Giữa cánh đồng có gò đất cao, tương truyền là nền phủ đệ Trần Khát Chân.
Cánh Đồng Mui Trâu là nơi nuôi trâu do Phạm Ngưu Tất trong coi.
Đền Lừ, bên bờ sông Kim Ngưu, nay bị phá hoại, xưa thờ viên quan trông coi phường đánh cá trong khu vực thái ấp.
Điều này phù hợp đặc điểm địa lý của vùng nhiều sông hồ phía Nam này. Có lẽ, nghề đánh cá rất thịnh hành ở đây nên lập cả “phường đánh cá."
Ở Kẻ Mơ, nhân dân còn giỏi làm ra những đặc sản:
Xôi lúa (xôi ngô), rượu, đậu mơ, thịt bò tái. Hoàng Mai có nghề nấu rượu. Rượu ở đây nổi tiếng ngon:
“Rượu Kẻ Mơ, cờ Một Trạch", thời nào cũng được nhắc đến và được lưu truyền trong dân gian qua các bài thơ:
Em là con gái Kẻ Mơ
Em đi bán rượu tình cờ gặp anh
Rượu ngon chẳng quản be sành...
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may.
Rượu nhạt uống lắm cũng say,
Áo rách có mụn, vá ngay lại lành.
Khảo dị:
Em là con gái trẻ thơ,
Em đi bán rượu tình cờ gặp anh.
Rượu ngon chẳng lọ be sành,
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may.
Rượu ngon uống lắm thì say,
Người khôn nói lắm hết hay hoá nhàm.
Em là con gái đương tơ,
Em đi bán rượu tình cờ gặp anh.
Rượu ngon bất luận be sành,
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may.
Rượu chẳng ngon uống nhiều cũng say,
Áo rách có chỉ vá ngay lại lành.
Tôi là con gái Kẻ Mơ,
Tôi đi bán rượu tình cờ gặp anh.
Rượu ngon chẳng quản chai sành,
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may.
Rượu lạt uống lắm cũng say,
Người khôn nói lắm cũng hay ra nhàm.
Nguồn: Phan Hách, Ca dao trữ tình Việt Nam, NXB Hải Phòng, 2006
Hoàng Mai còn có nghề trồng hoa. Tương Mai có nghề làm tương, làm đậu.
Đậu Mơ nổi tiếng ngon, ít nơi sánh kịp, hình dáng rất đặc biệt - hình vuông. Tương làng Tương Mai làm bằng quả mơ ngon nức tiếng.
Thịt bò tái ở Cầu Dền nổi tiếng ở vùng Kẻ Mơ.Ẩn chứa các địa danh trình bày ở trên, chúng ta có thể hình dung trong khu vực thái ấp Trần Khát Chân tồn tại nhiều ngành nghề mang tính chuyên hoá.
Có nghề trồng lúa, nấu rượu, làm tương, làm đậu. Có nghề đánh cá, chăn nuôi, có nghề chuyên sản xuất đồ sành sứ.
Đống Sành, ở khu đất trống giáp giới hai làng Hoàng Mai và Tương Mai, nơi đây có khá nhiều đồ sành sứ và các vật dụng khác.
Đồ sành sứ này có lẽ liên quan mật thiết đến “đặc sản" rượu Kẻ Mơ nổi tiếng thơm ngon:
“Rượu ngon chẳng quản be sành."
Làng Tương Mai xưa và nay vẫn làm xôi lúa món ngon ăn sáng nổi tiếng của Hà Nội.
Các làng Tương Mai, Mai Động có đậu Mơ, món đậu phụ trắng mềm trong bữa cơm gia đình của người Hà Nội. (Đại Nam Nhất Thống Chí, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1971, T3, tr.182-183)
Nhiều nghề truyền thống: nghề làm quạt ở làng Lủ, nghề dát bạc ở làng Giáp Lục, nghề kim hoang ở Định Công.
Tại Định Công hiện có đền thờ ba anh em họ Trần là Tổ của nghề kim hoàn Việt Nam.
Có lẽ trước khi thành thái ấp, những nghề này từng ra đời và tồn tại lâu dài trong vùng Kẻ Mơ. Bởi có nghề nổi tiếng đến tận ngày nay như nghề làm đậu mơ.
Thái ấp Kẻ Mơ tồn tại từ 1390 đến 1399. Năm 1399, do mưu sát Hồ Quý Ly không thành, Trần Khát Chân bị giết.
Tưởng nhớ công lao ông với đất nước và với khu vực thái ấp, dân ở đây thờ ông làm thành hoàng. Đến trước Cách mạng Tháng Tám, dân các làng Kẻ Mơ đều thờ ông.
Bên cạnh đình Hoàng Mai có chùa Nga Mi có bia đá dựng năm Hồng Đức thứ 7 (1476), nội dung kể trùng tu chùa. Như vậy chùa phải ra đời trước thời Hồng Đức và rất có thể là thời Trần.
Hiện nay ở Hoàng Mai và Tương Mai đều có đình thờ Trần Khát Chân. Đình làng Tương Mai, ngoài thờ Trần Khát Chân còn thờ Phạm Ngưu Tất.
Nay đất Hoàng Mai còn có đường phố Trần Khát Chân với các đường phố nhà cửa cao tầng hiện đại.
Làng Tương Mai là 1 trong 4 làng vùng Kẻ Mơ, nằm cửa ngõ phía Nam kinh thành Thăng Long, trên đường từ phía Nam lên Thăng Long, từ Quán Gánh về Chợ Mơ.
Thời Lê, Nguyễn, người buôn bán, quan lại các nơi về Thăng Long, Hà Nội đều đi trên đường này và thường lấy các làng Mơ làm trạm nghỉ chân.
Dân làng Tương Mai mở nhiều quán cơm phục vụ khách, nên làng còn có tên Nôm là Mơ Cơm, khác làng Hoàng Mai gần đó được gọi Mơ Rượu, vì chuyên nấu rượu.
Còn làng Bạch Mai chuyên bán thịt lại có tên Nôm là Mơ Thịt.
Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, làng Tương Mai là xã thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng (1831 đổi làm tỉnh Hà Nội).
Năm 1899 cắt về tổng Thịnh Liệt. Chống Pháp, làng Tương Mai trong quận VII của Hà Nội. Hòa bình lập lại (1954), làng trong xã Hoàng Văn Thụ huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.
Năm 1961, xã này nhập thêm làng Mai Động và cùng các xã trong huyện Thanh Trì chuyển về Hà Nội.
10-1982, làng Tương Mai lập thành phường Tương Mai thuộc quận Hai Bà Trưng. 2003, phường Tương Mai được chuyển đến quận Hoàng Mai.
Đất lành chim đậu, về sau dân cư tụ về thêm đông đúc, Kẻ Mơ chia thành nhiều thôn làng, phường phố:
Hồng Mai (nay là phố Bạch Mai) và các thôn làng Hoàng Mai, Mai Động, Tương Mai… nay cũng thành khu đô thị sầm uất.
Quận Hoàng Mai còn nhiều làng nghề ẩm thực với các món ăn ngon nổi tiếng đất Hà Thành, như làng nghề bánh cuốn Thanh Trì, rượu Hoàng Mai, làng bún Tứ Kỳ, bún ốc Pháp Vân.
Các phường Hoàng Liệt, Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam có nghề trồng hoa, trồng rau sạch; làng cá Yên Sở v.v…
Nguyễn Trãi viết trong sách Dư địa chí:
Hoàng Mai có rượu tiến vua. Rượu làng Mơ ngon nổi tiếng trong vùng,
“Rượu làng Mơ
Cờ Mộ Trạch”
hay “Rượu làng Mơ/
Thơ Kẻ Lủ.”
Hoàng Mai giàu Di tích Lịch sử Văn hóa
Thời Hùng Vương, đất Vĩnh Tuy gọi là Vĩnh Hưng. Gần đây, khi thành phường phố để khỏi trùng tên với phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), xã Vĩnh Tuy về với tên gọi xa xưa là Vĩnh Hưng, nghĩa là mãi mãi hưng thịnh.
Quận Hoàng Mai khá nhiều DTLSVH quan trọng không chỉ với Thăng Long – Hà Nội, mà còn với cả nước.
Ở làng Mai Động có đình thờ Tam Trinh, vị tướng, nhà giáo và truyền dạy nghề đấu vật cho thanh niên. Năm 40-43 tướng Tam Trinh cùng Hai Bà Trưng đánh đuổi tướng giặc đô hộ Tô Định tàn bạo.
Ở vùng quanh đầm Đại Từ, cả 7 làng (thuộc phường Đại Kim, Hoàng Liệt) đều có đền thờ Bộ Ninh Vương, học trò Thủy Thần của Chu Văn An, người nêu cao truyền thống tôn sư trọng đạo và truyền thống thương dân.
Chùa Tương Mai khá đẹp và đình Tương Mai thờ Trần Khát Chân nổi tiếng ở đất Thăng Long – Hà Nội.
Thời Pháp thuộc, làng Tương Mai có 3 người tham gia vụ Hà Thành đầu độc tháng 6-1908.
Tại làng Tương Mai, thực dân Pháp lập trường bắn để lính tập bắn đồng thời là pháp trường xử bắn đồng chí Hoàng Văn Thụ, Thường vụ Trung ương đảng Cộng Sản Đông Dương (24-5-1944), nay là Công viên Hoàng Văn Thụ.
Đình làng Hoàng Mai thờ tướng Trần Hương, còn gọi Trần Hạng em Trần Khát Chân.
Tại làng Hoàng Mai còn có chùa Nga My nổi tiếng, bia ký ghi lại chùa này do Lý Đạo Thành cho xây từ thời Lý.
Đền Lừ ở làng Hoàng Mai, ngày xưa thuộc bến Lư Giang, nên dân gọi Nôm là Đền Lừ.
Đền còn bia đá “Dịch Lư kiều bi ký” do Trạng Nguyên Nguyễn Xuân Chính đỗ khoa Đinh Sửu (1637) ghi lại sự kiện dân hai xã Hoàng Mai và Thịnh Liệt năm 1644 góp công đức xây dựng lại cầu Dịch Lư.
Đền Lừ thờ Phạm Tổ Thu và Phạm Ngưu Tất, cũng là những người cai quản hương Cổ Mai xưa.
Đền Lừ cũng thờ Mẫu Thoải và thờ “Thủy Tinh công chúa.” Đó là bà Hoàng Thị Chang (con gái tướng Hoàng Đình Vệ).
TK.XVIII, Hoàng Thị Chang vừa 20 tuổi, thấy dân Mơ Táo đói khổ vì đê vỡ, nước lụt trắng đồng, bà chở gạo đến cứu giúp, chẳng may trời nổi gió lớn, thuyền bị lật, bà chết đuối ở cửa sông; sau đó dân Mơ Táo tạc tượng thờ bà ở Đền Lừ.
Bên cạnh Đền Lừ còn đền thờ Trần Hưng Đạo mà dân Hoàng Mai kính trọng gọi lễ hội đền này là ngày Giỗ Cha tháng Tám Âm Lịch.
Đặc biệt ở làng Khuyến Lương, nay là phường Trần Phú, phố Khuyến Lương, quận Hoàng Mai hiện còn đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Tương truyền ngày xưa hai người dạy học ở đây.
Đền mới được khôi phục 1999-2004, do công đức dân tứ phương và UBND Huyện Thanh Trì.
Tại đình Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai còn có đình thờ Nha Cát Đại Vương và công chúa Nguyệt Nga, sự tích gắn liền chiến công oanh liệt của Lê Thánh Tông năm 1471 đánh tan giặc Champa thường quấy nhiễu nước ta.
Tháng 8 năm Canh Dần (1470) vua Chiêm Thành Trà Toàn đem 10 vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa ra đánh úp Châu Hóa (Thừa Thiên).
16-11 Canh Dần Lê Thánh Tông (1460-1497) lúc đó 28, 29 tuổi kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, đánh quân Chiêm Thành quấy nhiễu, mở mang bờ cõi đất nước, thân chinh dẫn đại quân đi theo đường biển.
Nhà vua về Lam Kinh bái tế Tổ tiên, sau đó cùng trăm vạn hùng binh từ Thanh Hóa vào đến cửa biển Tư Dung (Thừa Thiên), thành Thị Nại dẹp giặc.
Năm Tân Mão (1471), 27-2 vua tự mình đem đại quân phá thành Thị Nại (Quy Nhơn). 28-2 vây thành, 1-3 hạ thành Chà Bàn, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về.
2-3 xuống chiếu rút quân. 11-4 ÂL về tới kinh đô Thăng Long; dâng tù ở Thái Miếu. 1-5 làm lễ mừng thắng trận. (Toàn Thư, Sđd, T2, tr. 445-453).
Ngọc phả đình Vĩnh Tuy cho biết đình Vĩnh Tuy thuộc trang Vĩnh Hưng, sau đổi thành Vĩnh Tuy huyện Thanh Đàm, sau nữa đổi là huyện Thanh Trì.
Từ TK.XV Lê Thánh Tông cho lấy ruộng đất để tù binh Chiêm khai hoang lập ấp, dựng vợ gả chồng trên đất Thăng Long.
Vua cho phép trang Vĩnh Hưng lập ngôi nhà làm nơi thờ vợ chồng vua Chiêm: Nha Cát Đại Vương – Nguyệt Nga công chúa thất trận bị bắt làm tù binh và chết tại đây.
Hoàng Mai - đất hiếu học, lắm người tài.
Hoàng Mai là đất địa linh nhân kiệt, lắm người tài, nhiều danh nhân văn hóa nổi tiếng đất nước. Lịch sử, Kẻ Mơ là đất học.
Triều Mạc, Tương Mai có hai vị đậu Tiến Sĩ. Các khoa thi Hương triều Nguyễn từ năm 1837 đến 1906, Hoàng Mai có 9 người đậu Cử Nhân.
Riêng khoa thi năm 1879 họ Nguyễn ở thôn Đông có 3 người đậu Cử Nhân. Dòng họ Bùi, quê ở Định Công, giữa TK.XV đến lập nghiệp ở làng Thịnh Liệt. Danh nhân nổi tiếng:
Bùi Xương Trạch (1438-1516) nguyên quán xã Định Công, huyện Thanh Đàm (sau gọi huyện Hoàng Mai).
42 tuổi đậu Tiến Sĩ khoa Mậu Tuất (1478), làm Thượng Thư Chưởng Lục Hộ Kiêm Đô Ngử Sử, Tế Tửu Quốc Tử Giám Thăng Long. Tác giả Quảng văn đình ký.
Bùi Huy Bích (1744-1802) người xã Định Công, huyện Hoàng Mai, nhà ở Thịnh Liệt, 26 tuổi đỗ Đinh Nguyên, làm đến Thị Lang Lại Bộ Hành Tham Tụng. Tác giả văn tuyển và thi tuyển.
Làng Kim Lũ (phường Đại Kim) có dòng họ Nguyễn. Khởi Tổ là Nguyễn Công Thể (1683-1757) đỗ Hội Nguyên năm 1715, làm đến Tham Tụng, Tế Tửu Quốc Tử Giám, có công dàn xếp với nhà Thanh giữ nguyên vẹn đất đai ở biên cương phía Bắc.
Nguyễn Trọng Hợp người xã Kim Lũ, huyện Hoàng Mai; đỗ Tiến Sĩ khoa Ất Mão (1865), làm quan đến chức:
Tổng Đốc Định An, Tổng Đốc Sơn Hưng Tuyên, Khâm Sai Bắc kỳ, quyền Kinh Lược Sứ, Thượng Thư Bộ Lại, Bộ Binh, Hiệp Biện Đại Học Sĩ, sung Cơ Mật Viện đại thần.
Quận Hoàng Mai nay
Hoàng Mai hiện là quận nội thành của Hà Nội. Quận được lập theo Nghị định số 132/2003/NĐ-Cp ngày 6-1-2003 của Thủ tướng Chính Phủ; dựa trên diện tích và dân số của 9 xã thuộc huyện:
Thanh Trì là Định Công, Đại Kim, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở và 55 ha diện tích của xã Tứ Hiệp, cộng với diện tích và dân số của 5 phường Mai Động, Tương Mai, Tân Mai, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ thuộc quận Hai Bà Trưng.
Quận Hoàng Mai phía Đông Nam Hà Nội. Phía Đông giáp huyện Gia Lâm, Tây và Nam giáp Huyện Thanh Trì, Bắc giáp quận Thanh Xuân và quận Hai Bà Trưng.
Quận Hoàng Mai có đường giao thông thủy trên sông Hồng; có các đường giao thông quan trọng đi qua:
Quốc lộ 1A, 1B, đường vành đai 3, cầu Thanh Trì.
Trụ sở UBND quận Hoàng Mai hiện tọa lạc tại phường Thịnh Liệt. Quận Hoàng Mai có diện tích 4.104,1 ha (41,04km2) và 14 phường:
Định Công, Đại Kim, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở, Mai Động, Tương Mai, Tân Mai, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ.
Hiện Hoàng Mai là quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, các công trình cao ốc, nhà chung cư cao tầng và các khu đô thị mới đang hoàn thiện, làm mới bộ mặt vùng Cổ Mai xưa thành vùng đô thị phía Nam Hà Nội.
Truyền thống nhân nghĩa, yêu nước, thương dân của Lê Thánh Tông, Trần Khát Chân, Nguyễn Trãi, Hoàng Thị Chang, Hoàng Văn Thụ… và hương vị thơm ngon của khiếu ẩm thực Kẻ Mơ vẫn mãi còn vương vấn đâu đây không chỉ với người Hà Nội mà còn hấp dẫn bà con cả nước về thăm đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn vật.
Mãi mãi giữ lại:
“Rượu làng Mơ
Thơ Kẻ Lủ” và nếp học giỏi, đỗ đạt cao của thế hệ trẻ thời điểm quận Hoàng Mai đang đi lên hiện đại, hội nhập quốc tế.
Nói đến quận Hoàng Mai, mọi người nhớ ngay đến vùng Cổ Mai vốn liền kề các cửa ô phía Nam của kinh thành Thăng Long. Theo bản đồ tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1831 ở phía...
hoangmai.hanoi.gov.vn
Em là con gái Kẻ Mơ, Em đi bán rượu tình cờ gặp anh. Rượu ngon chẳng quản be sành, Áo rách khéo vá hơn lành vụng may. Rượu nhạt uống lắm cũng say, Áo rách có mụn, vá ngay lại lành.
www.thivien.net