(Soha.vn) - Với số phận “bảy nổi ba chìm” của MiG-35 thì việc tìm kiếm ứng viên thay thế MiG-21 của Không quân Việt Nam đang trở nên hết sức khó khăn.
Với hơn 50 năm chinh chiến, MiG-21 đã trở thành tiêm kích xuất sắc nhất của Không quân nhân dân Việt Nam. MiG-21 đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn các cuộc tập kích đường không của Không quân Mỹ mà đỉnh điểm là chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm năm 1972.
Chiến công của MiG-21 là không thể phủ nhận nhưng gánh nặng tuổi tác đang đè nặng lên vai tiêm kích huyền thoại này. Dù có được nâng cấp lên các tiêu chuẩn mới hiện đại hơn nhưng MiG-21 khó lòng đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thời buổi tác chiến công nghệ cao.
Đã đến lúc MiG-21 của Việt Nam cần được thay thế bằng những tiêm kích hiện đại hơn có như thế mới có thể đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới. MiG-21 cần được “an nghĩ” trong các bảo tàng như một minh chứng cho những năm tháng kháng chiến chống Mỹ hào hùng.
Với số phận long đong như hiện nay, MiG-35 khó lòng có cơ hội để trở thành ứng viên thay thế MiG-21 của Việt Nam.
Khi chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 4++ MiG-35 được giới thiệu, nhiều người đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào chương trình này. MiG-35 từng được xem là ứng viên xứng đáng để thay thế cho MiG-21, đặc biệt, cộng đồng mạng Việt Nam luôn xem MiG-35 là ứng viên xuất sắc để thay thế Én bạc MiG-21 trong biên chế Không quân nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, từ khi trình làng trước công chúng thế giới vào triển lãm Aero India vào năm 2007 đến nay đã 6 năm trôi qua tiêm kích này vẫn chưa dành được bất kỳ hợp đồng nào dù nó được đánh giá rất cao. Sau khi thất bại tại chương trình đấu thầu MMRCA của Ấn Độ số phận của ứng viên thay thế MiG-21 tuột dốc không phanh.
Trong con mắt BQP Nga, MiG-35 chỉ là hạng “con ghẻ”, cam kết mua 37 chiếc MiG-35 của BQP Nga liên tục tìm cách hoãn đi hoãn lại. Tiêm kích này đang đứng trên bờ vực bị “khai tử”, nếu không giành được hợp đồng từ BQP Nga thì khả năng thay thế MiG-21 của nó gần như bằng 0.
Với bất kỳ chương trình phát triển vũ khí nào thì số lượng đặt hàng phải đủ lớn để đảm bảo duy trì dây chuyền sản xuất cũng như lợi nhuận cho đơn vị phát triển và các công ty vệ tinh. Cho dù Việt Nam có đặt hàng mua MiG-35 thì số lượng đặt hàng là không đủ lớn để đảm bảo các yêu cầu nói trên.
Khi số phận của MiG-35 đang ở trong tình cảnh “bảy nổi ba chìm” thì việc tìm kiếm ứng viên thay thế MiG-21 của Việt Nam càng trở nên khó khăn hơn. Trước đó, một số trang mạng của Việt Nam đã nhận định JAS-39 Gripen của Thụy Điển cũng là một trong những ứng viên sáng giá để thay thế MiG-21 của Việt Nam.
Nếu lựa chọn JAS-39 Gripen, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về mặt hạ tầng kỹ thuật cũng như chi phí.
Tuy nhiên, việc lựa chọn JAS-39 sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ về mặt kỹ thuật. JAS-39 là một tiêm kích được phát triển theo tiêu chuẩn NATO về tất cả các đặc tính kỹ chiến thuật, vũ khí, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.
Nếu mua JAS-39, Việt Nam sẽ phải gánh thêm một khoản kinh phí khổng lồ để đầu tư các trang thiết bị thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng và vũ khí phù hợp với tiêu chuẩn của tiêm kích này, trong khi đó ngân sách quốc phòng hàng năm của Việt Nam tương đối eo hẹp. Ngoài ra, còn quá trình đào tạo chuyển loại bởi phần lớn phi công Việt Nam đều quen thuộc với các máy bay của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay.
Mặt khác, việc đầu tư thêm các hệ thống điện tử và vũ khí theo tiêu chuẩn phương Tây sẽ gây nên những trở ngại nhất định trong vấn đề đồng bộ hóa giữa các hệ thống của Nga và phương Tây. Những hệ thống này thường được thiết kế rất khác nhau và khó có khả năng hoạt động trong một môi trường thống nhất.
Một trở ngại khác đối với ứng viên JAS-39 là đơn giá của tiêm kích này khá “chát” với cấu hình tiêu chuẩn của JAS-39, đơn giá mỗi chiếc khoảng 60 triệu USD. Trong khi đó, với cấu hình mạnh nhất, MiG-35 có giá khoảng 45 triệu USD/chiếc, một mức giá khá phù hợp với ngân sách quốc phòng khiêm tốn của Việt Nam.
Cũng có một số nhận định cho rằng, Việt Nam sẽ tập trung phát triển phi đội đánh chặn hạng nặng với nòng cốt là các tiêm kích Su-30MK2 và tương lai có thể là Su-35 mà không duy trì 2 dòng tiêm kích một đánh chặn hạng nặng tầm xa và một bảo vệ không phận như hiện nay.
Với Không quân Việt Nam hiện nay, nhiệm vụ đánh chặn hạng nặng tầm xa được giao cho Su-27 và Su-30MK2, còn nhiệm vụ bảo vệ không phận được giao cho MiG-21. Nhưng trong tương lai, nhiều khả năng Việt Nam sẽ mua Su-35 để đảm đương cả hai nhiệm vụ cùng lúc là đánh chặn tầm xa và bảo vệ không phận bởi Su-35 có khả năng cơ động trong phạm vi hẹp rất tốt.
Cuộc truy tìm ứng viên thay thế MiG-21 đang đứng trước ngưỡng cửa của nhiều sự lựa chọn khó khăn và Én bạc MiG-21 sẽ còn phải tiếp tục ghánh nặng nhiệm vụ trên đôi cánh già nua của mình thêm ít nhất là 5-10 năm nữa.