Bài này nhà cháu thấy hay:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140112/xo-xat-o-samsung-thai-nguyen-va-su-vo-ky-luat-cua-lao-dong-viet-nam.aspx
Xô xát ở Samsung Thái Nguyên và sự vô kỷ luật của lao động Việt Nam
(TNO) Một doanh nhân từng nói với tôi, đại ý: bí quyết phát triển tột bậc và thành công của hai quốc gia sừng sỏ Đức và Nhật có thể gói gọn trong ba chữ: kỷ luật cao.
Trong vụ ẩu đả tại công trình nhà máy Samsung Thái Nguyên, các công nhân châm lửa đốt cháy 3 thùng container - Ảnh: Nam Anh
Chúng ta là những lao động kém kỷ luật
Sự việc hàng ngàn công nhân ở công trường xây dựng nhà máy
Samsung Thái Nguyên xô xát với bảo vệ đang thu hút chú ý của dư luận mấy ngày nay. Đúng sai như thế nào và đến đâu, chúng ta chưa ai biết chắc, hãy chờ phán quyết của cơ quan chức năng. Điều tôi muốn nói ở đây là người dân Việt Nam nói chung, người lao động nói riêng, ý thức về kỷ luật rất kém. Nhất là kỷ luật lao động. Và thường xuyên vi phạm kỷ luật lao động.
Người làm văn phòng vi phạm kiểu văn phòng như đi trễ năm mười phút, làm việc lề mề, tác phong luộm thuộm, lãng phí cơ sở vật chất,… Công nhân cũng vi phạm kiểu công nhân: không thẻ tên khi ra vào nhà xưởng, không chịu đội mũ bảo hiểm, không đeo dây an toàn, không tuân thủ các qui định phòng cháy, hút thuốc lá vô tội vạ,…
Và, chẳng cần kể ra thì ai cũng biết đã có quá nhiều hậu quả nghiêm trọng từ sự vô kỷ luật đó.
Khi chỉ có người Việt với nhau, chúng ta không nhận ra rằng mình rất vô kỷ luật. Chỉ khi các công ty nước ngoài vào thuê công nhân Việt Nam, ta mới thấy choáng. Sao mà họ thô bạo, sao mà họ hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay với người mình. Đi trễ mấy phút bị mắng, để xe không đúng chỗ bị chửi, thường xuyên vào nhà vệ sinh cũng bị phạt, xả rác không đúng chỗ bị đánh, ăn vặt trong giờ làm bị đập,…
Không thể nào kể hết những lỗi “lặt vặt” mà người lao động Việt Nam bị quản lý các cấp dùng bạo lực để điều chỉnh. Nhưng, những lỗi “lặt vặt” đó thực ra chính là vi phạm kỷ luật lao động.
Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam, nhất là Đài Loan hay Hàn Quốc, thường có cách hành xử khắc nghiệt này. Tìm hiểu kỹ hơn sẽ thấy đó gần như là bản tính của họ, họ sẵn sàng dùng bạo lực ngay cả với công nhân ở chính nước họ (hoặc vùng lãnh thổ của họ), chứ chẳng riêng gì với người Việt ở tại Việt Nam. Là những nước, vùng lãnh thổ phần nào có tác phong công nghiệp sớm hơn chúng ta, họ khó lòng chấp nhận sự việc đó lặp đi lặp lại nhiều lần, từ người này qua người khác.
Còn chúng ta, mỗi khi có một sự việc như bảo vệ hay quản lý đánh đập
công nhân, chúng ta thường nhạy cảm quá đáng, thổi phồng vấn đề. Nhất là từ khi có mạng xã hội, sự việc thường bị làm cho nghiêm trọng hơn.
Tôi nghĩ, chúng ta cảm thấy tổn thương nặng nề như vậy là vì ta thường tự đặt mình vào thân phận kẻ làm thuê một cách mặc cảm đầy tự ti, dưới cơ và lép vế, nên chúng ta thường gọi đó là ngược đãi, hành hạ,…
Thường ngày chúng ta có nhẹ nhàng lịch lãm với nhau không? Chúng ta phản ứng thế nào khi có người xâm phạm quyền lợi của chúng ta? Tôi thấy chúng ta cũng không tương thân tương ái như chúng ta vẫn hằng tưởng. Cứ đọc báo là biết ngay chúng ta đang nhường nhịn nhau ở mức nào.
Hay cứ người Việt thì có quyền thô bỉ với nhau?
Sự cần thiết của kỷ luật
Nếu chúng ta thực sự tự tôn trọng mình bằng cách tuân thủ một trăm phần trăm kỷ luật lao động do doanh nghiệp đề ra, sẽ chẳng bao giờ có chuyện xô xát đáng tiếc như ở Samsung Thái Nguyên hoặc nhiều nơi khác.
Chúng ta thường ngụy biện với nhau rằng sống phải có lý có tình. Nhưng cái tình của chúng ta thực ra chỉ là sự xuề xòa, là tiêu chuẩn kép, là sự lấp liếm bao che cho tính vô kỷ luật của chúng ta mà thôi.
Kỷ luật là những qui định trong một tập thể mà mọi thành phần trong đó cần phải tuân theo để đảm bảo trật tự cũng như sự vận hành hiệu quả. Kỷ luật cũng là biểu hiện ở dạng đơn giản và sơ cấp của luật pháp. Có tôn trọng kỷ luật thì mới biết tôn trọng luật pháp.
Kỷ luật còn là sự kết hợp của nhận thức và ý chí. Con người, tự cho là động vật bậc cao, tin rằng chỉ mình mới có nhận thức và ý chí. Vậy khi từ chối kỷ luật, là chúng ta đang tự hạ thấp chính mình.
Doanh nghiệp đề ra kỷ luật là nhằm đảm bảo quyền lợi của cả đôi bên: doanh nghiệp và
người lao động. Kỷ luật giúp quá trình lao động an toàn và đảm bảo năng suất lao động. Là người lao động thiết nghĩ giữ kỷ luật phải là yêu cầu cơ bản và tối thiểu. Song dường như người lao động Việt Nam ít nghĩ được như vậy. Quả là đáng buồn.
Đừng tự an ủi rằng chúng ta có lợi thế là nhân công dồi dào và giá rẻ. Rẻ mà vô kỷ luật thì cũng chẳng có gì tự hào hay thuyết phục. Chúng ta đang thụt lùi trong cuộc chạy đua với các nước xung quanh và đang phải trả giá cho điều gọi là “giá rẻ”. Bởi không phải chỉ có chúng ta mới biết câu “tiền nào của nấy”.
Phạm Quy
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là thợ thủ công, blogger sống và làm việc tại TP.HCM