Cảm xúc của 1 fan hâm mộ khi trực tiếp xem ca sĩ Hoàng Oanh trình diễn ở Singapore – chương trình Paris By Night 130
Chương trình Paris By Night 130 ở Singapore đánh dấu lần đầu tiên chương trình này trở về đến gần Việt Nam đến như vậy. Và “một lần trở về thăm (gần) đất mẹ” của ca sĩ Hoàng Oanh trong chương trình lần này đã để lại nhiều cảm xúc đối với những khán giả được trực tiếp xem cô trình diễn.
Xin giới thiệu đến độc giả những dòng cảm xúc này của tác giả Khương Duy, viết sau khi được xem ca sĩ Hoàng Oanh diễn trong show thu hình của Thúy Nga vừa rồi.
Ngay trước khi bắt đầu màn trình diễn của ca sĩ Hoàng Oanh, MC Nguyễn Ngọc Ngạn vừa mới kể một câu chuyện rất vui, nhưng khi tên của cô cùng nhạc phẩm
Cuốn Theo Chiều Gió (nhạc sĩ Anh Việt Thu) được xướng lên, tất cả khán giả đều nhất loạt vỗ tay rồi nghiêm trang chờ đợi cô xuất hiện.
Ca khúc này được Hoàng Oanh thâu thanh lần đầu tiên vào dĩa nhựa năm 1965, về sau rất ít thấy các ca sĩ khác hát lại. Đúng như Nguyễn Ngọc Ngạn nói, ca khúc này không chỉ gợi cho người nghe nhiều kỷ niệm mà nó còn là kỷ niệm với chính ca sĩ Hoàng Oanh.
Trong bóng tối dưới sân khấu, tôi vẫn có thể thấy hình dáng nhỏ nhắn của cô đứng chờ trên sân khấu. Ngay khi ánh đèn bật sáng, tiếng đàn tranh réo rắt trỗi lên, cô cất giọng ngâm sáu câu thơ:
Không biết quê ta ở hướng nào
Mộng về đường cũ nẻo chiêm bao
Nửa đêm thức giấc thầm rơi lệ
Thương nhà nhớ nước dạ nao nao
Thu qua đông đến đời lưu lạc
Quê người ai thấu nỗi thương đau…
Dù nghe cô ngâm thơ đã nhiều lần nhưng trong không khí của buổi thu hình trực tiếp hôm ấy, mình bỗng cảm thấy giọng ngâm của cô khắc khoải hơn thường lệ. Được biết 6 câu thơ này do chính cô Hoàng Oanh viết và được hiệu chỉnh bởi phu quân của cô là nhạc sĩ Mai Châu.
Tôi cứ đắm chìm trong những câu thơ ấy đến khi cô bắt đầu hát câu đầu tiên mới sực tỉnh, rồi nín thở lắng nghe từng câu hát ngọt ngào, man mác buồn được nâng đỡ bởi một tiếng hát tuyệt đẹp dù người hát đã quá tuổi cổ lai hy:
Một ngày nào về thăm đất mẹ
Đường về mưa bay giăng mắc lối đi
Còn tìm đâu xanh xanh hoa cỏ
Tìm đâu đêm đêm trăng tỏ
Tìm đâu tiếng ru vào nôi
Còn tìm đâu tìm đâu mái nhà
Còn tim đâu ngôi trường cũ mến yêu
Còn tìm đâu mây buông tóc xõa
Tìm đâu em thơ nho nhỏ
Tìm đâu tuyết sương mẹ già
Gió cuốn nước chảy lạnh lùng
Đường xưa muôn lối biết đi tìm đâu ngày thơ
Lặng nhìn mưa mưa rơi nức nở
Mây trắng xây thành buồn dâng dâng lên ngất trời
Ngày thơ ơi đã qua mất rồi
Còn niềm tin trong lòng vẫn nở hoa
Còn dìu nhau trong cơn mưa gió
Dìu nhau trong cơn giông bão
Dìu nhau dắt nhau vào đời…
Thành thật mà nói, cũng giống như lần trước được gặp cô trong show của Asia, dù tôi chăm chú lắng nghe như muốn nuốt từng chữ nhưng vẫn không thể nhớ chính xác cô đã hát như thế nào. Ngay lúc đó mình đã không thể nhớ chứ không phải đến giờ hồi tưởng lại mình mới quên. Có lẽ nỗi xúc động quá mạnh trong khi thấy cô trình diễn đã lấn át ký ức của tôi về bản thân ca khúc mà cô đang hát.
Tôi chỉ nhớ là câu hát đầu tiên
“Một ngày nào về thăm đất mẹ” được cô cất lên nghe nức nở như sắp khóc. Ở lượt hát thứ hai, khi khán giả tưởng cô đã ngưng hẳn ở câu “
Dìu nhau dắt nhau vào đời” thì cô lên tone, kết thúc phần trình diễn bằng một câu hát vút cao mà cô tự thêm vào:
“Còn tìm đâu nữa bóng người xưa…”
Tôi chắc chắn bất cứ ai có dịp nghe cô Hoàng Oanh hát
Cuốn Theo Chiều Gió trong đêm hôm ấy cũng cảm nhận được cô đang hát bằng tất cả tình yêu của một người con đã lìa xa đất mẹ từ lâu. Trong giọng hát cô chất chứa nỗi nhớ nhung và tiếc nuối. Những luyến láy mang dấu ấn Hoàng Oanh cộng thêm phần hòa âm xuất sắc hứa hẹn sẽ đưa nhạc phẩm này trở thành một tiết mục kinh điển nữa của cô trên sân khấu Paris By Night.
Tuy nhiên, phần xúc động nhất đối với tôi có lẽ không phải ở phần cô hát mà chính là những lời chia sẻ chân thành của cô với khán giả sau đó. Khi tiếng nhạc đã ngưng, cô chậm rãi nói trong niềm xúc động:
“Kính thưa quý vị, đêm nay là một đêm hát rất đặc biệt đối với hoàng Oanh. Bởi vì Hoàng Oanh đang đứng trước các khán giả trước năm 1975, các khán giả của tuổi trẻ ngày nay, các khán giả đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới và các khán giả đến từ QUÊ NHÀ VIỆT NAM.
Điều này làm Hoàng Oanh rất cảm động. Hoàng Oanh chỉ biết nhắn gửi lời cám ơn chân thành tới tất cả các quý vị khán giả đã thương mến tiếng hát Hoàng Oanh từ bấy lâu nay.
Kính thưa quý vị, đây là một kỷ niệm rất quý báu trong cuộc đời nghệ sĩ của Hoàng Oanh mà Hoàng Oanh sẽ nhớ mãi. Một lần nữa xin chân thành cảm tạ…”
Mấy chữ QUÊ NHÀ VIỆT NAM cô nói trong nghẹn ngào. Khi đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã đứng sẵn để chờ giới thiệu tiết mục kế tiếp cũng trầm ngâm lặng nhìn cô trìu mến. Có lẽ hơn ai hết ông đồng cảm với người nữ danh ca này bởi trong số các nghệ sĩ đêm nay, chỉ có hai người, Nguyễn Ngọc Ngạn và Hoàng Oanh, chưa từng về Việt Nam kể từ lúc ly hương.
Trong chương trình Paris By Night 130 này, có rất nhiều màn trình diễn xuất sắc, được khán giả hết sức tán thưởng, nhưng cô Hoàng Oanh là trường hợp duy nhất được cổ vũ nhiệt tình đến mức bất ngờ. Nghe nói đêm diễn hôm trước khán giả vỗ tay lâu đến mức cô bật khóc. Trong show Chủ Nhật mà tôi tham dự, nếu không tính những tiếng vỗ tay lác đác khi cô vừa ngâm thơ xong và cả khi cô buông câu hát đầu tiên thì có những lần khán giả vỗ tay lớn sau đây:
Lần 1: Khi cô được nhà văn Nguyên Ngọc Ngạn giới thiệu.
Lần 2: Khi cô hát hết lượt thứ nhất.
Lần 3: Khi cô hát đang hát những chữ cuối cùng.
Lần 4: Khi tiếng nhạc dứt hẳn (lần này rất dài).
Lần 5: Khi cô ngắt lời chia sẻ ở chỗ “khán giả trước năm 1975.”
Lần 6: Khi cô ngắt lời chia sẻ ở chỗ “quê nhà Việt Nam.”
Lần 7+: Sau khi cô dứt lời, khán giả đã vỗ tay rất lâu. Cảm giác như cô còn đứng bao lâu khán giả sẽ vỗ tay bấy lâu.
Lần 8+: Khi cô đi vào, khán giả vẫn vỗ tay lớn đến mức cô phải ngừng lại mấy lần để vẫy chào khán giả. Đến sát cánh gà cô vẫn ngập ngừng không nỡ bước vào, khiến cho khán giả càng vỗ tay lớn. Lúc đó tôi đã phải đứng dậy, nước mắt ứa ra vì xúc động.
Chứng kiến “hiện tượng Hoàng Oanh” trong đêm nhạc tại Singapore, tôi không thể không hạnh phúc vì thấy thần tượng của mình, huyền thoại của dòng Nhạc Vàng miền Nam, được yêu thương đến vậy. Tất nhiên các nghệ sĩ khác cũng được yêu thương nhưng ai cũng nhận thấy rằng tình cảm của khán giả dành cho cô đêm qua là đặc biệt nhất.
Khi các nghệ sĩ cùng ra chào kết thúc chương trình, cô “bị” khán giả bao vây. Cô là người cuối cùng nán lại sân khấu vì khán giả không để cô đi vào. Anh Quang Lê còn phải dìu cô để cúi xuống cầm tay người ái mộ. Trong một khoảnh khắc, ca sĩ trẻ Hoàng Mỹ An ngắm nhìn đám đông khán giả vây quanh nữ danh ca gạo cội. Hình ảnh khi đó đẹp và xúc động vô cùng. Nó không chỉ cho thấy tình yêu của khán giả dành cho cô, mà còn cho thấy sự trân trọng, ngưỡng mộ của các nghệ sĩ thế hệ tiếp nối dành cho một vị tiền bối khả kính.
Nhưng vì sao lại là Hoàng Oanh chứ không phải ai khác?
Khán giả thương cô Hoàng Oanh nhiều đến vậy, có lẽ là bởi đây là lần đầu tiên và cũng có thể là lần cuối cùng cô về gần với quê mẹ như thế. Chính vì vậy, ai cũng muốn gần cô thêm một chút. Chưa kể, hơn bất cứ ai, cô là thần tượng của nhiều thế hệ khán giả xưa và nay. Có những khán giả tóc đã bạc run run nói vì sau nửa thế kỷ mới được cầm bàn tay cô. Có những khán giả trung niên đến gần sân khấu để nhắn với cô rằng cha mẹ họ ở nhà thương cô rất nhiều. Có những khán giả rất trẻ mong cô hát hoài hoài dù cái mốc 1975 đối với họ xa xăm như một câu chuyện cũ.
Ngoài việc lựa chọn một ca khúc cảm động, gợi nhắc tình cảm thương nhớ quê hương, chính những lời chia sẻ của cô khiến đêm nhạc trở nên sâu lắng hơn, vượt qua một chương trình giải trí thông thường. Có lẽ vì thế mà phần trình diễn của cô trong Paris By Night 130 đặc biệt nổi bật, đưa cô trở thành tâm điểm của tình yêu thương của khán giả trong cả hai đêm diễn.
Tạm biệt cô Hoàng Oanh và mong sẽ còn có dịp tái ngộ cô dù ở nơi nào trên thế giới.
Hình ảnh: Tâm Như Tâm
Bài: Khương Duy
nhacxua.vn biên tập và đăng lại với sự đồng ý của tác giả
Chương trình Paris By Night 130 ở Singapore đánh dấu lần đầu tiên chương trình này trở về đến gần
nhacxua.vn