Người Sán Dìu di cư đến Việt Nam khoảng 300 năm nay, sống chủ yếu ở các tỉnh: Hưng Yên, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Tuyên Quang... Dân tộc Sán Dìu còn có tên gọi khác là: , Mán Quần cộc, Sán Dẻo, Trại, Trại Đất…
Người Sán Dìu (Nguồn. Baomoi)
Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng. Với dân tộc Sán Dìu, ngoài ngôn ngữ, các phong tục truyền thống thì đám
cưới chính là một nét văn hóa đặc trưng.
Trong tình yêu, nam nữ Sán Dìu được chủ động ở mức độ nhất định, được thể hiện tình cảm của mình với người yêu vào các dịp hội hè, các buổi chợ (23 Tháng Chạp), Lễ Tết, những ngày cưới của bạn bè, vào các buổi lao động chung của làng.
Trước đây phổ biến hiện tượng dựng vợ gả chồng cho con sớm, khoảng 13-14 tuổi vì đồng bào quan niệm “trai 20 tuổi không ngủ một mình”, “gái 18 tuổi phải có buồng riêng”.
Lễ cưới của người Sán Dìu
Theo phong tục truyền thống, nghi lễ cưới xin của người Sán Dìu diễn ra trong 4 ngày. Ngày thứ nhất là ngày nhà trai đưa lễ vật sang nhà gái, lễ vật gồm rượu và lợn.
Ngày thứ hai là ngày chính đám, tại nhà gái đáng chú ý nhất có lễ “Khai hỏa tửu”, trước hôm cô dâu về nhà chồng. Người ta lấy một bình rượu và một cái đĩa lót hai miếng giấy trắng để dưới, miếng đỏ để trên, đặt lên trên đĩa hai quả trứng luộc có xâu sợi chỉ đỏ và buộc ở mỗi bên trứng hai đồng xu. Theo quan niệm của đồng bào Sán Dìu lòng trắng trứng là bạc, lòng đỏ trứng là vàng, lòng đỏ là sự hòa thuận sinh sôi phát triển. Lòng trắng là âm, lòng đỏ là dương, âm dương kết hợp hài hòa. Vì vậy dâng trứng lên tổ tiên là cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ sống đến đầu bạc răng long. Tiền xâu và chỉ đỏ là tượng trưng trả công cho bố mẹ, lọ rượu tượng trưng cho đôi trai gái thành vợ chồng. Sau khi cúng thì bóc lấy lòng đỏ hòa với rượu để mọi người uống mừng hạnh phúc của cô dâu, chú rể. Vào khoảng một giờ sáng, cô dâu dậy khóc thảm thiết đến sáng mới thôi. Việc khóc trong ngày
cưới thể hiện đạo hiếu của người con gái đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, khóc kể về công lao nuôi nấng của cha mẹ, phận làm gái không được ở nhà chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ, thờ cúng tổ tiên. Người Sán Dìu quan niệm: Tiếng khóc càng nỉ non ai oán bao nhiêu thì chứng tỏ cô gái đó càng có hiếu với cha mẹ bấy nhiêu và cuộc sống của vợ chồng cô sau này càng gặp nhiều may mắn. Cô gái nào vụng về không biết khóc than thì cô, dì, các bác phải dạy thật cẩn thận.
Ngày thứ ba, tại nhà trai là ngày chính đám đón dâu. Trong cả ngày thứ ba này, nhà trai chuẩn bị cỗ để đón khách đến ăn
cưới.
Lễ tiễn dâu: đến giờ xuất giá, cô dâu bước qua ngưỡng cửa được anh trai hoặc anh họ cõng từ nhà cô dâu ra đến cổng rồi mới được theo chú rể về nhà chồng. Cô dâu được phủ lên đầu chiếc khăn hồng, đội một chiếc nón, có em gái, phù dâu đi hai bên, phía sau là đoàn nhà gái đưa dâu. Cô dâu không được đi nhanh, không tỏ vẻ hớn hở, nói cười mà đi từng bước chậm chạp, nặng nề tỏ lòng quyến luyến cha mẹ, nhớ thương anh chị em trong nhà. Đến gần nhà chồng mà trời chưa tối, cả đoàn đưa dâu phải dừng lại ở cổng làng, chờ xẩm tối, nhà trai mang trầu nước ra mời mới được vào nhà. Cô dâu cứ việc đi thẳng vào buồng tân hôn. Khi bước tới cửa buồng, anh chồng không được quên một việc quan trọng là nhanh chóng cướp lấy một cái khăn ở trên đầu cô dâu, trước khi cô bước vào buồng. Nếu không cướp được thì bạn bè của chú rể phải hát đối đáp với bạn bè của cô dâu, nếu đối chuẩn thì chú rể mới được nhận khăn. Sau đó, cô dâu được một bà cô (bà cô này gia đình đề huề, vợ chồng song toàn và có nhiều con) trải chiếu mời ngồi. Về nhà trai, hai bên sẽ hát giao duyên suốt đêm.