Thưa các cụ, thẻ RFID gắn lên xe khi qua trạm thu phí sẽ được đầu đọc tín hiệu vô tuyến UHF ở đó quét và định danh được xe của cụ thông qua tần số gắn với thẻ. Dĩ nhiên sẽ có các phân hệ phụ trợ như camera nhận dạng biển số xe, cảm biến phát hiện xe đến... để giúp hệ thống xác quyết đúng là xe của cụ thật chứ không phải xe khác. Do đó nếu thẻ bị dán sang xe khác thì cụ (chủ thẻ đích thực) cũng không phải lo trả phí hộ cái xe lạ kia. Còn trường hợp cụ bị bóc mất thẻ thì chắc chỉ còn cách dán lại thôi, nhưng không rủi ro gì thêm cho cụ; giá loại thẻ này UHF RFID cũng rẻ thôi, chắc vài chục nghìn đồng, và càng ngày càng rẻ.
Còn về phương thức thanh toán phí thì các cụ đăng ký một tài khoản ngân hàng với họ, mỗi lần đầu đọc thẻ lắp tại trạm quét được xe cụ đi qua thì nó kêu bíp một cái rồi trừ tiền. Kinh nghiệm của tôi ở Nhật và châu Âu là họ cho thêm lựa chọn thẻ nạp giống như điện thoại di động.
À cái dịch vụ non-stop ETC này do cái công ty đường cao tốc VETC gì đó vận hành khai thác; bên đăng kiểm chỉ giúp họ tiếp thị và gắn thẻ thôi. Tôi đã hỏi kỹ, họ nói tất cả là biếu không, chỉ khi nào xe cụ qua trạm thu phí thì nó mới bíp và trừ tiền vé.
Cái non-stop ETC này hiện đã dùng phổ biến ở mấy ông Tây, Nhật, Hàn, Đài, Sing rồi. Ích nước lợi nhà của công nghệ này thì ai cũng thấy rõ, hy vọng mấy ông nhà mình khai thác và quản lý hiệu quả.
Thực ra ngoài giải pháp UHF RFID thì còn một công nghệ rất triển vọng khác là sóng vô tuyến DSRC. Ngoài non-stop ETC ra thì cái này còn nhắm đến đa phương tiện, cảnh báo va chạm, dừng xe khẩn cấp chống đâm liên hoàn... Tuy nhiên so với RFID thì DSRC đắt hơn nhiều nên chắc mấy ông bộ GTVT còn đắn đo!