Cụ Nguyễn Công Trứ về Hiến Nam xem thầy tướng số Tầu
Cụ Trứ sinh năm 1778 và mất 1858, đỗ Giải Nguyên năm 1819, làm Tri Huyện Đương Hào 1824, sau cụ được cử làm đủ mọi việc, lúc ở trong triều đình Huế, khi ra biên ải, lúc thì được chấm thi , lúc làm Đinh điền Sứ, trổ tài kinh luân, thao lược trên khắp mọi lĩnh vực. Cụ đã có dịp đi từ biên thùy miền Bắc là Cao Bằng để dẹp giặc Nông Văn Vân. Rồi cụ lại sung chức Tân lý Cơ-Vụ cùng với tướng quân Trương Minh Giảng dẹp giặc ở Trấn Tây Cao Miên, nghĩa là từ Bắc chí Nam, nơi nào cụ cũng đã đặt chân tới.
Năm Minh-Mạng thứ 15 (1834) Cụ Nguyễn Công Trứ làm Tổng Đốc Hải Dương thường vi hành đi khắp trong hạt quan sát dân tình. Một hôm Cụ cùng đội tuần, đi về hạt Nam Sách, ghé vào một quán bên đường nghỉ uống nước. Hành khách ngồi trong quán thấy Cụ vào đều nhìn chừng chừng rồi lại liếc nhìn một anh phu cáng, cũng đang ngồi uống nước gần đấy và đều cười tủm tỉm. Đội Tuần thấy cử chỉ mọi người thì lấy làm lạ quay lại ngắm anh phu cáng thì nhận thấy tầm vóc người và râu tóc giống Cụ Trứ như đúc, chỉ khác một điều là anh này vì vất vả lam lũ, nên cốt cách kém về phong lưu.
Thọat đầu, Cụ Trứ không biết mọi người cười việc gì, một lúc lâu Cụ mới hiểu; khi anh phu cáng trả tiền nước rồi đứng dậy đi ra, Cụ cùng đội tuần cũng đi theo và lân la hỏi thăm nhà cửa anh ta ở đâu ?.
Anh phu cáng nói :
– Nhà ở trong xóm gần đây
Cụ tỏ ý muốn vào chơi, thì anh vui vẻ mời mời hai người về nhà, gọi vợ con ra chào và giới thiệu.
Cụ Trứ hỏi thăm :
– Cha Mẹ có còn không, năm nay bao nhiêu tuổi, được mấy con, sự làm ăn thế nào ?.
Anh trả lời :
– Cha Mẹ đã mất cả rồi, năm nay tôi 57 tuổi, có 5 con, gia đình nghèo túng hiện nay đi cáng thuê để độ nhật. Cụ lại hỏi :
– Có nhớ ngày sinh tháng đẻ không ?
Anh đáp : – Sinh ngày Mồng Một tháng 11 năm Mậu Tuất- giờ Hợi
Cụ lấy làm lạ, anh phu cáng này có ngày tháng năm và giờ sinh y như Cụ không sai một ly nào !
Trò chuyện một lúc lâu Cụ lấy ra một lạng bạc tặng anh rồi cáo biệt. Anh phu cáng không kịp hỏi qúy tánh người Khách.
Về nhà Cụ Trứ suy nghĩ phân vân không hiểu tại sao hai người cùng sinh ngày tháng như nhau mà một người thì đỗ Thủ Khoa làm đến Tổng Đốc, còn một người kia thì dốt nát nghèo túng một đời. Như thế thì làm gì có số Tử-Vi, chẳng qua bọn thấy tướng số chỉ nói mò, lừa bịp để lấy tiền mà thôi. Vốn xưa nay Cụ Trứ không tin tướng số mà chỉ tin có Trời thôi và mọi sự được thua là do ở Trời và ở mình, nay gặp chuyện này lại càng cho nhận định của mình là xác đáng.
Hồi ấy ở Phố Hiến, tỉnh Sơn Nam có một người Khách Quảng Đông lấy hiệu là Bình Sơn xem số Tử-Vi hay lắm, nói mười câu đúng cả mười, nhất là về hậu vận lại càng đúng. Y treo bảng ở ngòai cửa, cam đoan nếu nói sai thì xin trả lại gấp hai số tiền của thân chủ ! Cụ Trứ nghe biết chuyện, muốn xoay cho lão thầy tướng một mẻ xem có thực giỏi không. Một hôm Cụ cùng Đội tuần ăn mặc giả dạng một khách thương xuống Phố Hiến, định bụng hễ Bình Sơn đoán số này nghèo túng thì Cụ gọi Đội Tuần vào và đưa bài ngà ra làm bằng chứng, rối mắng là nói láo !. Nếu nói là số này hiển đạt thì Cụ lại xoay đấy là là số của anh phu cáng Nam Sách nghĩa là lối nào Cụ cũng thắng Bình Sơn cả.
Đến Phố Hiến, Cụ tìm vào nhà Bình Sơn, theo thể lệ đặt ba quan tiền và lá số sinh ngày mồng 1 tháng 11 năm Mậu Tuất, giờ Hợi
, nhờ xem hộ.
Thầy Bình Sơn liếc nhìn Cụ Trứ rồi lẳng lặng cầm lá số xem. Sau khi tính tóan cận thận, y nhắc bút phê lá số, mấy giòng chữ son :
– “Số này, sinh ở dưới nước đi thi đậu Thủ Khoa, làm quan đến Tổng Đốc. Nếu sinh ở trên cạn thì suốt đời nghèo túng, chỉ đi kéo xe, hoặc làm phu cáng !.”
Cụ Trứ đọc câu phê tóat mồ hôi lạnh, không còn biết nói làm sao thâm tâm phải khâm phục thầy Bình Sơn thật có tài cao đóan lý số.
Tôi biết Cụ đến đây để thử tài. Vậy số tiền này Cụ nên cầm lấy, chúng ta có duyên với nhau chắc giáp sau sẽ hội ngộ.
Cụ Trứ không từ chối đuợc, đành phải cầm ba quan tiền ra về.
Trên đường Cụ đắc ý ngẫm câu hát mà bà Mẹ Cụ xưa vẫn ru Cụ ngủ :
“ Mẹ em đẻ em dưới thuyền
Để bên thúng muối nên duyên mặn mà !”
Nguyên Cụ Trứ là con Bà thứ thiếp Nguyễn Thị, con gái quan Quản nội thị Cảnh Nhạc Bá đời Lê. Bà lấy làm lẽ Đức Ngạn Hầu Nguyễn Công Tuấn, ngụ tại làng Địa Linh, huyện Huynh Côi, tỉnh Thái Bình bấy giờ. Gặp khi tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm ra Bắc bắt Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Lê Chiêu Thống chạy sang Tầu. Đức Ngạn Hầu khởi quân Cần Vương chống Tây Sơn bị thất bại, nhà cửa bị tàn phá, bà phải đi buôn muối để sinh sống. Khi có mang Cụ Trứ thì bà nằm ở thuyền muối do lái thuyền chở đi các nơi bán, và lúc giở dạ đẻ ngay ở duới thuyền. Vì thế khi cụ Trứ thấy thầy Tướng số Bình Sơn nói trúng thì Cụ phục ngay là thầy cao đoán.
Nghĩ tới người phu cáng già, cụ Trứ ái ngại, sai đội tuần đem một món tiền xuống Nam Sách chu cấp cho người đó. Tháng sau, Cụ Trứ lại vi hành đến Phố Hiến thăm thầy Bình Sơn thì thầy đã dọn nhà đi nơi khác rồi, hỏi thăm hàng xóm không ai biết ông thầy dọn đi đâu.
Rồi 12 năm sau, đúng một giáp như thầy tướng số đã nói. Cụ Trứ về làm Phủ-Dõan Thừa Thiên ở Kinh đô Huế. Cụ đến chơi nhà ông Nội các Vũ Phạm Khải thì gặp ngay thầy Bình Sơn ở đấy. Hai người gặp nhau mừng khôn kể, Cụ Trứ mời thầy Bình Sơn về nhà trò chuyện suốt đêm. Thầy Bình Sơn khuyên Cụ nên từ quan về hưởng thú thanh nhàn, không nên vùi đầu vào vòng danh lợi mãi làm chi.
Cụ Trứ nghe lời, dâng sớ xin hồi hưu. Sau khi cụ Trứ về trí sĩ, thầy Bình Sơn đóng cửa tạ tân khách, thường chỉ ngâm vịnh với Cụ Trứ và các ông Vũ Phạm Khải, Bảng nhãn Vũ Duy Thanh hiện đang làm Quốc Tử Giám Tế tửu
Một hôm vào quãng tháng hai Âm lịch, thầy Bình Sơn cùng cụ Vũ Phạm Khải đến nhà chơi nhà cụ Bảng nhãn Vũ Duy Thanh. Cụ Bảng Thanh đi vắng, thầy Bình Sơn lấy giấy bút viết hai câu để trên án thư :
Nhất giáp, nhất danh kim bảng quy (1)
Tứ nguyệt, tứ nhật, ngọc lâu thành (2)
Khi ấy không ai hiểu thầy Bình Sơn nói gì. Nhưng đến ngày mồng 4 tháng 4 ấy, cụ Bảng Vũ Duy Thanh bị cảm xòang rối mất. Bấy giờ mọi người mới biết thầy Bình Sơn có tài tiên tri.
Và cũng từ ấy không còn ai gặp Bình Sơn tiên sinh ở kinh thành Thuận Hóa nữa, có lẽ thầy đã trở về Tầu rồi.
(Bài của Ông Duy Việt trích từ tập Nội San “Quê Tôi” của Ban nghiên cứu văn hóa Hội Hưng Yên)
__________________________________________________ __
- (1) Câu này ý nói cụ Vũ Duy Thanh đỗ Bảng nhãn.
- (2) Câu này lấy điển tích Lý Hạ, một danh sĩ đời nhà Đường nằm mơ thấy Kim-Đồng hiện xuống nói là Ngọc Lâu trên Thiên Cung đã làm xong, nay vâng chỉ Ngọc Hòang đến mời Lý Hạ lên, để đề thơ. Cách mấy hôm sau Lý Hạ lâm bệnh rối mất.