Kính nhái hàng hiệu giá “một tấc đến trời”
Đủ các nhãn hiệu nổi tiếng được chủ hàng giới thiệu là hàng ngoại nhưng người tiêu dùng không thể nhận biết được nguồn gốc xuất xứ cũng như giá cả của các loại kính.
Tìm đến “thủ phủ” kinh doanh, buôn bán tại Hà Nội có tới hàng nghìn cửa hàng kinh doanh kính thời trang, kính thuốc tại các tuyến phố Lương Văn Can, Trường Chinh, Hàng Bông, Cửa Nam, Tràng Tiền, các cửa hàng thời trang, ai cũng choáng ngợp bởi các loại kính mắt kiểu dáng thời trang khiến người tiêu dùng khó mà phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.
Hầu hết các cửa hàng kinh doanh kính thuốc đều khẳng định mắt kính của mình đều đảm bảo chất lượng nhập từ Singapore, Mỹ, Italia... ngoại trừ các ký hiệu về độ loạn, cận hoặc viễn mà chỉ có nhân viên bán hàng mới có thể phân biệt được, còn trên từng bao kính đều không có nguồn gốc xuất xứ, nhà phân phối hoặc đơn vị nhập khẩu.
Một chủ cửa hàng trên phố Tràng Tiền cho biết, kính bán ở đây chủ yếu nhập từ Hàn Quốc, giá gọng kính bình dân từ 200.000 đến 300.000 ngàn đồng/chiếc, kính cao cấp giá từ 1 đến 3 triệu đồng/chiếc, giá mắt kính khoảng từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/đôi.
Tuy nhiên, thừa nhận với người viết, một chủ cửa hàng kính trên phố Lương Văn Can cho hay, phần lớn kính ở đây được nhập từ Trung Quốc và nhái theo các kiểu của châu Âu, giá bán từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/chiếc.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Đội quản lý thị trường số 4 Hà Nội cho biết, rất nhiều loại nhái hàng hiệu được nhập từ Trung Quốc, nhưng giá cả thì vô cùng. Giá gốc mà các chủ cửa hàng nhập về đối với gọng kính thường là từ 12.000 đến 40.000 đồng/chiếc, còn đối với kính gọng nhái hàng hiệu giá từ 80.000 đến 180.000 đồng/chiếc, nhưng nhiều cửa hàng có thể bán giá từ 1 triệu đến vài triệu đồng/chiếc.
Ngoài ra, một số chủ hàng bán lẻ còn nhập linh kiện về lắp ráp, nên giá các loại kính rất rẻ. Giá linh kiện để lắp kính cao cấp khoảng 25.000 – 30.000 đồng/cặp mắt kính và 30.000 đến 40.000 đồng/giọng kính. Chỉ một vài thao tác đơn giản là họ đã lắp ráp được một sản phẩm hoàn chỉnh.
Theo ông Hùng, nhiều cửa hàng giới thiệu là hàng hiệu, nhưng ngoài chiếc vỏ hộp in hiệu, chiếc khăn lau kính in logo nhà sản xuất hoặc tờ giấy bảo hành sản phẩm in tại VN thì không có gì đảm bảo chiếc kính đó là thật. Đặc biệt, những loại kính được bày bán trên các vỉa hè, các cửa hàng nhỏ lẻ…
Theo bác sĩ Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt Trung ương thì mặt hàng kính thuốc là mặt hàng kinh doanh phải có điều kiện, chuyên viên đo, cắt kính phải qua đào tạo và ngay cả các máy đo độ khúc xạ, máy đo tiêu cự cũng phải đảm bảo chất lượng. Nếu đeo kính không đúng số sẽ gây nhức mắt, dẫn đến đau đầu, giảm hiệu quả lao động, lâu dần sẽ giảm thị lực. Tuy nhiên, người lớn khi cảm thấy nhức mắt có thể biết điều chỉnh để thay loại kính khác, nhưng trẻ nhỏ đeo kính theo lời bố mẹ sẽ nhanh bị tăng số và mắt kém đi.
Bác sỹ Cương khuyến cáo việc đo mắt hiện nay ở nhiều cửa hàng không có đủ máy khúc xạ tĩnh nên với trẻ nhỏ có thể gây sai số. Đối với người tiêu dùng, kính thuốc không khác gì mặt hàng thuốc cần phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng trước khi đến tay người bệnh, vì chất lượng của mặt hàng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng. Vì vậy, để tránh mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cần tìm đến những địa chỉ đáng tin cậy, khi mua hàng phải lựa chọn hàng có dán tem nhãn chống hàng giả…
Hiện chưa có một cơ quan nào được đầu tư thiết bị cần thiết để kiểm tra chất lượng kính thuốc, nên công tác thanh, kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn. Việc nhập khẩu mắt kính cũng không cần có giấy phép của Bộ Y tế nên không thể quản lý được chất lượng mắt kính, do đó có tới 90% chủ cửa hàng không có chuyên môn y tế.