KỂ CHUYỆN ĐI KHÁM TẠI KHOA CẤP CỨU CỦA BỆNH VIỆN!
Hôm nọ em tự nhiên đau hông rồi đau xuống chân phải. Kiểu đau khó chịu lắm, lần đầu tiên em bị như thế chứ đau bình thường thì em coi như không có gì.
Vậy là em đưa con đi học rồi chạy thẳng vào khu cấp cứu của bệnh viện gần nhà nhất, mà nó nằm bên kia sông thuộc Montreal còn nhà em là ở Laval. Ở tỉnh em thì không phân biệt bệnh viện thuộc thành phố nào vì tất cả đồng bộ trên hệ thống rồi. Nên là khi có vấn đề gì thì chạy đến bệnh viện gần nhất thôi. Em tường thuật lại quy trình khám như sau:
+ Đầu tiên vào là vệ sinh tay, rồi lấy 1 cái khẩu trang bịt cái allo lại.
+ Khoảng vài phút sau sẽ có y tá gọi vào khám phân loại, tiếng Pháp là Tirage! Người y tá này sẽ hỏi mình tình hình, đo huyết áp, thấy mình đau thì sẽ cho uống tạm 2 viên giảm đau Tynenol. Rồi hệ thống tự cập nhật vụ đăng ký mình vào danh sách khám. Cũng chính người y tá này sẽ đánh giá mức độ khẩn cấp cần can thiệp.
+ Bây giờ mới là quá trình chờ và chờ. Có 1 màn hình để cập nhật thứ tự, em chờ lâu phết nhưng vì có kinh nghiệm đưa bố em khám 2 lần cấp cứu rồi nên em cũng chuẩn bị "trường kỳ kháng chiến" rồi. Chờ khoảng 2h thì thấy số của mình đã lên số 1 rồi nhưng sau đó lại tụt số 2. Là bởi vì có bệnh nhân mới và họ cần can thiệp ngay nên mình còn đợi được thì cứ từ từ nhá.
+ Cuối cùng thì em cũng được gọi vào khám. Các bác cử tưởng tượng cái khu khám nó như một cấu trúc hình vuông mà vòng ngoài là các phòng khám được đánh số. Phía bên trong hình như là không gian mở dành cho các bác sĩ để tiện trao đổi. Ví dụ em được gọi vào phòng số 4. Vào đó thì có chỉ dẫn dán trên tường, tự thoát y rồi khoác cái áo choàng bệnh viện vào để tiện thăm khám. Sau đó thì một nữ bác sĩ đi vào từ cửa đối diện cửa em vào, kiểu cửa thông với không gian mở ở trung tâm của kiến trúc đó. Nữ bác sĩ thăm khám rất cẩn thận, bắt em đứng rồi ngồi rồi nằm ngửa, nghiêng rồi đủ các kiểu tư thế để họ đánh giá bệnh tình. Có vẻ nữ bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân nhưng cô ấy chưa nói gì mà bảo em ngồi đợi chút. Lúc đó em đưa cho cô ấy tất cả số thuốc uống, bôi, dán mà em đã làm để giảm đau nhưng không có kết quả. Lát sau cô ấy trở lại với một bác sĩ nam lớn tuổi. Và họ trao đổi cũng như lại yêu cầu em làm vài động tác, có thể là ông bác sĩ ấy muốn kiểm chứng lại nhận định của nữ bác sĩ. Rồi họ lại đi ra, có lẽ vào không gian mở kia để hội chẩn thống nhất chẩn đoán chăng.
+ Lát sau nữa thì cô bác sĩ vào, giải thích bệnh tình cho em, nguyên nhân cũng như cách cải thiện là tập phục hồi song song với dùng thuốc chống viêm, giảm đau. Chắc cái mặt em thảm lắm nên thấy kê cả morphine ợ. Có điều em cũng hãi, sợ mình lại nghiện nên chỉ dám uống đúng 1 viên vào đêm đầu tiên do hơi đau quá mức rồi cất luôn, để dành ạ!
Đấy là câu chuyện đi khám cấp cứu, nếu cần khám ngay ngày hôm đó thì chạy vào cấp cứu. Nghe thiên hạ đồn là đau 1 thì phải giả bộ đau 5-6 thì mới nhanh được. Tuy nhiên, theo em quan sát thì hầu như các bác sĩ chỉ khám là chính, nếu chưa cần thiết thì họ chưa cho mình đi chụp chiếu gì đâu. Họ hỏi rất rất kỹ về tình hình của mình, trước khi đau có làm gì không, có gì bất thường không, đau thì từ đâu, diễn tiến như thế nào, đã đau thế này bao giờ chưa, hiện giờ thì đau nhất ở đâu... Tóm lại là chỉ có hỏi, khám, và đi đến chẩn đoán rồi kê thuốc tạm thời, như em là kê thuốc cho 2 tuần. Và có dặn là nếu không đỡ thì liên hệ bác sĩ gia đình nhá!
À, quên chưa nói là y tế Canada là miễn phí, nếu cần thăm khám, điều trị nội trú thì miễn phí 100%. Còn điều trị ngoại trú thì mình phải mua thuốc nhưng hiện nay cũng có kiểu bảo hiểm thuốc rồi. Mình chỉ cần đăng ký thôi và thuốc bác sĩ kê sẽ được bảo hiểm y tế của tỉnh khấu trừ, mình chỉ trả một phần thôi.
Em cũng bật mí vụ phí khám với khách du lịch, em đưa bố đi khám đau dạ dày cấp là mỗi lần chạy vào là 1100$. Nhưng em mua bảo hiểm cho bố nên mình trả trước rồi báo bảo hiểm, khai online rồi scan biên lai gửi email cho bảo hiểm là họ gửi séc về nhà.
Hiện nay thì em đã cập nhật là gần 1300$ cho một lần khám cấp cứu.
(còn tiếp, chuyện đi mua thuốc ạ)
Các bác biết quả gì đây không ạ?