Em cũng quê Nam Định, ở một làng ven đô nhưng đã moved đến Hà Nội từ gần 40 năm trước. Đến bây giờ em vẫn còn nhớ như in những hình ảnh của TP. Nam Định bé xíu của những năm 1970s. Nhớ cảnh chen chúc bẹp ruột ở ga, bến xe Nam Định thuở ấy, nhớ những đường phố nhỏ có ống thoát hơi nước từ khu nhà máy dệt, nhớ Cầu Treo, chợ Rồng, Chợ Năng Tĩnh, nhớ tiếng còi tầm u ...u...u của nhà máy dệt...
Nam Định quê em là đất có truyền thống hiếu học nhưng cũng là không hẳn là vùng đất lành đâu ạ. Nhất khi cái Liên hợp dệt Nam Định sập tiệm, hàng vạn công nhân vất vưởng, đời sống khó khăn sinh ra một loạt các tay anh chị khét tiếng. Bây giờ Nam Định bình yên hơn nhưng kinh tế thì vẫn khó khăn nhiều lắm. Thành phố hầu như chả có ngành công nghiệp, dịch vụ gì đáng kể. Mọi người chủ yếu trông mong xin được một chân ở cơ quan nhà nước hoặc không thì đi làm thuê ở các khu công nghiệp còi còi. Bão suy thoái mấy năm nay càn qua thành phố, hất thêm một cơ số người dân ra đường. Kiếm sống khó khăn, người dân Nam Định bươn chải khắp các nơi để làm ăn. Đâu đâu cũng thấy người dân Nam Định, nơi mà họ đến nhiều nhất là Hà Nội, Sài Gòn. Người Nam Định tha phuơng làm đủ thứ nghề, từ thợ xây, xe ôm, ve chai đến mở hàng phở, làm bánh kẹo. Những người học hành đỗ đạt tý thì tìm cách bám trụ lại Hà Nội hoặc là nam tiến, ít người muốn quay về quê hương.
Nhà em mỗi năm về quê vài lần nhưng cũng nhiều điều băn khoăn, day dứt. Quê mình đấy, nơi chôn rau cắt rốn hàng năm đi về cho con cái nó biết và nhớ lấy gốc gác. Thế nhưng chứng kiến cuộc sống quê nhà thì em thấy buồn nhiều hơn vui. Bờ rào cúc tần, cây duối có dây tơ vàng óng chăng đầy nay được thay bằng tường gạch cắm mảnh thủy tinh nhọn hoắt. Cái thùng đấu nước xanh trong vắt, ngày xưa em thường lặn ngụp hái hoa súng nay là nơi đổ rác của cả làng, ... Dân làng chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Trai tráng hầu hết mải đi làm kinh tế mới, lắm người phiêu bạt sang tận xứ Kim Chi hoặc Đài Loan.
Buồn là thế nên đận nào em về sáng thì đến chiều tối lại khăn gói ra đi. Trước khi đi, bà cô em lại gói ghém cho đủ món, nào là rau sạch cô trồng (không phải rau bán ra chợ tỉnh), nào là túi khoai lang, bơ lạc. Uống chén rượu gạo đùng đục, khê khê chia tay với mấy ông em họ rồi lên đường. Đi như mà như là chạy trốn.
Thằng cu bé ngồi sau nhổm lên hỏi: "- Bố ơi, bây giờ mình về Hà Nội à cơ?". "- Ừ, về Hà Nội con ạ". Bố còn phải đi làm kinh tế. Làng xóm xa dần, sẫm lại trong bóng tối nhập nhoạng đang kéo đến. Lẫn trong tiếng kéo gỗ ro ro của gấu vẫn nghe lùng bùng tiếng đứa em họ: "... thằng út nhà em năm rồi tốt nghiệp loại giỏi đấy nhưng chắc cũng chả xin được việc. Em đang tính lo cho nó suất sang Hàn ...".