Can thiệp quân sự vào Syria: Rủi ro cao, lợi nhuận thấp
Cập nhật lúc :4:51 PM, 20/01/2012
Bài viết của tác giả Marc Lynch về khả năng can thiệp quân sự của Mỹ đối với Syria trong tương quan với Libya về các khía cạnh: tính kinh tế, an toàn chính trị…
Ông Marc Lynch, chuyên gia về chính trị và ngoại giao thuộc ĐH George Washington.
(ĐVO) Chính quyền của Tổng thống Obama đang cân nhắc nghiêm túc về khả năng can thiệp quân sự vào Syria. Bản thân các phe đối lập của Syria, trước sự đàn áp của chính quyền Assad, đang yêu cầu sự can thiệp từ cộng đồng quốc tế.
Không khó để hiểu tính cấp thiết đằng sau lời kêu gọi. Theo thông tin từ phe chống đối và những người không thiện cảm với Syria, sự mạnh tay của chế độ Syria đang tạo cho dư luận mối quan tâm đặc biệt.
Tác giả Lynch ủng hộ sự can thiệp mà Mỹ từng làm với Libya với tầm quan trọng về các chuẩn mực khu vực và toàn cầu trong việc chống lại bạo lực của một chế độ, thế nhưng với Syria thì ông lại đưa ra quan điểm rất thận trọng.
Theo ông, những quyết định ngoại giao tốn kém và rủi ro được thực hiện chỉ để bày tỏ sự phẫn nộ về đạo đức là sai lầm. Cần phải có đảm bảo về thành công. Một chiến dịch quân sự không được tiến hành dưới sự thảo luận hợp lý nhằm cải thiện tình hình với chi phí chấp nhận được, sẽ chỉ làm tình hình tồi tệ hơn.
Địa chính trị
Syria không giống như Libya, đất nước mà theo ông Lynch có những điều kiện “độc nhất” thích hợp cho một cuộc can thiệp quốc tế.
Những phẫn nộ xuất phát từ lý do đạo đức hay cơ hội thay đổi cán cân khu vực bằng cách hạ bệ Iran - đồng minh duy nhất trong thế giới Arab của Syria... nếu không phải chỉ là một “hy vọng” thì sẽ chỉ là “kế hoạch”.
Theo ông Lynch, can thiệp quân sự vào Syria có triển vọng thành công rất ít nhưng nguy cơ thất bại thảm hại cực cao, bạo lực sẽ leo thang như những gì đã diễn ra ở Iraq…
Syria không giống Libya vì phe đối lập ở nước này yếu ớt, bị chia rẽ và chưa hề kiểm soát vùng lãnh thổ nào. Không có lằn ranh phân chia giữa lực lượng chính phủ và chống đối nên không thể có được một mục tiêu công kích rõ ràng. Bản thân các vụ giết chóc tại Syria, diễn ra trong các đô thị đông đúc.
Không hề có một Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép sử dụng sức mạnh. Đặc điểm địa lý và đảng phái, môi trường khu vực và nguy cơ tràn quân từ các nước láng giềng như Israel, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Iraq cũng khác biệt.
Vùng cấm bay là Vô dụng
Thiết lập Vùng cấm bay là không thể với Syria do nhiều lí do về địa chính trị khác xa với tình hình của Libya.
Về khả năng thiết lập vùng cấm bay
(>> chi tiết), hình thức can thiệp phổ biến nhất lại hoàn toàn không phù hợp với các thực tiễn của Syria.
Chế độ Syria không sử dụng trực thăng hay máy bay cánh cố định để thực hiện các cuộc đàn áp. Vì vậy, kiểm soát không phận của Syria không ảnh hưởng gì đến hoạt động của chính phủ.
Việc thiết lập Vùng cấm bay còn đòi hòi một đợt ném bom sơ bộ để đánh giá khả năng phòng thù của Syria -điều kiện để cho sự can thiệp tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều hệ thống phòng không của Syria đặt gần các khu vực đông dân cư, nên nguy cơ về thương vong của dân thường là rất cao.
Quan trọng hơn nữa, không phận để tiến đến Syria bao gồm các vùng nằm giữa Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran, những khu vực địa lý nhạy cảm nhất thế giới.
Có không ít những người vẫn ủng hộ sử dụng sức mạnh không quân của Mỹ và đồng minh tấn công vào chế độ của Assad. Với họ, điều này hoàn toàn mang tính trừng phạt, một biểu hiện của sự phẫn nộ cảm tính. Tuy nhiên, nếu không có sự ủy nhiệm hay cho phép của Liên Hợp Quốc, cuộc tấn công đương nhiên là bất hợp pháp. Nó sẽ là ví dụ điển hình của một cái gì đó “có vẻ tốt trong giây lát” nhưng sau đó lại tạo ra hàng loạt những vấn đề mới.
Một số người lại hy vọng rằng chế độ Assad dễ đổ vỡ. Tuy nhiên, cần nhớ chế độ của Gaddafi vẫn đứng vững sau cuộc không kích đầu tiên. NATO và phe đối lập ở Libya đã phải kéo dài cuộc chiến. Với Mỹ, một cuộc chiến kéo dài ở thời điểm hiện tại là quá sức chịu đựng, khi ngân sách quốc phòng đang cắt giảm mạnh.
Khu vực An toàn: Bài học đắt giá
Gần đây, Hội đồng quốc gia Syria đã nghĩ tới ý tưởng về việc thành lập một Khu vực An toàn để bảo vệ người tị nạn và để tạo ra một phiên bản của Thủ phủ Benhazi cho phe chống đối ở Syria (Benghazi-thành phố là thủ phủ của phe đối lập Libya). Hội đồng này nghĩ tới việc thiết lập và xây dựng một chính phủ thay thế.
Thế nhưng, một tuyên bố về nguyên tắc như thế đơn giản sẽ diễn lại kịch bản của cơn ác mộng Srebrencia trong cuộc chiến tranh Bosnia. Khi đó, cộng đồng quốc tế đã không thể can thiệp để bảo vệ dân thường.
Thành lập vùng an toàn sẽ lại tiêu tốn của Mỹ tiền của và nhân lực vô tội vạ.
Để có thể duy trì Vùng an toàn, cần ít nhất 2 vạn lính thường trực, các vụ không kích liên tục và cả những cuộc tranh cãi quốc tế bất tận tại Liên Hợp Quốc…những yếu tố đã ngốn toàn thời gian về hoạt động ngoại giao.
Tiếp theo, một khu vực an toàn có thể cho phép phe đối lập lưu vong tổ chức lại hoạt động, nhưng sẽ không thể là một Benghazi, nơi hình thành cơ chế lãnh đạo thay thế thông qua những nỗ lực của phe quân sự và dân sự đối lập người Syria.
Tóm lại, việc tạo một khu vực an toàn sẽ đòi hỏi sự đầu tư đáng kể và trực tiếp của quân đội, các nguồn lực. Điều này rõ ràng cũng vi phạm chủ quyền Syria.
Không có nhiều cơ sở để tin rằng Vùng an toàn có thể đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ Assad hay thậm chí là các sứ mệnh nhân đạo trong việc bảo vệ cuộc sống của người dân Syria.
Dù việc này được tiến hành, cộng đồng thế giới còn có thể hình dung và chỉ trích về một “âm mưu nước ngoài” trong việc chia rẽ Syria, điều mà chính ông Assad đã lên tiếng cảnh báo.
Các đề xuất khả thi
Sau khi đánh giá, cân nhắc các yếu tố trên, tác giả Marc Lynch kết luận: Can thiệp quân sự vào Syria, tại thời điểm này, sẽ là vô nghĩa.
Theo ông này, trước hết, Mỹ và đồng minh cần làm nhiều hơn để hỗ trợ các lực lượng đối lập của Syria. Hành động nào cũng cần sự thông qua của Hội đồng Bảo an, đặc biệt là các trừng phạt bắt buộc mang tính toàn diện với Damascus, gây áp lực song phương và khu vực. Mỹ và đồng minh cũng cần thúc đẩy phán quyết của Tòa án Hình Sự Quốc tế được thực thi nhằm buộc tội chế độ của Assad.
Tóm lại, theo tác giả, ông nghi ngờ chế độ Assad dễ đổ vỡ, nhưng tin rằng nó đang tự phá hủy bản thân nó thông qua những cuộc trấn áp mất ủng hộ chính trị và Mỹ có thể đẩy nhanh các quá trình trên mà không cần phải thêm một hành động can thiệp quân sự nào cả.
Mạnh Thắng (theo Foreign Policy)