Hôm nay, tiện vợ cả càu nhàu bộ lọc nước không ra nước (nhà em mua từ 2007 ở cửa hàng gần bến xe Kim Mã. Từ đó đến giờ chửa hỏng lần nào, chỉ phải sơn lại vì khung rỉ hết), tiện thể em chia sẻ cho các cụ vài vấn đề hay xảy ra của bộ lọc nước gia đình RO;
Các nguyên nhân không chảy nước từ hệ thống lọc RO, thiết kế cơ bản:
Triệu chứng như sau: Nước chảy cực chậm, một lúc sau thì nhỏ giọt. Khác với chảy yếu (bơm vẫn hoạt động)
1. Máy bơm hỏng (không thấy chạy mặc dù điện vẫn cắm);
2. Van áp thấp hỏng;
3. Van áp cao hỏng;
Sơ đồ các van nối như sau:
Để kiểm tra bộ phận nào hỏng, các cụ cần chuẩn bị 2 đoạn thép dẹt, mỏng, độ rộng khoảng 3mm, dài 30mm;
Các bước như sau:
1. Rút nguồn điện máy bơm
2. Khoá nước vào hệ thống và khoá nước trên nắp bình áp;
3. Kiểm tra van áp thấp: Rút 2 đầu dây ở van áp thấp, dùng đoạn thép đã chuẩn bị để nối 2 đầu dây này với nhau (nhớ cách điện với vỏ. Mở khoá nước vào hệ thống lọc, cắm điện vào. Nếu bơm chạy >> van áp thấp bị hỏng >> có thể sửa bằng cách sau:
+ Khoá vòi nước vào hệ thống, tháo 4 ốc van ra, cọ rửa bên trong van/ kiểm tra xem màng van có thủng không, nếu thủng thì phải thay van. Nếu không thủng thì chỉ cần cọ rửa là sạch hoặc lắp lại, bịt một đầu ống, đầu kia thổi mạnh, nghe tiếng công tắc đóng là ok. Nếu bị thủng thì sẽ có hiện tượng rỉ nước và cần mua thay mới (cũng khá rẻ);
+ Bản chất van này là một cái công tắc điện, khi nguồn nước vào đủ áp lực sẽ làm van đóng và đảm bảo đủ điều kiện để hệ thống hoạt động. Nhiều nhà ở thành phố dùng nước bể trên mái nên thường xuyên đủ áp và nhiều người sẽ dùng
cách nối tắt này nếu không muốn mua thay mới. Van này nối tiếp với van áp cao nên nếu nó hỏng thì bơm sẽ không hoạt động.
Van này nếu hỏng có thể đấu tắt, không cần thay nếu nhà các cụ dùng nước từ mái nhà.
4. Kiểm tra Van áp cao: Nếu van áp thấp không hỏng, cần kiểm tra van áp cao, bình thường van áp cao sẽ luôn đóng nếu mất áp (vòi ra mở). Đấu tắt 2 đầu dây vào van theo cách như bước 3. Nếu cắm điện bơm không chạy >> bơm hỏng >> thay mới hoặc bỏ hệ thống thay bằng hệ thống lọc tại nguồn, không nước thải để tiết kiệm. Bơm mới cũng tầm 400K trở lên ạ. Nếu đấu tắt mà bơm chạy thì van áp cao bị hỏng, các cụ
cần thay van này vì không có nó sẽ hỏng bơm luôn.
Bản chất van áp cao hoạt động như sau: luôn đóng khi áp thấp, chưa đủ áp lực nước, ngắt khi đường ống đủ áp và làm bơm dừng hoạt động.
Không có hình ảnh phục vụ các cụ. Em viết nhanh tạm mấy dòng chia sẻ để các cụ nào gặp tình huống có thể tự xử ạ.
Hình vẽ minh hoạ trên đây là của thế hệ các máy đời cũ, máy đời mời bi giờ họ đặt bơm ở vùng sau tầng lọc RO, ngay gần van áp cao để tăng hiệu suất làm việc vì màng lọc RO đã có nhiều cải tiến so với cách đây chục năm.
Lưu ý: các cụ dùng cách nói tắt trên (trường hợp van áp thấp hỏng) xong phải bọc kín lại bằng băng dính điện. mặc dù nguồn hoạt động cho bơm thường được cấp qua adapter là 24 hoặc 36V hoặc 12V nhưng cũng nguy hiểm nếu lỡ bị hở điện!
Kính các cụ!